Khu đô thị hơn 13.600 tỷ của FLC tại Lâm Đồng bị dừng xem xét chấp thuận đầu tư

Bộ Kế hoạch Đầu tư mới đây đã có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Cụ thể, UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch, dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương tài trợ lập quy hoạch trên địa bàn huyện.

Trong báo cáo này, UBND huyện Đức Trọng cho biết dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim được UBND tỉnh Lâm Đồng ủng hộ ý tưởng và thống nhất đề xuất của Tập đoàn FLC về khảo sát nghiên cứu.

Quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng được UBND huyện phê duyệt tại quyết định ngày 16/3/2020.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam sông Đa Nhim được phê duyệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Tuy nhiên qua theo dõi, UBND huyện Đức Trọng cho biết hiện nay Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim do FLC đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim do FLC đề xuất có tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Đối với dự án khu đô thị Liên Khương – Prenn, ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát và đề xuất quy hoạch dự án.

Đến ngày 14/10/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản thống nhất phạm vi nghiên cứu quy hoạch để Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC khảo sát và lập quy hoạch phân khu khu đô thị Liên Khương – Prenn, quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 3.500ha.

Tuy vậy, UBND huyện Đức Trọng cho biết hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vẫn chưa triển khai.

Trước đó, vào năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về phương án ý tưởng quy hoạch và đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đề nghị chia khu đô thị Nam sông Đa Nhim thành 4 dự án thành phần, tương ứng vưới 4 với phân khu theo quy hoạch, thực hiện thủ tục công bố danh mục đồng thời 4 dự án thành phần trên để triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim là 13.678,017 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của nhà đầu tư 2.561,687 tỷ đồng và vốn huy động khác 11.116,319 tỷ đồng.

Liên quan đến FLC, mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã bị bắt tạm giam vì tội "Thao túng thị trường chứng khoán". Doanh nghiệp này ngay sau đó khẳng định tập đoàn không phải là chủ thể có liên quan hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này.

"Vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với tập đoàn", phía FLC cho hay.

Với khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý trên hơn 40 tỉnh thành cả nước, phía FLC cho biết vẫn sẽ đặt mục tiêu hoàn thành pháp lý để tiếp tục triển khai hàng loạt dự án trong năm 2022.

Phát triển Côn Đảo thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh tầm cỡ quốc tế

Đây là mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 417/QĐ-TTg vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,78 km2, diện tích mặt biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 140,00 km2 và vùng biển xung quanh các đảo. (Diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và phạm vi bảo tồn biển thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo).

Thời hạn quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

Quyết định đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.

Đồng thời điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh.

Phát triển Côn Đảo thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh tầm cỡ quốc tế
Phát triển Côn Đảo thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh tầm cỡ quốc tế.

Về dự báo phát triển sơ bộ: Dự kiến quy mô dân số tối đa đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 25.000 người (chưa bao gồm dân số quy đổi từ khách du lịch).

Côn Đảo có quỹ đất hạn chế, do đó, quy mô đất đai để xây dựng, phát triển khu dân cư và du lịch cần được cân nhắc để khai thác sử dụng hiệu quả. Quy mô dân số, đất đai và khách du lịch cần được dự báo trên cơ sở đánh giá quỹ đất, điều kiện hạ tầng kỹ thuật và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại Côn Đảo. (Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số, khách du lịch và đất đai xây dựng theo từng giai đoạn được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).

Để đạt được mục tiêu đề ra, Quyết định cũng nêu rõ các yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung gồm: Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt. Phân tích và đánh giá các nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đã được phê duyệt năm 2011 trên cơ sở tình hình, thực tiễn phát triển dân cư, du lịch tại Côn Đảo; rà soát các dự án, quy hoạch trên địa bàn đã được lập và phê duyệt; định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và xã hội với xu hướng phát triển thực tế hiện nay.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất cấu trúc dân cư - du lịch, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển không gian, tổ chức hệ thống trung tâm, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật tại Côn Đảo phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, bảo vệ di tích và môi trường sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị để quản lý phát triển theo quy hoạch.

Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Lựa chọn các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu phát triển theo từng giai đoạn, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Côn Đảo.

Cùng với đó, thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

Lập 3 đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời mái nhà

Từ 1/4 đến 1/4, ba đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà.

Chiều 1/4, Bộ Công Thương cho biết, đã thành lập ba đoàn kiểm tra để tiếp tục thực hiện công việc rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 1/4 đến hết ngày 10/4/2022.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra và báo cáo của các tỉnh, thành, địa phương, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả tích cực và những tồn tại trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc kiểm tra phát triển điện mặt trời thành 2 đợt.

Đợt 1 được thực hiện ngay tại thời điểm ngày 5/3/2021 và tiến hành kiểm tra đối với 10 tỉnh, thành phố có tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và TP HCM.

Đợt kiểm tra thứ hai dự kiến sẽ thực hiện vào thời điểm tháng 5 và tháng 6/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch kiểm tra đợt 2 đã tạm dừng.

Kết quả kiểm tra đợt 1, bộ này phát hiện hàng loạt công ty điện lực đã có các sai phạm. Phát hiện một số vấn đề tại một số dự án điện mặt trời như quá tải lưới phân phối, cũng như một số dự án tấm pin chưa lắp đủ, hoặc có một số chỗ gặp sự cố gây quá tải các đường dây.

Hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như: ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ....

Bộ Công Thương cho rằng, 10 tỉnh, thành phố trên chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.

Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định...

Ra mắt Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định

Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định là thành phần của khu đô thị Long Vân. Dự án Long Vân 2 nằm trên đường Long Vân - Long Mỹ, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là vị trí có phía Tây gần Quốc lộ 1A; phía Đông và Nam đều giáp núi Vũng Chua; phía Bắc gần quốc lộ 1D.

Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định có tổng diện tích gần 36 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.456,9 tỷ đồng.

Với quy mô dân số khoảng 4.000 - 5.500 người, khu đô thị Long Vân Bình Định 2 sẽ triển khai các công trình như: khu nhà ở thấp tầng (liên kề, biệt thự); xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh; xây dựng nhà ở xã hội; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị.

Chỉ tiêu đất đơn vị ở dự án bình quân từ 15 - 28 m2/người. Diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu đạt 2 m2/người.

Khu đô thị Long Vân 2 dự kiến có tối thiểu một công viên, vườn hoa với quy mô từ 5.000 m2.

Phối cảnh Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định.
Phối cảnh Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định.

Tiện ích ngoại khu của dự án gồm có: trường đại học Quang Trung, chợ Phú Tài, trường THPT Hùng Vương, công viên Long Vân, bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, ngân hàng Vietcombank...

Dự án khu đô thị Long Vân 2 Bình Định được đầu tư bởi Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Long Vân.

Khu đô thị Long Vân 2 Bình Định được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Long Vân góp vốn 491,3 tỷ đồng (Công ty CP Bất động sản Hano - Vid: 393,1 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang: 98,2 tỷ đồng) và vốn huy động từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh Thăng Long là 1.965,5 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm 2023, chủ đầu tư sẽ thi công xây dựng hoàn thiện hạ tầng khung. Quý I/2024 - quý IV/2027, dự án sẽ được xây thô các phần nhà liền kề và biệt thự, xây dựng nhà trẻ...