Điểm danh 6 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng vốn

Theo dự thảo báo cáo, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ, đội vốn và gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Tại Hà Nội, các dự án đường sắt đô thị đã được bố trí hơn 36.600 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và xây dựng 4 tuyến. Trong đó, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi được bố trí hơn 2.200 tỷ đồng; tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được bố trí gần 1.000 tỷ đồng; tuyến Cát Linh - Hà Đông được bố trí hơn 16.300 tỷ đồng; tuyến Nhổn - ga Hà Nội được bố trí hơn 17.000 tỷ đồng.

Tới nay, duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông hoàn thành đưa vào khai thác thương mại. Tuyến Nhổn - ga Hà Nội cơ bản hoàn thành đoạn trên cao, dự kiến, cuối năm nay khai thác thương mại, còn đoạn đi ngầm phải lùi tiến độ hoàn thành tới năm 2027.

Với tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, hiện, đã triển khai thiết kế kỹ thuật, nhưng tạm dừng triển khai, Bộ GTVT đang làm thủ tục bàn giao hồ sơ để Hà Nội tiếp tục thực hiện. Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo.

Tại TP Hồ Chí Minh, tới nay ngân sách đã bố trí gần 30.000 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện thi công 2 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đã được bố trí gần 24.000 tỷ đồng, tuyến Bến Thành - Tham Lương được bố trí trên 5.500 tỷ đồng.

Dự kiến, tới năm 2023, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành để đưa vào khai thác, trong khi tuyến mới tới bước giải phóng mặt bằng. Đánh giá về các dự án trên, Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận do các dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.

Hiện mới có duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác.
Hiện mới có duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác. Ảnh: Hà Nội Mới

Mặt khác, dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn; các gói thầu ngoài việc thực hiện tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ, trong khi, yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay đan xen khác nhau theo nhà tài trợ nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc…

Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, dự án liên quan nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh quy định pháp luật Việt Nam nên cần phải rà soát thận trọng những bước thực hiện, quản lý dự án nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong nước và tuân thủ quy định của điều ước quốc tế và quy định các thỏa thuận vay vốn.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.

Hà Nội có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha

TP. Hà Nội đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung. Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha.

Đó là thông tin tại chương trình tiếp xúc với cử tri nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai chiều 12/10.

Nêu ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, cử tri Trịnh Văn Bảy (phường Hoàng Liệt) kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quyền lựa chọn việc sử dụng 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ về không gian, cảnh quan, phân khúc khách hàng.

Ngoài ra, cho phép các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có thể lựa chọn việc dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hoặc đổi quỹ đất 20% trong dự án bằng tiền để nộp ngân sách Nhà nước để địa phương sử dụng phát triển nhà ở xã hội.

Hà Nội có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha
Hà Nội có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha. Ảnh minh họa

Ông Trịnh Văn Bảy kiến nghị cho phép UBND cấp tỉnh quyết định % diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong dự án thương mại, khu đô thị để phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương từng khu vực; cho phép UBND cấp tỉnh xem xét việc bố trí quỹ nhà ở xã hội vào một ô đất độc lập, đơn lẻ theo quy hoạch để làm khu nhà ở xã hội.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Nếu khu đô thị chỉ có khoảng 2 héc ta thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu động bộ. Do đó, hiện nay, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung.

Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha. Thành phố còn dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân...

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2022, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. 9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả của thành phố có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai đã hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực.

Bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ngày 13/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về tiến độ khởi công dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2). Đại diện 12 tỉnh, thành phố có dự án đi qua dự họp theo hình thức trực tuyến.

Theo báo cáo, hiện nay, các chủ đầu tư đã trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật được 208 km (đạt 29%). Dự kiến đến ngày 5/11/2022 sẽ phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán toàn bộ 12 dự án thành phần.

Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết các mốc tiến độ cụ thể. Đó là phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu đầu tiên cho toàn bộ 12 dự án thành phần (để gửi Kiểm toán Nhà nước): hoàn thành trước ngày 31/10/2022. Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu hoàn thành trước ngày 20/11/2022. Lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát hoàn thành trước ngày 16/12/2022. Ký hợp đồng xây lắp hoàn thành trước ngày 20/12/2022. Chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên: Từ ngày 21/12/2022 đến này 24/12/2022.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay các địa phương đã giải ngân được 408,58 tỉ đồng. Trong đó, Hà Tĩnh dẫn đầu với hơn 220 tỉ đồng được giải ngân, sau đó là Quảng Bình 15,6 tỉ đồng, Bình Định 118,7 tỉ đồng, Cà Mau 54 tỉ đồng. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích thu hồi khoảng 6.303 ha, đạt 99,5%. Trên cơ sở đo đạc tại thực địa, các địa phương đã thực hiện kiểm đếm được 5.854 ha, đạt 93%.

Theo kết quả kiểm đếm đến ngày 10/10/2022, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 40.100 hộ và phải tái định cư 6.637 hộ. Có 3/12 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau) đã có sẵn khu tái định cư để sử dụng cho Dự án. 9/12 tỉnh cần xây dựng 166 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 481 ha.

Theo các ý kiến, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm kê tài sản trên đất ở một số địa phương tại một số dự án và công tác lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Việc triển khai các thủ tục, các công việc để xây dựng khu tái định cư thường kéo dài, nếu không đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng.

Chính phủ yêu cầu Giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2
Chính phủ yêu cầu giao mặt bằng đúng tiến độ để khởi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Ảnh minh họa

Tại cuộc họp, các địa phương khẳng định cam kết bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong tháng 11 để có thể khởi công dự án trong tháng 12/2022.

Nhiều địa phương đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ, phối hợp liên quan bồi thường tái định cư cho công trình quốc phòng; di dời đối với các công trình điện cao thế; chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; về thẩm định mỏ vật liệu và bãi đổ thải.

Về vốn cho giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã giao kế hoạch vốn hơn 7.170 cho các địa phương. “Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu các Ban quản lý dự án cùng các địa phương nắm chắc tình hình. Chúng tôi đã tính toán đến vấn đề điều chỉnh và bổ sung vốn kịp thời cho các địa phương. Dứt khoát không để vì thiếu tiền mà không giải phóng mặt bằng được”. Ông Lê Đình Thọ cũng lưu ý việc chuẩn bị mỏ vật liệu và bãi đổ thải cần được tiến hành song song, bởi “nếu giải phóng mặt bằng xong nhưng không có mỏ vật liệu, bãi đổ thải thì cũng không thi công được”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ, phải hoàn thành vào năm 2025. Khối lượng công việc rất lớn khi thời gian còn lại không nhiều, khoảng 3 năm. Nếu chậm 1 nhịp thì công trình sẽ không hoàn thành đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Giao thông vận tải đã triển khai được nhiều việc. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư 12/12 dự án thành phần (vào ngày 13/7/2022), phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để phục vụ khởi công… Các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc tại thực địa với tổng diện tích thu hồi hơn 6.300 ha. Có 5 tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bồi thường, đã chuyển tiền bồi thường cho người dân.

Tuy nhiên, so với mục tiêu Nghị quyết 18 của Chính phủ đưa ra thì vẫn còn chậm. Còn 7 tỉnh chưa phê duyệt phương án bồi thường. Đến nay, các địa phương mới giải ngân được hơn 408 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Nhắc lại bài học kinh nghiệm trong triển khai giai đoạn 1 của dự án cao tốc Bắc - Nam, nhất là khâu chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian (3 năm), Phó Thủ tướng nêu rõ, toàn bộ giai đoạn 2 của dự án, với chiều dài 721 km, phải hoàn thành trong vòng 4 năm. Do đó, trong thời gian tới, phải quyết liệt đổi mới, từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ Giao thông vận tải tới các địa phương mới đảm bảo thực hiện được các mục tiêu tiến độ, chất lượng của dự án. Vừa bảo đảm tiến độ vừa giữ vững chất lượng, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương trước Chính phủ là giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ mà Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra. Theo đó, các địa phương phải bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022. Các địa phương chưa phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng thì cần phê duyệt xong trong tháng này.

Các Ban quản lý dự án cần đề cao trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, trước Chính phủ trong công tác này. Từ nay, tới thời điểm khởi công mà các dự án chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ thì sẽ xem xét trách nhiệm của ban quản lý dự án. Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp giao ban hàng tuần với các địa phương để kiểm điểm tiến độ triển khai.

Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán các gói thầu khởi công; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2022. Phó Thủ tướng lưu ý lựa chọn nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án. Việc chọn nhà thầu phải minh bạch.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch khởi công dự án trong tháng 12/2022. “Khởi công xong là phải triển khai thi công ngay” - Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chuẩn bị mỏ vật liệu xây dựng cho dự án, tránh việc mua đi bán lại qua các khâu trung gian khiến giá bị đội lên.

Dự án đất nền Ogimi Village Bảo Lộc tại Lâm Đồng được mở bán với mức giá từ 7,5 triệu đồng/m2

Ogimi Village Bảo Lộc có vị trí nằm tại xã Đại Lào, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm ngay tuyến đường Quốc lộ 20 kết nối thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt, cạnh điểm xuống cao tốc Dầu Giây – Liên Khương và nằm trong khu quy hoạch tổ hợp nghỉ dưỡng núi Sapung.

Ogimi Village Bảo Lộc có tổng diện tích 1,5 ha với mật độ xây dựng chỉ 25%. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình đất nền, cung cấp ra thị trường 28 lô có diện tích lớn từ 260 – 500 m2. Bên cạnh đó dự án cung cấp ra thị trường 6 nền Sky Graden Villa xây sẵn.

Dự án đất nền Ogimi Village Bảo Lộc tại Lâm Đồng
Dự án đất nền Ogimi Village Bảo Lộc tại Lâm Đồng.

Từ dự án Ogimi Village Bảo Lộc, cư dân có thể tiếp cận những tiện ích ngoại khu lân cận như: cách ĐH Tôn Đức Thắng 9 km, cách quảng trường Bảo Lộc, chùa Linh Quy Pháp Ấn 10 km, cách Vincom Plaza 12 km, cách bện viện II Lâm Đồng 13 km, cách đồi chè Tam Châu 15 km, cách nhà thờ Thánh Mẫu và sân bay Lộc Phát 17 km…

Ogimi Village Bảo Lộc được đầu tư và phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phương Đông, được thành lập ngày 05/08/2021, đặt trụ sở tại số 57 đường số 10, phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm đất nền tại dự án Ogimi Village Bảo Lộc được mở bán với mức giá từ 7,5 triệu đồng/m2.