Năm 2018, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “chấn động” với dự án Apec Mandala Wyndham Phú Yên bán tới 90% sản phẩm chỉ trong vòng 1 tháng sau khi mở bán. Đặc biệt các căn hộ tại dự án Phú Yên có độ thanh khoản khá cao, sang năm 2019, giá căn hộ đã tăng gần 20% tại thời điểm bàn giao… Điều này được giới chuyên gia đánh giá là một hiện tượng hiếm có trên thị trường, đặc biệt hơn khi Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group (APEC Group) là một “tân binh” trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tự nhận mình là một “chú cá nhỏ” trong đại dương bao la của thị trường bất động sản có quá nhiều “cá lớn”, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc APEC Group cho biết, APEC bắt đầu bước vào thị trường bất động sản vào khoảng 2015. Ngay từ khi đó, APEC đã tự biết rằng, “Mình là người đi sau. Và giữa một đại dương xanh quá nhiều cá lớn, APEC là cá nhỏ thì phải tìm cho mình một lối đi riêng”. Thời điểm đó, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác đều tập trung vào thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, nhà chung cư. Tuy nhiên, mảng bất động sản về khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp chuẩn quốc tế và mang đậm văn hóa Việt Nam thì chưa có. Có chăng chỉ là một số khu nghỉ dưỡng cao cấp mang tính chất sao chép phong cách của nước ngoài. Lý do khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm đó ít được các nhà đầu tư chú ý bởi đây là một “mảng” khó, cần đầu tư lớn nhưng thu lợi nhuận lẻ. Hơn nữa, vào thời điểm đó, các chính sách ngân hàng hỗ trợ chủ đầu tư, khách hàng cho bất động sản nghỉ dưỡng không được tốt như mảng đô thị, nhà ở. Đồng thời, muốn làm tốt trong thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thì cần phải chú trọng tới công tác quản lý, vận hành. “Xây xong dự án là một chuyện nhưng để các khu nghỉ dưỡng đó luôn sáng đèn, giúp hòa vốn và có lãi lại là một câu chuyện rất gian nan”. Ví như, tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né với gần 3.000 phòng thì APEC phải cần tối thiểu mỗi phòng có 1 nhân viên chịu trách nhiệm. Do đó, công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên là vô cùng khó khăn, phức tạp và cần sự kiên trì. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân không phải chủ đầu tư nào cũng dũng cảm lựa chọn mảng bất động sản nghỉ dưỡng. Cùng với đó, du lịch được xác định là trụ cột kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Đảng và Nhà Nước định hướng du lịch là ngành sống còn, ngày càng phát triển lớn mạnh và sự thật hiện tại đang chứng minh cho nhận định đó. “Tất cả những lý do đó đã khiến APEC mạnh dạn chọn việc khó, ít người làm. Sau một quãng thời gian tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, APEC đã đạt được một số thành công nhất định. Chính điều này đã tạo cho chúng tôi động lực và sự tự tin rằng APEC có thể tiếp tục con đường đã chọn. APEC thậm chí còn nuôi khát vọng sẽ phát triển đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ ở Việt Nam mà sẽ từng bước vươn ra thị trường bất động sản quốc tế”, ông Nguyễn Quang Huy tự hào chia sẻ. |