ABBank chuẩn bị phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cp

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã chứng khoán ABB) vừa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.

Theo đó, ABBank chào bán 114.262.271 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý IV/2021, tỷ lệ phát hành 20%.

Ngân hàng cho biết, số tiền dự kiến thu được hơn 1.142 tỷ đồng từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu (cùng với số tiền dự kiến thu được từ phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP) trước hết và chủ yếu được sử dụng để đảm bảo và nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, đồng thời một phần được sử dụng để đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nền tảng số hoá của Ngân hàng.

Cùng với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu này, ABBank hiện đang hoàn tất hồ sơ nộp Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện phát hành 11.426.227 cổ phần tương đương 2% vốn điều lệ hiện tại dành cho cán bộ nhân viên theo Chương trình ESOP.

ABBank: Có vội vã khi chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khi nợ xấu tăng 46%?

Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBAank sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng.

Việc chào bán cho cổ đông hiện hữu lần này cùng với việc phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến thực hiện trong năm nay thuộc giai đoạn 1 của lộ trình tăng vốn của ABBank gồm 2 giai đoạn đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. Sau khi kết thúc giai đoạn 2 (chia cổ phiếu thưởng), tổng số vốn điều lệ ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.

Được biết ABBank cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết trong thời gian tới.

Tổng nợ xấu ABBank tăng 46% so với đầu năm (tính đến 30/9/2021)

Tuy nhiên, nhìn lại công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của ABBAank có thể thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Cụ thể: Trong quý 3 năm 2021, hoạt động chính của ABBank vẫn tăng trưởng khi đem về hơn 768 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, các khoản chi phí đều được ABBank tiết giảm như chi phí hoạt động giảm 3% (386 tỷ đồng), chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 37% (85 tỷ đồng). Kết quả, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế quý III/2021 tăng 16%, đạt gần 408 tỷ đồng.

Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2021, ABBank ghi nhận lãi trước và sau thuế đạt 1.599 tỷ đồng và 1.279 tỷ đồng, tăng lần lượt 69% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9/2021, tổng tài sản ABBank còn 113.875 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước ở mức 3.959 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần; Tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác đạt 15.968 tỷ đồng, giảm 36%; Cho vay khách hàng tăng 5%, đạt 66.664 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng năm 2021, thu nhập lãi thuần của ABBank đạt 2.197 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh thu về khoản lãi tăng đột biến gần 195 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi 5 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2021, ABBank ghi nhận 406 tỷ đồng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại tăng tới 49%, đạt 2.005 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của ABBank giảm 8%, còn 67.053 tỷ đồng so với đầu năm; Tiền vay các tổ chức tín dụng khác 2.614 tỷ đồng, giảm 27%; Phát hành giấy tờ có giá tăng 41% lên mức 7.905 tỷ đồng…

Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu ABBank tăng 46% so với đầu năm, lên mức 1.939 tỷ đồng.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 190% lên mức 604 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 52% lên mức 945,7 tỷ đồng, nợ nghi ngờ giảm 21% xuống còn 389,5 tỷ đồng.

ABBank: Có vội vã khi chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khi nợ xấu tăng 46%?

Có nên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng toàn ngành cuối tháng 6 tăng 6,44% so với đầu năm từ mức 2,95% cuối tháng 3, và gần gấp đôi mức tăng 3,65% của 6 tháng 2020. Tuy nhiên, tín dụng đang tăng chậm lại trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tháng 7 và 8 tín dụng chỉ tăng thêm 0,9%, nâng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên 7,4% so với đầu năm.

Bức tranh lợi nhuận nửa cuối năm 2021 sẽ chịu tác động lớn từ đợt bùng phát hiện tại; do đó thị trường chủ yếu sẽ kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận năm 2022. Những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Khi đó, ngành Ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính riêng từ 15/7 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại gồm (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng đạt 8.865 tỷ đồng.

Tại cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới đây, các tổ chức tín dụng cho biết đã thực hiện giảm mạnh giá bình quân sản phẩm, dịch vụ (lãi suất biên và phí dịch vụ) với chỉ số cân bằng giảm từ -6,9% (cuối quý 2/2021) xuống -22,3%, mức thấp nhất kể từ quý 1/2014 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh định kỳ quý đến nay). Xu hướng này tiếp tục được dự kiến cho quý 4 và cả năm 2021, tron đó, giảm lãi suất biên nhiều hơn giảm phí dịch vụ.

VNDirect khuyến nghị nên hướng tới các ngân hàng hội tụ được những đặc điểm như: các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỉ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những NH chiếm ưu thế. Các ngân hàng có khả năng thúc đẩy vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn. Do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tiếp theo, VNDirect cho rằng, các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Mặt khác, cho đến nay tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay "giảm" trong quý 4/2021 và cả năm 2021 đạt cao hơn nhiều so với tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất "tăng”, chỉ số cân bằng về thay đổi mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh giảm mạnh.

Trong khi thu nhập từ lãi được dự báo giảm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2021 được các tổ chức tín dụng nhận định có chiều hướng tăng so với quý liền trước. Theo đó, có 50,5% tổ chức tín dụng nhận định mặt bằng rủi ro tăng trong quý 3; có 33,7% tổ chức tín dụng dự báo tăng trong quý 4 và có 50,5% tổ chức tín dụng dự báo "tăng" trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ các tổ chức tín dụng nhận định ở kỳ điều tra trước (tương ứng 27,2%, 23,3% và 39,8%).

Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở "mức cao và khá cao" tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ 2014.

Nhìn chung, có tới gần 60% tổ chức tín dụng được hỏi cho rằng kết quả kinh doanh quý 4/2021 sẽ không tăng so với quý 3/2021. Trong đó, có 41,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 17,8% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm.

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect, hiện nay các thông tin về dịch bệnh và bối cảnh kinh tế vĩ mô đã tương đối rõ ràng, dòng tiền sẽ quay lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó có cổ phiếu ngân hàng.

“Ngân hàng là một trong những ngành có vốn hóa lớn đủ sức thu hút vốn từ dòng tiền ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân”, bà Hiền nhận định.

Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ bị tác động tiêu cực bởi làn sóng Covid-19 thứ 4. Do đó, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư. Nợ xấu chắc chắn sẽ tăng cao trong vài tháng tới, vì vậy nhà đầu tư nên lựa chọn những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, nghĩa là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao (LLR).