Cụ thể, tính đến ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của HAG ghi nhận giảm từ 8.038 tỷ đồng tại ngày cuối năm 2022 xuống còn 5.684 tỷ đồng. Khoản phải thu khách hàng và trả trước cho người bán tăng lần lượt 62% và 60%, lên mức 1.476 tỷ đồng và 1.226 tỷ đồng. Khoản phải thu về cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp và các bên liên quan khác giảm từ 4.017 tỷ đồng xuống còn 1.309 tỷ đồng.

Phải thu ngắn hạn từ nguồn lãi cho vay các công ty, cho các công ty mượn… cũng giảm từ 1.155 tỷ đồng xuống còn 429 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của HAG ở mức 1.261 tỷ đồng, tăng 9,6% so với ngày cuối năm 2022. Mức tăng chủ yếu do chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tăng thêm 10,4%.

Tài sản dài hạn của HAG trong vòng 6 tháng đã tăng thêm 3.898 tỷ đồng, đạt 15.657 tỷ đồng tại ngày 30/6. Khoản phải thu hợp đồng hợp tác đầu tư của doanh nghiệp đã tăng từ 545 tỷ đồng lên 1.870 tỷ đồng.

Tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp (bao gồm nhà cửa, máy móc, phương tiện, thiết bị văn phòng, cây trồng lâu năm, vật nuôi và tài sản khác) đã tăng thêm 1.939 tỷ đồng, lên mức 5.498 tỷ đồng.

Tài sản của Hoàng Anh Gia Lai vượt ngưỡng 21.000 tỷ đồng. Ảnh: HAGL
Tài sản của Hoàng Anh Gia Lai vượt ngưỡng 21.000 tỷ đồng. Ảnh: HAGL

Ngoài ra, tại mục tài sản dài hạn, khoản chi phí phát triển vườn cây ăn quả của doanh nghiệp tăng thêm 990 tỷ đồng, đạt 4.459 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp đến ngày 30/6 đạt 15.954 tỷ đồng, tăng 1.351 tỷ đồng so với mức 14.603 tỷ đồng tại ngày cuối năm 2022. Khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng từ 535 tỷ đồng lên 1.038 tỷ đồng, trong đó HAG có thêm 101 tỷ đồng khoản trả tiền mua cổ phần. Phải trả dài hạn các công ty và cá nhân tăng từ 308 tỷ đồng lên 812 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay ngân hàng, trái phiếu cũng tăng thêm 376 tỷ đồng, lên mức 4.647 tỷ đồng.

Vay ngắn hạn của HAG tăng 4,7%, đạt 4.189 tỷ đồng; vay dài hạn lại giảm 6,4%, còn đạt 3.895 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, quý 2/2023 doanh thu thuần của HAG đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù doanh thu trái cây của doanh nghiệp giảm 13% nhưng hai mảng còn lại là bán heo, bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ lại tăng lần lượt 71% và 37%.

Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng 20%, lên mức 1.264 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai còn đạt 185 tỷ đồng, tăng 5,7%.

Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng 12,6%, lên mức 107 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại giảm 58%, còn 362 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng ghi nhận giảm 48%, còn 46 tỷ đồng. Đối với chi phí quản lý doanh nghiệp, cùng kỳ năm trước doanh nghiệp có 992 tỷ đồng cho khoản hoàn nhập dự phòng nhưng quý 2/2023 không ghi nhận nên khoản chi phí này của HAG trong quý này ở mức 35 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của HAG đạt 101,6 tỷ đồng, giảm 61% so với mức 264 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.146 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của HAG đạt 404 tỷ đồng, giảm 22%.

Năm 2023, HAG đặt kế hoạch đạt 5.120 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả 2 quý đầu năm, HAG đã hoàn thành 61% kế hoạch về doanh thu và 35% kế hoạch về lợi nhuận.

Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt ngành heo khi giá heo trên thị trường còn neo ở giá thấp. Trong chia sẻ gần nhất, đại diện HAGL xác định năm 2023 nguồn thu chủ yếu từ xuất khẩu chuối, mảng heo sẽ không kỳ vọng có lợi nhuận trong năm nay.

Trong tài liệu trình sắp tới không có chương trình phát hành tăng vốn. Theo đó, năm 2023 HAGL dự kiến chưa tăng quy mô, duy trì quy mô 7.000ha chuối và 10 cụm chuồng trại với công suất 600.000 con heo thịt/năm.

Năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 5.111 tỷ đồng, LNST 1.125 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2022, Công ty còn lỗ luỹ kế 3.341 tỷ đồng. Do đó, năm 2022 và 2023 HAGL sẽ không chia cổ tức.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL): Kế hoạch lợi nhuận 2023 tăng nhẹ lên 1.130 tỷ đồng
Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đặt ra kế hoạch lợi nhuận 2023 tăng nhẹ lên 1.130 tỷ đồng.

Tại BCTC kiểm toán 2022, lỗ luỹ kế cùng tình trạng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Nói về điều này, HAGL cho biết sang năm 2023, doanh thu từ trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn thu chính cho Tập đoàn. Tại ngày lập BCTC hợp nhất, Tập đoàn đã lên kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai. Tập đoàn cũng đã đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay và việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Do đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban Tổng Giám đốc tiến hành lập BCTC trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Điểm qua một số giao dịch đáng chú ý với các bên liên quan, HAGL năm qua: Cho vay 20 tỷ với Chăn nuôi Gia Lai; Cho vay hơn 20 tỷ và bảo lãnh khoản vay 300 tỷ đồng với Gia súc Lơ Pang. Trong đó, Lơ Pang đã chính thức trở thành công ty con của HAGL từ ngày 31/3/2022.

Lơ Pang là công ty được thành lập hồi tháng 6/2020, hoạt động chính là chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Việc sáp nhập Lơ Pang và một công ty cùng ngành khác là Chăn nuôi Gia Lai đã được ĐHĐCĐ năm 2021 của HAGL thông qua. Trong đó, Lơ Pang hoạt động song song với Chăn nuôi Gia Lai, nếu Chăn nuôi Gia Lai là phía đông thì Gia súc Lơ Pang là đảm nhận phía Nam.

Tại Hưng Thắng Lợi Gia Lai, HAGL đang cho vay 859,5 tỷ đồng, bảo lãnh 2 khoản vay với tổng giá trị 900 tỷ đồng.

Cuối cùng là HAGL Agrico (HNG), năm qua phía HNG đã trả cho HAGL hơn 600 tỷ, dư nợ còn lại vào khoảng 1.500 tỷ đồng.