03 doanh nghiệp sẽ thay thế Công ty Bắc Hà thầu loạt tuyến buýt của Hà Nội
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu đối với loạt tuyến buýt có trợ giá từ số 41 đến 45 sau khi hoàn thành quyết định chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hà (Công ty Bắc Hà).
Theo đó, 3 đơn vị được chỉ định thầu gồm Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội sẽ vận hành tuyến số 41 (Nghi Tàm-Bến xe Giáp Bát), 44 (Trần Khánh Dư-Bến xe Mỹ Đình), 45 (Times City-Nam Thăng Long); Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội sẽ chạy tuyến số 42 (Bến xe Giáp Bát-Đức Giang); Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân thay thế Bắc Hà vận hành tuyến số 43 (Công viên Thống Nhất-Thị trấn Đông Anh).
Tuyến buýt số 42 thực hiện từ 1/4/2020, thời gian còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2025. Giá đề nghị trúng thầu hơn 39 tỷ đồng, đơn giá vận hành hơn 18.700 đồng/km, tổng doanh thu hơn 10,5 tỷ đồng, trợ giá hơn 28,6 tỷ đồng.
Tuyến buýt số 43 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2019, 3 năm 4 tháng (40 tháng), thời gian còn lại 1 năm 8 tháng (20 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2024. Giá đề nghị trúng thầu hơn 31 tỷ đồng, trong đó đơn giá vận hành hơn 18.500 đồng/km, tổng doanh thu hơn 6,5 tỷ đồng, trợ giá gần 25 tỷ đồng.
Tuyến buýt số 44 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2021, đã thực hiện 1 năm 4 tháng (16 tháng), thời gian còn lại 3 năm 8 tháng (44 tháng), thời gian kết thúc hợp đồng 31/3/2026. Giá đề nghị trúng chỉ định thầu là hơn 61 tỷ đồng, đơn giá vận hành hơn 17.000 đồng/km, tổng doanh thu hơn 14 tỷ đồng, trợ giá hơn 47 tỷ đồng.
Tuyến buýt số 45 thực hiện hợp đồng từ ngày 1/4/2020, đã thực hiện được 2 năm 4 tháng (28 tháng), còn lại 2 năm 8 tháng (32 tháng), hợp đồng kết thúc ngày 31/5/2025. Giá đề nghị trúng thầu hơn 38 tỷ đồng, trong đó đơn giá vận hành hơn 18.000 đồng/km, tổng doanh thu hơn 12 tỷ đồng, tổng trợ giá hơn 26 tỷ đồng.
Từ 1/8, 3 đơn vị sẽ thay thế Công ty Bắc Hà thầu loạt tuyến buýt của Hà Nội |
Về giá trị tổng 5 tuyến buýt trong 5 năm thực hiện theo hợp đồng có giá trị hơn 298 tỷ đồng.
Trong đó năm 2021 trị giá hơn 39 tỷ đồng, 2022 trị giá hơn 59 tỷ đồng. Từ năm 2019 - 2022, Tramoc đã thanh toán cho loạt tuyến buýt này hơn 105 tỷ đồng, trong đó năm 2021 đã thanh toán gần 40 tỷ đồng, năm 2022 tạm ứng hơn 26 tỷ đồng, giá trị còn lại phải thanh toán trong năm 2021 là hơn 345 triệu đồng.
Giá trị hợp đồng đến hết ngày 31/7/2022, 5 tuyến buýt đạt doanh thu bán vé hơn 42 tỷ đồng, chi phí vận hành hơn 172 tỷ đồng, trợ giá hơn 130 tỷ đồng.
Giá trị theo hợp đồng gói thầu còn lại của các gói thầu tính từ 1/8 tới đây khi Công ty Bắc Hà ngừng hoạt động cho thấy: Đối với giá trị theo hợp đồng gói thầu, doanh thu của 5 tuyến buýt là hơn 97 tỷ đồng, trong đó chi phí vận hành hơn 395 tỷ đồng, trợ giá hơn 298 tỷ đồng.
Giá trị còn lại tính từ 1/8: Doanh thu hơn 54 tỷ đồng, chi phí vận hành 223 tỷ đồng, trợ giá hơn 168 tỷ đồng, tương đương giá trị hợp đồng còn lại là 56,4%.
Trước đó, với những khó khăn về tài chính không thể tiếp tục hoạt động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bắc Hà đã có công văn đề nghị Sở Giao thông Vận tải cùng các cơ quan liên quan chấp thuận cho đơn vị ngừng khai thác 5 tuyến xe buýt từ số 41 đến 45 mà đơn vị đang quản lý vận hành kể từ ngày 1/8/2022 vì điều kiện bất khả kháng.