Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê thu về 5,45 tỷ USD, tăng 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu 130 nghìn tấn cà phê, đem về 741,1 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt 953,9 nghìn tấn và 5,45 tỷ USD, tăng 5,3% về khối lượng và tăng 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Tính đến hết ngày 3/7, kim ngạch xuất khẩu cà phê ước đạt 5,5 tỷ USD, đã vượt mốc kỷ lục của cả năm 2025 để thiết lập kỷ lục mới.
Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,3%, 7,9% và 7,4%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Đức tăng 2,2 lần, thị trường Italia tăng 45,1%, thị trường Tây Ban Nha tăng 55,8%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh nhất ở thị trường Mexico với mức tăng 71,6 lần và tăng thấp nhất ở thị trường Trung Quốc với mức tăng 22,9%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Hoa Kỳ là nước nhập khẩu và tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Brazil là nhà cung cấp lớn nhất cà phê cho thị trường Hoa Kỳ, bên cạnh Colombia, các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là thị trường trọng điểm xuất khẩu cà phê đặc sản phân khúc cao cấp, sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng và cà phê hòa tan.
Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu cà phê hiện nay đang giảm do các tác động của biến đổi khí hậu, giá cà phê thế giới cao, nhu cầu tiêu thụ lớn, do vậy, ngành hàng cà phê Việt Nam vẫn có thể ứng phó để có cơ hội tiếp tục duy trì thị phần tại Hoa Kỳ, đẩy mạnh phân khúc cà phê Robusta.
EU là thị trường lớn nhất của cà phê Việt. EU xếp Việt Nam vào nhóm 'rủi ro thấp' về phá rừng giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này. Việc xuất khẩu cà phê sang thị trường này đang rất khả quan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ phải tuân thủ đầy đủ tất cả các yêu cầu của Quy định chống mất rừng (EUDR).
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - nhấn mạnh yếu tố cốt lõi để vận hành EUDR chính là dữ liệu đầy đủ và khả năng chia sẻ thông tin theo yêu cầu EU. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm “rủi ro thấp” theo phân loại của EU. Điều này giúp giảm tần suất kiểm tra lô hàng xuất khẩu xuống còn 1%, thay vì 3% như nhóm “rủi ro trung bình” hoặc 9% như nhóm 'rủi ro cao'. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất hiện nay là dữ liệu địa phương, nông hộ, thương lái, phải đủ để doanh nghiệp có thể khai báo hồ sơ truy xuất.
Theo đó, dữ liệu phục vụ EUDR không chỉ là tài nguyên quản lý nhà nước, mà còn phải là công cụ để doanh nghiệp sử dụng trực tiếp. Việc quản lý và chia sẻ dữ liệu cần đồng bộ, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin.
Từ nay đến đầu năm 2026 không còn nhiều thời gian, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung yêu cầu, cần chuyển từ giai đoạn thí điểm sang thực thi toàn diện EUDR. Đảm bảo rằng đến ngày 1/1/2026, việc xuất khẩu cà phê sang EU phải diễn ra trơn tru, không bị gián đoạn. Tất cả điều kiện về truy xuất, dữ liệu, hồ sơ và kỹ thuật cần được hoàn thiện trước thời điểm này.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định, thị trường EU đang tìm cách mở ra các cơ hội hợp tác tại châu Á, Trung Đông..., đây sẽ là cơ hội cho cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành cà phê có thể chuyển hướng tập trung vào khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), đây là những thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam. Đồng thời, tập trung tìm kiếm thị trường Ấn Độ vì giá thành, chi phí vận chuyển rẻ.
© thitruongbiz.vn