VNDirect: Sau sốt đất, BĐS vẫn là kênh đầu tư... gây sốt ?
Cụ thể, giá đất trên thị trường thứ cấp tăng mạnh, có những khu vực ghi nhận giá tăng đột biến. Chẳng hạn như tại Đông Anh, 4 tháng đầu năm 2021, giá đất tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước, con số này ở Thanh Trì tăng 25,6%, Củ Chi 27,7%, Hóc Môn 21,1%.
Giá đất trong những khu vực này tăng mạnh chủ yếu do bị tác động từ các các chính sách như công bố dự thảo quy hoạch sông Hồng và đề xuất đưa 5 huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ lên quận, song song với đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn.
Theo VNDirect, thời gian qua, các nhà đầu tư ráo riết đổ về săn đất khu vực Tây Bắc TP HCM. Giá đất ở các quận ngoại thành TP.HCM, đặc biệt là khu Tây Bắc chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2021. Trong đó Củ Chi tăng 27,7%, Hóc Môn tăng 21,1%, Quận 12 tăng 15,6%, kế đó là thành phố Thủ Đức tăng 12,0%, huyện Bình Chánh tăng 8,2%.
Giá đất tại các khu vực này tăng nhanh nhờ vào đề án đưa các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ lên quận, song song với đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn.
Tại TP.HCM, giá căn hộ thứ cấp khu vực vùng ven tăng ấn tượng. Nguồn cung mới ở phân khúc bình dân khan hiếm trong bối cảnh nhu cầu cao khiến giá căn hộ ở những khu vực có mức giá dưới 2.000 USD/m2 (dưới 45 triệu đồng/m2) tăng nhanh hơn. Báo cáo ghi nhận giá căn hộ Gò Vấp tăng mạnh nhất 11,1%, sau đó tới Bình Tân 7,6%, Bình Chánh 5,2%.
Nguồn cung tại phân khúc bình dân ở TPHCM đang dần khan hiếm |
Còn tại Hà Nội, VNDirect cũng cho biết cơn sốt đất sục sôi ở nhiều nơi. Giá đất tăng trung bình 14,5%, nguyên nhân chủ yếu do các thông tin quy hoạch đặc biệt là dự thảo quy hoạch sông Hồng. Trong đó giá đất tại Đông Anh tăng đột biến 75,5%, trung bình lên tới 5.341 USD/m2 vào cuối tháng 4/2021.
VNDirect cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn tới giá đất tăng nóng tại huyện Đông Anh. Thứ nhất, trong quy hoạch phân khu sông Hồng, có hai dự án đáng chú ý liên quan tới huyện Đông Anh. Đó là là cầu Tứ Liên với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng, và trục đường nối khu vực Hồ Tây và Cổ Loa. Ngoài ra, Hà Nội đã đặt mục tiêu đưa huyện Đông Anh lên quận trước 2025.
Giá bán thứ cấp căn hộ tại Hà Nội cũng tăng trung bình 2,7% với cùng kỳ. Trong đó, Hoài Đức tăng mạnh nhất, lên tới 7,8% do huyện này đặt mục tiêu trở thành quận nội thành Hà Nội trước năm 2022.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở phía Tây Hà Nội, gồm huyện Hoài Đức có thể hoàn thành trong năm nay như tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, đường vành đai 3,5 từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32. Duy nhất giá căn hộ tại quận Ba Đình giảm khoảng 2%.
Đánh giá cổ phiếu Bất động sản nhà ở, Vndirect khuyên nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có các đặc điểm lạc quan. Thứ nhất, cổ phiếu của doanh nghiệp sắp triển khai các dự án đã được cấp phép xây dựng, hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc có khả năng cao được cấp phép trong năm 2021. Thứ hai, có sở hữu quỹ căn hộ cho phân khúc trung cấp và bình dân và thứ ba doanh nghiệp phải sở hữu sức khỏe tài chính lành mạnh.
Theo Vndirect, tiềm năng tăng giá là nguồn cung hồi phục. Rủi ro giảm giá là từ nguồn cung thấp hơn dự kiến do quy trình pháp lý chậm và giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao.
Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán. Giá căn hộ chung cư bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý 4/2020.
Một số dự án có mức tăng giá cao hơn so với mức tăng bình quân như: tại Hà Nội là dự án Stellar Garden (tăng khoảng 6,4%), Seasons Avenue (tăng khoảng 5%), Xuân Mai Complex (tăng khoảng 5,4%); tại TP. Hồ Chí Minh là dự án Feliz En Vista (tăng 4,6%), The Metropole Thủ Thiêm (tăng 5,2%), Đạt Gia Residence Thủ Đức (tăng gần 5%), West Gate Park (tăng 6,1%). Tại Bình Dương, giá giao dịch tại các dự án như Bcons Suối Tiên, The East Gate, Compass One tăng từ 4÷5% so với quý 4/2020.
Giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Thành phố Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), Hồ Chí Minh (TP. Thủ Đức), Thành phố Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…
Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên Quận đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50 triệu/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.
Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập Thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu/m2; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư BĐS vô cùng mạnh mẽ. Có thể thấy rõ kinh nghiệm từ nhiều đợt sóng BĐS đầu tiên có thể thấy kinh doanh BĐS có lãi lớn kèm theo rủi ro lớn. Càng nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ tạo ra thị trường cạnh tranh lớn. Vì thế cần kiểm soát chặt chẽ và có sự điều tiết của cơ quan quản lý có thẩm quyền mới có thể tạo ra sân chơi “đầu tư” lành mạnh.
Theo: https://doanhnhanvn.vn/sau-con-sot-dat-bds-van-kenh-dau-tu-hot-trong-thoi-gian-33696.html