Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index giảm 15,57 điểm, tương đương 1,21% xuống 1.271,47 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng và 368 mã giảm, 52 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,95 điểm xuống 243,96 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 117 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,26 điểm xuống 91,15 điểm.

Riêng sàn HoSE hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tới 1.230 tỷ đồng. Tuần trước cũng có phiên khối này bán ròng tới trên 1.800 tỷ, nhưng đó là có giao dịch thỏa thuận khá đặc biệt ở MSN. Hôm nay khối ngoại xả ròng trên diện rộng với nhiều mã giao dịch rất lớn.

Chỉ riêng cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 đã bị rút ròng khoảng 770 tỷ đồng. Các mã tiêu biểu là VHM -177,4 tỷ, VNM -157,9 tỷ, SSI -132,7 tỷ, MSN -66,2 tỷ, VIC -41,9 tỷ, MWG -39,6 tỷ, SHB -38,6 tỷ. Ngoài ra loạt mã khác có KBC -84,4 tỷ, VCI -82,6 tỷ, DGC -78,5 tỷ, VND -69,7 tỷ, FRT -46,8 tỷ, DIG -31 tỷ…

Chuỗi ngày bán ròng của khối ngoại đã kéo sang phiên thứ 20 liên tục và kể từ đầu tháng 3 tới nay tổng giá trị vốn rút khỏi sàn HoSE lên tới 12.746 tỷ đồng, trong đó riêng cổ phiếu là 10.240 tỷ đồng.

VN-Index thủng mốc 1.280 điểm, sắc đỏ 'nung nóng' toàn sàn

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng không có mã nào thoát khỏi xu hướng giảm giá. 21/21 mã đều giảm, trong đó, CTG, MBB, HDB, VIB, OCB đều giảm mạnh trên 2%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng trong cảnh tương tự khi đa số cổ phiếu đều giảm: SSI giảm 2,19%, VCI giảm 2,8%, HCM giảm 2,17%, VND giảm 1,3%, VIX giảm 2,15%, ORS giảm 1,99%, VDS giảm 2,16%, AGR giảm 2,24%. Tuy nhiên, trong số đó, vẫn có 3 mã tăng: BSI và FTS xanh nhẹ, riêng BVS tăng kịch trần.

Bất động sản cũng giảm sâu: DIG giảm tới 5,36%, DXG giảm 3,85%, KBC giảm 3,24%, PDR giảm 2,12%, TCH giảm 2,48%, CRE giảm 2,71%... Ngược lại vẫn có một số cổ phiếu tăng như NLG, VCG, DXS.

Cổ phiếu năng lượng, hàng không và bán lẻ đều chìm trong sắc đỏ: GAS giảm 0,85%, POW giảm 1,3%, PGV giảm 0,46% còn PLX giảm 0,79%; VJC giảm 0,78% trong khi HVN mất 3,07% giá trị; MWG giảm 2,71%, PNJ giảm 2,02%, FRT giảm 3,01% và DGW giảm 2,67%.

Nhóm sản xuất nhựa hóa chất phân hóa khi một số cổ phiếu giảm: GVR giảm 2,84%, BMP giảm 1,04%, thì một số mã lại xanh, nhất là một số mã phân bón có thể kể đến DCM tăng 2,16%, DPM tăng 1,96%, BFC tăng 6,15%, thậm chí còn có có mã tăng trần.

Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường đang có sự phân hóa rõ rệt khi không có quá nhiều thay đổi lớn về mặt chỉ số nhưng dòng tiền vẫn đang luân chuyển tìm đến các nhóm ngành khác nhau qua từng phiên. Vì thế, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu đã có thời gian tích lũy dài, có tín hiệu vượt kháng cự và mới bắt đầu nhịp tăng điểm thuộc các nhóm ngành như cao su, bất động sản, dầu khí.

CTCK Beta (Beta) cũng nhận định, đang có dòng tiền bắt đáy liên tục gia tăng sau các nhịp điều chỉnh. Điều này cho thấy, dù thận trọng nhưng nhà đầu tư vẫn muốn tìm kiếm cơ hội sinh lời cho bản thân khi đầu tư vào thị trường. Trong các phiên giao dịch tiếp theo, với kỳ vọng dòng tiền sẽ tiếp tục có sự luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại.

Beta khuyến nghị, nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mở vị thế mua với tỷ trọng hợp lý ở các nhóm cổ phiếu đang tích lũy và có triển vọng lợi nhuận quý 1 dự báo tích cực. Dù vậy, nhà đầu tư cần lưu ý theo dõi biến động tỷ giá trong thời gian tới cũng như động thái giao dịch của khối ngoại.

Trên thị trường thế giới, chỉ số Dow Jones sụt 396,61 điểm (tương đương 1%) xuống 39.170,24 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên đã lao dốc hơn 500 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72% về mức 5.205,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,95% xuống 16.240,45 điểm. Với mức giảm như trên, đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 5/3.

Sau đà khởi sắc trong quý 1, chứng khoán Mỹ đang có sự khởi đầu kém thuận lợi cho quý 2. Theo số liệu công bố vào tuần trước, lạm phát còn dai dẳng ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu là nhân tố đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn và giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6. Biến động của lãi suất trái phiếu Mỹ và lo ngại về lãi suất gây áp lực đối với giá cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 2/4.

Trong phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023.

Giám đốc điều hành Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với đài CNBC: “Thị trường Phố Wall đang chịu sức ép từ số liệu lạm phát vẫn nóng và nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Với “mức tăng trưởng đáng kể trong quý 1, thị trường sẽ phải điều chỉnh một chút. Mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ là lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn”.

Trong khi đó, chuyên gia Sarat Sethi của công ty Douglas C. Lane & Associates nói rằng ông không cảm thấy bất ngờ với đợt bán tháo và gọi đó là “sự điều chỉnh tự nhiên” sau khi cổ phiếu tăng giá nhanh chóng.