Sau hai năm đại dịch, năm 2022, Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh hàng đầu thế giới. Thậm chí, Việt Nam còn đứng số một về mức hồi phục theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) hồi giữa năm.

Tuy nhiên, hoạt động của các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó giá nhiên liệu tăng đột biến là rào cản hàng đầu với đà phục hồi của doanh nghiệp. Năm 2021, giá nhiên liệu bay bình quân khoảng 72 USD một thùng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, giá xăng Jet A1 có thời điểm leo tới hơn 160 USD. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay khoảng 130 USD một thùng.

Điển hình như quý 3 vừa qua, 2 doanh nghiệp hàng không đã đứng đầu trong top các doanh nghiệp lỗ lớn nhất.

Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ trước thuế trong quý III là gần 2.500 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng hãng lỗ gần 7.600 tỷ đồng. Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước, những cũng đủ để thấy tình hình đang khó khăn như thế nào.

Bamboo Airways chỉ đứng sau Vietnam Airlines với mức lỗ trước thuế quý 3 là hơn 1.400 tỷ đồng và luỹ kế 9 tháng ước lỗ hơn 3.500 tỷ đồng.

Chi phí nhiên liệu tăng hơn 7.000 tỷ đồng do tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine. Biến động tỷ giá tại các thị trường quốc tế làm tăng chi phí khoảng 3.000 tỷ đồng. Đó chỉ là 2 trong các khoản chi phí lớn trong năm 2022 của Vietnam Airlines. Theo lãnh đạo hãng bay, những khoản này rất khó bù đắp dù hãng đã nỗ lực cắt giảm chi phí nhân sự hay giãn, hoãn nợ với các nhà cung cấp nước ngoài.

"Giảm lỗ so với kế hoạch đại hội đồng cổ đông đặt ra là khoảng 500 tỷ. Doanh thu của chúng tôi tăng 20% so với kế hoạch. Tuy nói là như vậy, nhưng tình hình tài chính qua 2 năm rưỡi về dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Đây là di chứng nặng nề mà chúng tôi phải giải quyết trong năm tới, đặc biệt trong năm 2023", ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết.

Năm 2022, hàng không Việt “càng bay càng lỗ”. Ảnh minh họa
Năm 2022, hàng không Việt “càng bay càng lỗ”. Ảnh minh họa

Tương tự, báo cáo tài chính công ty mẹ Vietjet cho thấy doanh thu thuần trong quý cuối năm tăng gấp hơn 2,7 lần, nhưng hãng vẫn lỗ gộp khoảng 3.335 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietjet ghi nhận giá vốn bán hàng tăng 4,6 lần cùng kỳ, lên hơn 10.680 tỷ, trong đó chi phi khai thác thác bay chiếm hơn 98% với 10.540 tỷ đồng.

Hợp nhất kết quả kinh doanh cả năm 2022, Vietjet đạt doanh thu khoảng 39.340 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần năm 2021. Dù vậy, hãng bay này vẫn lỗ gộp 2.166 tỷ do giá vốn cả năm khoảng 41.500 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,8 lần năm trước đó. Trong giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2022, lãnh đạo Vietjet cũng cho biết việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu là rất cấp thiết nhằm giúp tăng cường nội lực, cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa trong bối cảnh sự hiện diện của các hãng hàng không quốc tế tại Việt Nam dự kiến tăng mạnh năm nay.

Hai hãng bay ra đời sau - Bamboo Airways và Vietravel Airlines cũng không thể có lãi trong năm vừa qua với mức giá nhiên liệu trên. Đại diện Vietravel Airlines từng chia sẻ giai đoạn cao điểm hè 2022 dù tăng giá vé, hãng vẫn chưa thể bù đắp được tổng chi phí hoạt động.

Bên cạnh yếu tố nhiên liệu, việc lãi suất tăng, USD tăng giá cũng làm hoạt động của các hãng bay thêm khó khăn. Bởi theo lãnh đạo Vietnam Airlines, phần lớn hợp đồng thuê bay đều được trả bằng USD, trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước hãng đang có đường bay đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu... lại bị mất giá mạnh.

Theo chuyên gia, sau đại dịch, các đường bay quốc tế, vốn đóng góp đến 2/3 doanh thu cho các hãng hãng không, mới chỉ phục hồi được khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Đây cũng là một trong những lý do khiến các hãng hàng không rơi vào tình cảnh "càng bay càng lỗ".

"Việc càng bay nội địa thì các hãng hàng không càng lỗ, đó là điều tồn tại từ nhiều năm nay. Năm nay, các hãng hàng không đều xác định vẫn tiếp tục là những năm tiếp tục lỗ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay.

Thực tế cho thấy, thị trường vận tải hàng không đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng cả Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều vẫn phải phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động tài chính như: bán cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết hay nghiệp vụ bán và thuê lại tàu bay…, còn chưa thể có lãi từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách và hàng hóa.