Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối 2021.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trước tác động bởi dịch bệnh, các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Cụ thể, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, lao động phải ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng mới giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động. Số tiền giải ngân được là 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ. Tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5%.

Vì đâu gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương chỉ giải ngân được 0,26%
Hiện tại, gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương cho công nhân, lao động phải ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng mới giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động.

Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng, đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp, với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhận định, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho rằng việc thực hiện một số chính sách đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Do chưa dự báo được đầy đủ tác động của đại dịch trên từng địa bàn nên việc xác nhận đối tượng là lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả tỷ lệ người được nhận và số tiền trợ cấp.

Để thực hiện được “mục tiêu kép”, cần đánh giá các gói hỗ trợ trong năm qua để tiếp tục thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Theo thống kê có 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ có 2% doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ, việc này cần phải xem xét, đánh giá cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị rà soát lại, vì ngoài chính sách hỗ trợ, chúng ta còn đang phát động toàn dân đóng góp cho Quỹ phòng chống COVID-19. Do vậy phải tính toán để các đối tượng khó khăn bị thiệt hại được hỗ trợ kịp thời, còn lại dành nguồn lực để mua vắc-xin.