Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của TP. Hải Phòng về việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt kết nối Hải Phòng với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh thành khác mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm logistic của cả nước và khu vực.

Triển khai Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 49-KL/TW), Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu đến năm 2030 sẽ khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ, cửa khẩu quốc tế.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đã phê duyệt, trong tương lai khu vực thành phố Hải Phòng sẽ hình thành đầu mối đường sắt bao gồm 3 tuyến đường sắt gồm Hà Nội-Hải Phòng hiện hữu và các tuyến đường sắt xây mới Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Móng Cái-Hạ Long (Quảng Ninh)-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định, kết nối với mạng lưới đường sắt Việt Nam và các cửa khẩu quốc tế có kết nối đường sắt Đồng Đăng đi Quảng Tây (Trung Quốc); Lào Cai đi Vân Nam (Trung Quốc…)

Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 49-KL/TW). Trong đó, đến năm 2030, phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội-Hải Phòng, Biên Hoà-Vũng Tàu...), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn...); đến năm 2045, hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.

Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị và triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phấn đấu khởi công và xây dựng trong giai đoạn 2026-2030.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã giao Cục Đường sắt Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế triển khai lập quy hoạch chi tiết 2 tuyến đường sắt (Hà Nội-Đồng Đăng và Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái) để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.

Tuyến đường sắt kết nối Hải Phòng với Vân Nam (Trung Quốc) sẽ khởi công trước năm 2030

Được biết, theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD. Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dự kiến quy hoạch với ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng, là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).

Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) có chiều dài toàn tuyến khoảng 167km và có 21 ga trên toàn tuyến; năng lực thông qua tối đa có thể chạy 19 đôi tàu/ngày đêm.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc nhưng hạ tầng cửa khẩu Ga Đồng Đăng được đánh giá là đang xuống cấp, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì vậy, vấn đề cải tạo, nâng cấp hay xây mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng là vô cùng cấp thiết.

Đối với tuyến Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái hứa hẹn góp phần quan trọng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các cặp cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP Móng Cái (Quảng Nịnh). Trong đó, TP Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung.

Nếu việc đầu tư hệ thống đường sắt Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng được hiện thực hóa, thương mại biên giới tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) hứa hẹn phát triển mạnh mẽ.

Điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Phòng Thành - Đông Hưng này gần với biên giới Việt Nam nên tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc). Mạng lưới đường sắt khép kín sẽ góp phần quan trọng trong gia tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.