Từng đi du học bị kỷ luật, đuổi học về nước

Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng sinh năm Nhâm Dần, năm nay 60 tuổi. Ông sinh ra ở Hưng Yên, bố mẹ là người Thanh Hóa. Vào năm 1977, cả gia đình chuyển vào Khánh Hòa, ông học trung học ở đây trước khi đi du học. Bố là giảng viên đại học, mẹ là giáo viên cấp 1. Thu nhập của hai nhà giáo nuôi 4 đứa con thời bấy giờ rất ít ỏi. Thậm chí trước khi đi du học, mẹ phải bán đi một cái tủ để mua cho ông vài bộ quần áo mới.

Sau khi ông sang học ở Đông Đức được vài năm thì bị kỷ luật do mua quá nhiều phim và giấy ảnh từ Đông Đức đem về Việt Nam.

Ông chia sẻ: “Thời bao cấp mà, thiếu mọi thứ. Phim và giấy ảnh gần như là mặt hàng chiến lược mà những người Việt Nam sang Đức học có thể mang về Việt Nam bán kiếm tiền. Nhưng trong một lần về phép tôi đã mang về số lượng lớn. Với tư duy của một cậu sinh viên, tôi thấy mình không sai, vì tôi mua những thứ đó ở một cửa hàng được bán công khai ở Đông Đức và chuyển về Việt Nam bán.”

Nhưng theo quy định của Đại sứ quán Việt Nam ở Đông Đức lúc bấy giờ, ông vẫn vi phạm. Sinh viên sang đó chỉ để học chứ không được buôn bán hay làm gì khác. Vậy nên dù kết quả học tập vẫn tốt nhưng ông vẫn bị buộc thôi học về nước.

Tiếp theo đó là chuỗi ngày tương đối vất vả đối với ông, làm sao để bình thường hóa chuyện bị kỷ luật không để nó trở thành vết dơ trên con đường tương lai; làm sao để vươn lên từ một người bị kỷ luật trở thành một trong những người được chọn, được tạo điều kiện để đứng trong hệ thống nhà nước cũng như sau này ra đời.

“Lúc nhận quyết định, tôi có choáng. Nhưng sau 1, 2 đêm không ngủ, tôi buộc mình phải đứng dậy. Không đứng dậy thì làm gì? Tôi là con cả trong gia đình nhà giáo, bố mẹ luôn luôn nghiêm túc. Nếu không đứng dậy thì tôi sẽ kéo cả nhà suy sụp theo. Nên ngay sau đó tôi quên tất cả việc mình từng là du học sinh, từng sung sướng không phải lo ăn ngủ, tất cả được nhà nước lo. Bố mẹ tôi rất tế nhị. Có thể trong sâu thẳm bố mẹ tôi rất buồn nhưng trước mặt tôi thì chưa bao giờ nói gì nặng lời. Chúng tôi không cần nói gì cả vì chúng tôi hiểu nhau. Không cần nói gì thì chúng tôi cũng đều biết phải làm gì: Vẫn phải sống, vẫn phải tiếp tục phấn đấu, vẫn phải vươn lên.”

Ông tin rằng nếu như thật sự có khả năng, vẫn vươn lên được, vẫn sẽ thành người. Nên sau đó ông học tiếp tại Đại học Tổng hợp TPHCM và vào ký túc xá. Ngày đầu tiên cầm chiếu gõ xuống nền nhà, thấy rệp bò lổm nhổm, đó là lúc cảm thấy kinh khủng nhất. Nhưng vượt qua cảm giác kinh khủng đó, sẽ thấy dù thế nào thì bản thân vẫn có thể nằm trên con rệp này và tiếp tục cuộc sống của mình.

“Tôi nghĩ đó là quãng thời gian thực sự vất vả, chìm sâu trong gian khó. Nhưng tất cả những khó khăn đó tôi không hay nhớ tới. Với tôi, những gì tốt đẹp, hay ho thì nhớ để phát huy. Còn những gì khó khăn, gian khổ thì quên đi để sống vui”.

1854-ndh
Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng từng đi du học bị kỷ luật, đuổi học về nước. Ảnh: Interne

Từ người trông xe trở thành Thư ký vụ vì nói tiếng Đức giỏi hơn phiên dịch viên

“Ngay cả việc được trở thành bảo vệ trông xe ở cửa UBND tỉnh Khánh Hòa đã là một đặc ân mà chính quyền tỉnh Khánh Hòa dành cho mẹ tôi - một giáo viên hưu trí.” Ông bộc bạch:

Lúc đó, thu nhập của những người ngoài công chức rất khó khăn. Mẹ ông về hưu nên được cho một bãi trông xe mà lúc bấy giờ tạo được nguồn thu nhập rất tốt. Sau khi tốt nghiệp, ông về giúp mẹ trông xe ở cổng Ủy ban, và đó là cơ hội để gặp Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ - ông Võ Hòa. Với ông Hưng đó là một duyên may.

Hôm đó Chủ tịch tỉnh có buổi làm việc cùng đoàn khách Đức muốn viện trợ cho Việt Nam. Năm 1987 ở Khánh Hòa không nhiều người biết tiếng Đức. Do tò mò nên ông nghe những gì người ta phiên dịch và thấy nó không đúng và không sát với những gì hai bên muốn truyền tải với nhau.

‘Tôi chủ động đứng ra giúp giải thích và việc đó đã gây ấn tượng với một vị lãnh đạo cũng đầy cá tính, người chỉ làm mọi thứ theo những gì mình thấy là tốt và sẵn sàng bỏ qua mọi quy trình của một công chức nhà nước.”- Ông Hưng kể lại:

Sau đó, ông đã được nhận vào làm Thư ký. Khi làm việc ở đó, ông nhận được toàn sự tin tưởng và yêu thương chứ không hề có bất kỳ rào cản nào. Đó là một trong những người truyền động lực cho ông, khiến ông cảm thấy mình hữu ích và mình được tin.

“Nhưng tôi nghĩ mình xứng đáng nhận được như thế và tôi sớm quên đi tất cả về việc mình xuất phát như thế nào, quên đi chuyện bị kỷ luật. Thời đó tôi được phân công phụ trách đầu tư nước ngoài của tỉnh. Chúng tôi chỉ có 2 người và tất cả mọi thứ đều trình qua Chủ tịch quyết.”

Đó là thời kỳ hoang sơ của kinh tế đối ngoại, tất cả chỉ gói gọn trong một Nghị định về đầu tư nước ngoài năm 1987. Đấy là lúc Khánh Hòa làm tốt nhất về đầu tư nước ngoài, trở thành điểm sáng về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam với một loạt các dự án còn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Năm 1988 chưa ai có khái niệm về đầu tư nước ngoài, tất cả mọi người đều chung một xuất phát điểm giống nhau, nên khi có một cái mới xuất hiện, thì ai thông minh hơn một chút, cố gắng hơn một chút, chịu khó tìm hiểu hơn một chút sẽ biết nhiều hơn một chút. Nên với ông, những gì cuộc đời ông làm, đó vừa là duyên trời và cũng là do nỗ lực cá nhân.

“Nhưng chung quy lại vẫn phải có yếu tố may mắn của đời. Nếu không có may mắn, làm sao tôi có cơ hội tình cờ gặp chú Võ Hòa, làm sao tôi được chọn vào những vị trí ấy để tiếp cận với đầu tư nước ngoài từ những ngày đầu?”. Ông chia sẻ:

Bỏ làm công chức trở thành “ông trùm chứng khoán”

Ông nghỉ việc sau khi chú Võ Hòa qua đời sau một tai nạn giao thông. Lúc đó một người lãnh đạo khác về thay vị trí của ông. Trong mối quan hệ giữa người giúp việc và một nhà lãnh đạo, quan trọng nhất là sự tin tưởng vào khả năng của nhau, tin tưởng vào cách triển khai và cách làm việc của nhau. Sau khi có lãnh đạo mới thì công việc của ông ở UBND tỉnh không còn suôn sẻ nữa.

“Lúc đó còn trẻ nên tôi chưa đủ chuyên nghiệp để hiểu rằng ta phải thích nghi với ông sếp mới chứ không phải cố gắng hy vọng ông sếp mới giống ông sếp cũ mà ta thích, vì thế tôi không vui. Vậy là tôi nghĩ nếu cứ ở lại đây thì đến một lúc có thể có chút công danh nào đó, nhưng tôi lại không biết liệu việc đó có làm tôi vui, có làm tôi muốn sáng tạo và có giúp tôi làm được nhiều việc có ích hay không?”

Cuối cùng, ông quyết định dừng ở đó sau 3 năm làm việc trong môi trường nhà nước, ông Hưng xin nghỉ để ra ngoài kinh doanh và tích lũy được một khoản vốn ban đầu.

Ông khởi nghiệp với việc làm tư vấn cho những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thành lập Pan Pacific năm 1992. Gọi là làm tư vấn nhưng thật ra là đi tìm đối tác nước ngoài, giới thiệu dự án cho họ và hoàn thành hồ sơ theo cách nhìn mà ngày xưa đã từng duyệt, giúp họ có giấy phép đầu tư ở Việt Nam.

Ông đã dùng tất cả những kinh nghiệm mình có được trong thời gian làm việc trong môi trường nhà nước để đi làm dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp họ dễ tiếp cận hơn với các dự án ở Việt Nam.

Năm 1998, ông Nguyễn Duy Hưng mở công ty tư nhân với số tiền 250 triệu đồng chuyên cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng có tên PAN Pacific.

“Tôi luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán ra đời chính là một cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng này”. Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng từng chia sẻ:

Vì vậy, Công ty Chứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999, cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam và là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Vốn điều lệ của SSI chỉ 6 tỷ đồng.

Năm 2007 khi chứng khoán Việt Nam bùng nổ, SSI tăng vốn điều lên mức 800 tỷ đồng và thành lập công ty quản lý quỹ SSI. Cũng trong năm này, ngân hàng ANZ trở thành cổ đông chiến lược của SSI, sau đó thoái vốn vào năm 2014. Sang năm 2008, Daiwa cũng trở thành cổ đông chiến lược của công ty chứng khoán này.

Năm 2020, SSI được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên được trao danh hiệu này. Ông Nguyễn Duy Hưng cũng từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ những đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán.

Đến năm 2022, Vốn điều lệ của SSI đạt mức 9.847,5 tỷ đồng. Tính đến nay, có thể nói SSI là ông vua trong ngành chứng khoán Việt Nam.