Forbes Việt Nam công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2023. Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 11 của Forbes Việt Nam là những cái tên tuổi quen thuộc liên tục được bình chọn trong những năm gần đây.
Tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 24,9%.
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2023 được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỉ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 -2022. Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành… Vốn hóa được chốt vào ngày 30/5/2023. Số liệu sử dụng tính toán là báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.
Danh sách năm nay có 6 ngân hàng thương mại, ít hơn so với 7 ngân hàng năm 2022 và 8 ngân hàng năm 2021. Cụ thể, 6 đại diện ngành ngân hàng có mặt trong 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 gồm: Vietcombank, BIDV, ACB, VietinBank, MB, VIB.
VIB ghi nhận lần thứ 3 liên tiếp góp mặt vào danh sách. Theo Forbes, VIB là một trong các ngân hàng tư nhân có bảng cân đối tài sản an toàn nhất hệ thống hiện nay do kiểm soát tốt các rủi ro trên thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản. Quản trị rủi ro của VIB cũng luôn nằm trong nhóm dẫn đầu, cuối năm 2022, hệ số an toàn vốn CAR đạt 12,8%, hệ số cho vay/tiền gửi đạt 76%, là một trong các ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II và thử nghiệm Basel III.
VIB có thế mạnh về gói sản phẩm cho vay mua ô tô, sửa chữa nhà cửa. Năm 2022, VIB đạt lợi nhuận trước thuế đạt 10.581 tỷ đồng, tăng 32,1%; tổng tài sản đạt hơn 342.799 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng ngân hàng đạt 239.920 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021.
Tương tự VIB, Forbes đánh giá danh mục tài sản của ACB lành mạnh do không sở hữu nhiều trái phiếu doanh nghiệp, tỷ trọng cho vay bất động sản chủ yếu đến từ cho vay cá nhân mua nhà, không tập trung nhiều vào cho vay dự án bất động sản. Năm 2022, ACB đạt 13.688 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 42,5%. Nền kinh tế suy yếu đã làm giảm nhu cầu chi tiêu và khả năng trả nợ của các cá nhân, theo đó giảm nhu cầu vay vốn nhưng lợi nhuận ròng của ACB trong quý 1/2023 tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ, lên 4.135 tỷ đồng.
Vietcombank là ngân hàng duy nhất 11 lần có mặt liên tục trong danh sách này. Với 29.899 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm qua nhà băng này tiếp tục dẫn đầu hệ thống và cũng dẫn đầu danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất về con số lợi nhuận tuyệt đối. Những năm qua Vietcombank là định chế tài chính nổi tiếng, hoạt động hiệu quả, ổn định, chất lượng tài sản vượt trội và có thu nhập từ dịch vụ đa dạng bậc nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank luôn thuộc nhóm cao nhất thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn.
Về doanh nghiệp công nghệ, "Đây là năm liên tiếp thứ 11 FPT nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Năm 2022 cũng ghi nhận điểm sáng nhất trong lịch sử phát triển của FPT: doanh số dịch vụ IT ký mới với các thị trường nước ngoài cán mốc 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 40% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ chuyển đổi số cũng tăng mạnh 33%, đạt 7.349 tỷ đồng. FPT hướng tới 1 triệu khách hàng trong nước và hưởng lợi từ việc chính phủ giải ngân đầu tư chuyển đổi số các dự án công", Forbes Việt Nam viết.
Năm 2022, khối Công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 43,9% lợi nhuận trước thuế; khối Viễn thông đóng góp 36,7% lợi nhuận trước thuế. Việc mở rộng quy mô thị trường quốc tế được đẩy mạnh, nổi bật là thương vụ mua lại mảng dịch vụ IT của Intertec International (Mỹ). Năm 2022, FPT cũng công bố ra mắt sản phẩm chip bán dẫn ứng dụng trong lĩnh vực y tế, khởi công Tổ hợp Giáo dục FPT UniSchool tại Hà Nam, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2023. Năm 2022 cũng chứng kiến hệ thống giáo dục FPT Education vượt mốc 100.000 người học trên toàn hệ thống.
Công ty cũng liên tục duy trì mức chi trả cổ tức trên 30% trong hơn một thập kỷ qua. Mới đây nhất công ty đã chi trả cổ tức còn lại của năm 2022 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 1.000 đồng) và 15% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:3). Với 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT cần chi khoảng 1.100 tỷ đồng tiền mặt để thanh toán cho cổ đông và phát hành gần 166 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của FPT cho cổ đông là 35% (20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu).
4 tháng đầu năm 2023, FPT tiếp tục tăng trưởng bền vững với doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt lần lượt 15.749 tỷ đồng và 2.880 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 21,2% và 19,1%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.019 tỷ đồng và 1.841 đồng, tăng 20% và 19,3%.
Ngoài ra, cái tên quen thuộc như Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục có tên trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023 do Forbes Việt Nam bình chọn. Đây là lần thứ 6 Sabeco được vinh danh trong bảng xếp hạng thường niên này.
Ở nhóm Tiện ích (điện, nước, khí) là sự góp mặt của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với 11 năm liên tiếp ghi tên trong danh sách. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) thuộc nhóm Hóa chất và Nông nghiệp với 7 lần lọt vào danh sách; cùng trong nhóm này là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) với 3 lần lọt vào danh sách. Nhóm Logistics ghi nhận sự góp mặt của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) với 3 lần lọt vào danh sách. Nhóm Tài chính Bảo hiểm có Công ty CP PVI (PVI) với 7 lần lọt vào bảng danh sách.
https://sohuutritue.net.vn/top-50-cong-ty-niem-yet-tot-nhat-nam-2023-d165922.html