Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần giao dịch môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo lớn nhất trong quý 3/2024 bao gồm: VPS, SSI, TCBS, VNDIRECT, Vietcap, HSC, MBS, Mirae Asset, FPTS và KIS.

Trong top 10, VPS vẫn đứng số 1 nhưng thị phần tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn 17,63%. Trong quý I/2024, thị phần VPS từng lập kỷ lục lần đầu tiên vượt mốc 20%.

Top 10 thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE
Top 10 thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE

Đứng ở vị trí thứ 2 là Công ty cổ phần Chứng khoán SSI chỉ còn giữ 8,84% thị phần, giảm nhẹ so với mức 9,31% ở quý trước.

Chứng khoán Kỹ thương TCBS có quý thứ tư liên tiếp đứng trong top 3, với thị phần 7,09%.

Đáng chú ý, quý này ghi nhận thị phần Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap tăng vọt, lên mức 6,78%. Đây là thị phần cao nhất kể từ quý I/2021 của Vietcap, tuy nhiên vẫn còn cách xa so với thời kỷ đỉnh cao thị phần trên 10% giai đoạn 2018 - 2019.

Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) tiếp tục bảo toàn thứ hạng khi đứng thứ 5, với 6,65% thị phần.

Kể từ quý IV/2019, thị phần VNDirect đã xuống thấp nhất. Nếu tiếp tục đánh mất thị phần trong thời gian tới, VNDirect sẽ quay về giai đoạn 2013 - 2014 khi thị phần dao động trong khoảng trên dưới 5%.

Hai vị trí tiếp theo là Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng có thị phần giảm nhẹ trong quý này, lần lượt giữ 4,69% và 4,5%.

Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) kỳ này quay lại top 10 thị phần, đẩy VCBS ra khỏi bảng xếp hạng.

Ở vị trí thứ 10 vẫn là Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, với 2,96% thị phần.

Top 10 thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE

Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được 3/4 quãng đường năm 2024. Dù có không ít biến động nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được xu hướng tích cực, thanh khoản cao và chỉ số “chực chờ” vượt đỉnh.

Chỉ số VN-Index kết thúc tháng 9/2024 ở mức 1.287,94 điểm tăng nhẹ 0,32% so với tháng 8/2024.

Theo SSI, dù trải qua 2 nhịp biến động trong tháng Tám và Chín nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự chuyển động tích cực trong quý 3/2024. Chỉ số VN-Index tăng 3,4% trong quý, nhờ động lực mạnh trở lại của nhóm vốn hóa lớn với mức tăng 5,8% trên chỉ số VN30.

Cổ phiếu các nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ diễn biến tốt nhất trong quý giúp các chỉ số ngành tài chính (+8,4%), tiêu dùng không thiết yếu (+4,6%) tăng tốt hơn mặt bằng chung.

Bên cạnh đó, nhóm y tế cũng tăng mạnh 7,5% trong quý. Các nhóm ngành cũng biến động theo hướng khả quan bao gồm công nghệ thông tin (+2,3%), Tiêu dùng thiết yếu (+2%) và bất động sản (+1,8%).

Chiều ngược lại, cổ phiếu các ngành nguyên vật liệu (-5,5%), tiện ích (-5,5%) và công nghiệp (-3,1%).

Thanh khoản thị trường trong quý có phần sụt giảm. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 18.500 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 25.200 tỷ đồng/phiên ở quý 2 liền trước.

Khối ngoại chậm lại đà bán ròng trong quý 3, với giá trị bán ròng ghi nhận -14.200 tỷ đồng thấp hơn rất nhiều so với mức 41.000 tỷ đồng ở quý trước. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên thị trường tăng lên bình quân 10,9% trong quý và cải thiện đáng kể so với mức chỉ 8,9% trong 2 quý đầu năm.

Mặc dù vẫn còn nhiều biến số khó lường, tuy nhiên giới phân tích vẫn giữ quan điểm tích cực đối với chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn, trong đó chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, chính sách nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ đủ tiền trước giao dịch… sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán thời gian tới./.