Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên trái đất - Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên đánh giá thấp tình hình dịch bệnh trên trái đất - Ảnh: Reuters

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định thế giới vẫn đang phải đối mặt với một thực tế rất khó khăn: Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang lan rộng, dịch Ebola ở Uganda và dịch tả đã được báo cáo từ 27 quốc gia, trong đó 11 quốc gia chưa từng xuất hiện dịch tả trước đây.

Ngoài ra, theo người đứng đầu WHO, các bệnh không lây nhiễm như bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng ngày càng trở thành mối quan tâm lớn. Trong đại dịch COVID-19, số lượng người có vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng mạnh, trong đó riêng các trường hợp trầm cảm và lo âu tăng 25%. Nhóm người bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em vì phải nghỉ học trong thời gian dài. Bạo lực gia đình cũng xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là trong các gia đình có không gian sống chật hẹp.

Về đại dịch COVID-19, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch vẫn đang tiếp diễn, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan và khó có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi liên tục biến đổi từ biến thể này sang biến thể khác. Ông cho rằng chỉ cần thế giới có thể quản lý tốt việc kiềm chế dịch bệnh ở mức thấp nhất và hạn chế số ca tử vong, con người có thể sống chung với virus gây bệnh này.

Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh phát hiện thêm nhiều biến thể mới của Omicron và số ca mắc mới đang có xu hướng gia tăng trở lại tại một số nước.

Ấn Độ mới đây phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1, đồng thời đưa ra cảnh báo làn sóng dịch mới vào mùa Đông sắp tới. Tại Singapore, ngày 18/10 ghi nhận 11.934 ca mắc mới, tăng hơn 2 lần so với ngày trước đó và nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 2.029.195 ca./.

Quyết tâm xóa sổ bệnh bại liệt

Tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới diễn ra tại Berlin (Đức), các nhà lãnh đạo toàn cầu đã cam kết xây dựng quỹ 2,6 tỷ USD cho Sáng kiến Xóa bỏ bại liệt toàn cầu (GPEI) 2022-2026.

Theo WHO, khoản quỹ này sẽ hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu vượt qua những rào cản sau cùng để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ bệnh bại liệt, thực hiện tiêm chủng cho 370 triệu trẻ em mỗi năm trong vòng 5 năm tới và tiếp tục thực hiện giám sát căn bệnh này tại 50 nước.

Virus bại liệt hoang dã hiện chỉ còn ở 2 nước là Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, sau khi ghi nhận 6 ca mắc vào năm 2021, trong năm nay, thế giới có thêm 29 trường hợp mới, trong đó có một số ca được phát hiện ở Đông Nam châu Phi có liên quan đến một bộ tộc có nguồn gốc ở Pakistan. Trong khi đó, dịch do cVDPV - các biến thể của virus bại liệt xuất hiện ở những nơi chưa đủ số người được tiêm chủng, vẫn đang tiếp tục lan rộng ra các khu vực của châu Phi, châu Á và châu Âu, cùng với các đợt bùng phát mới được ghi nhận ở Mỹ, Israel và Vương quốc Anh trong nhiều tháng gần đây.