Mới đây, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico, MCK: VLC) đã công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án sáp nhập GTNfoods (MCK: GTN).

Theo đó, Vilico dự kiến sẽ phát hành tối đa 156,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi với cổ phần của GTNFoods. Dự kiến sau phát hành, Vilico sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 2.193 tỷ đồng (trong đó có hơn 47 triệu cổ phiếu VLC do GTNFoods nắm giữ).

Bà Mai Kiều Liên sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT GTNfoods nhiệm kỳ 2020 - 2024, chiều cùng ngày, nữ tướng Vinamilk tiếp tục được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT Vilico.
Bà Mai Kiều Liên được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT GTNFoods và Chủ tịch HĐQT Vilico trong cùng ngày 15/2/2020.

Được biết, Vilico quyết định tỷ lệ hoán đổi là 1,6:1, tương ứng 1 cổ phiếu GTN được hoán đổi lấy 0,625 cổ phiếu VLC - tương ứng cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC vào ngày chốt danh sách cổ đông.

Công ty cổ phần GTN Foods đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A với đối tượng nhắm đến là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico - LC), Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn…

Thông qua sở hữu 95% vốn Vilico (đơn vị sở hữu 51% CTCP Sữa Mộc Châu), GTNFoods cũng đang gián tiếp sở hữu vốn doanh nghiệp sữa này. Sữa Mộc Châu cũng được coi là đích nhắm chính của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) khi tiến hành mua lại 75% vốn công ty vào hồi giữa tháng 12/2019.

Đóng cửa phiên giao dịch 29/11, cổ phiếu GTN đứng ở mức 19.900 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu VLC đứng ở mức 34.500 đồng/cổ phiếu, như vậy 1 cổ phiếu GTN đang có giá khoảng 57% so với 1 cổ phiếu VLC.

Sau khi sáp nhập, toàn bộ hơn 47 triệu cổ phiếu VLC mà GTNFoods đang sở hữu sẽ bị hủy và giảm vốn điều lệ của Vilico tương ứng số cổ phần này. Như vậy dự kiến sau sáp nhập, sau khi hủy số cổ phiếu VLC do GTNFoods sở hữu, vốn điều lệ của Vilico sẽ hơn 1.723 tỷ đồng.

Sau sáp nhập, Vilico sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh với định hướng phát triển trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Vilico cho biết sẽ triển khai đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Đồng thời tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa trong công ty con là Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (MCK: MCM) và tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chè thông qua liên kết với Vinatea; tập trung nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh và các sản phẩm rượu vang, nước giải khát, sản phẩm điều thông qua Ladofoods.

Ngoài ra Vilico cũng tiếp tục khai thác các nguồn lực sẵn có của Vilico, Vinamilk và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp... Bên cạnh đó tìm đối tác để thoái vốn các khoản đầu tư tại các công ty liên kết có quy mô nhỏ và hoặc không phải là ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Vilico.

Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 862/NN-TCCB/QĐ ngày 21/6/1996 trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp có quan hệ gắn bó kinh tế, công nghiệp, thương mại, thông tin, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, … hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên toàn quốc, trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Năm 2013 Tổng công ty được cổ phần hóa theo Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 14/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 7/2013, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam-CTCP chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần sau khi thực hiện thành công phương án cổ phần hóa thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ngày 26/10/2015, cổ phiếu Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán VLC) chính thức được giao dịch trên sàn UPCom, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Sau khi chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, cơ cấu, quy mô và quản trị của Tổng công ty được điều chỉnh hợp lý hơn, tiếp cận với quy chuẩn thế giới; năng lực sản xuất tiếp tục tăng, trình độ công nghệ và quản lý điều hành có nhiều cải tiến, đổi mới; hiệu quả kinh tế-xã hội, thương hiệu, vị thế và sức cạnh tranh được nâng lên. Đặc biệt thương hiệu lợn giống Tam Đảo, Sữa Mộc Châu với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú đã và đang được khẳng định uy tín, vị thế trên thị trường.