Tín Nghĩa là doanh nghiệp gì? Công ty Tín Nghĩa làm ăn ra sau khi cựu TGĐ bị bắt?
Tín Nghĩa là doanh nghiệp gì?

Tín Nghĩa là doanh nghiệp gì?

Tín Nghĩa, Công ty Tín Nghĩa là cách gọi tắt của Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa (UPCoM: TID, tên Tiếng Anh: Tin Nghia Corporation), doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở chính tại: 96 Hà Huy Giáp - Phường Quyết Thắng - TP. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai.

Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa là 1 trong những doanh nghiệp có quy mô lớn của tỉnh Đồng Nai, có tiền thân là Công ty Dịch vụ Sản xuất Kinh doanh Tổng hợp Đồng Nai được thành lập vào ngày 07/09/1989. Sau nhiều lần chuyển đổi, đến năm 2016, Công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa (Tên viết tắt: Tổng Công ty Tín Nghĩa). Từ tháng 12/2018, Tổng Công ty Tín Nghĩa chính thức niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán TID.

Hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty Tín Nghĩa tập trung vào 4 ngành nghề chính: Kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh Chế biến và xuất nhập khẩu nông sản, cà phê; Kinh doanh dịch vụ kho, cảng, logistics.

Tổng Công ty Tín Nghĩa đang đầu tư 8 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng diện tích 3.500ha, thu hút hơn 250 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ USD. Công ty xếp thứ 4 tại thị trường miền Nam về bất động sản khu công nghiệp với 8% thị phần.

Các khu công nghiệp quy mô lớn do Tín Nghĩa phát triển có thể kể đến như Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 với tổng diện tích 697ha tại 25B, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch; Khu công nghiệp Ông Kèo có tổng diện tích 855,6ha ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch; Khu công nghiệp An Phước rộng 201ha, nằm ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai...

Trong lĩnh vực kho cảng và logistics Tín Nghĩa đã triển khai điểm thông quan ngoài khu vực cửa khẩu Biên Hòa và Đồng Nai thông qua 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Logistic Tín Nghĩa-ICD Biên Hòa và Công ty Cổ phần cảng Container Đồng Nai-ICD Đồng Nai.

Lĩnh vực xăng dầu cũng là mảng kinh doanh lớn của Tín Nghĩa. Hiện tại, tổng công ty này đang triển khai đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Phú Hữu - Nhơn Trạch, "nhắm" mục tiêu xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu từ nhập khẩu trực tiếp đến phân phối cho người tiêu dùng. Công ty này sở hữu mạng lưới phân phối hơn 42 trạm xăng dầu khắp tỉnh Đồng Nai với mức sản lượng bán ra hàng trăm triệu lít/năm cùng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Hai chủ sở hữu lớn nhất của Tín Nghĩa hiện na là Tỉnh ủy Đồng Nai với tỷ lệ sở hữu 48,1% và Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành với tỷ lệ sở hữu 33,6%.

Dù có được lợi thế rất lớn về đất khi là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất vào hàng "khủng" nhất tại tỉnh Đồng Nai nhưng nhiều năm trở lại đây, nguồn doanh thu lớn nhất của Tín Nghĩa lại đến từ kinh doanh cà phê và nhập khẩu thức ăn gia súc. Đến năm 2014, doanh thu từ kinh doanh hạ tầng mới chỉ có khoảng 88 tỷ đồng.

Xuất khẩu cà phê và nông sản đóng góp hơn 90,8% trên tổng doanh thu, đạt 8.397 tỷ đồng trong năm 2017. Lĩnh vực kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản đóng góp nhiều thứ 2, chiếm 5,9% trong cơ cấu doanh thu với giá trị 539 tỷ đồng.

Trong khi đó, các hoạt động khác như cung cấp dịch vụ logistic, kinh doanh xăng dầu thông qua việc triển khai đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu Phú Hữu, khí đốt, xây dựng… chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng doanh thu của Tín Nghĩa.

Vì sao cựu TGĐ Công ty Tín Nghĩa bị bắt?

Trưa 17/10/2022, ông Nguyễn Văn Hồng, (58 tuổi khi đó là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tín Nghĩa, nguyên tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch) bị Công an Đồng Nai bắt tạm giam 50 ngày về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo buộc cùng tội danh, Phan Thanh Vĩnh Toàn (39 tuổi, nguyên tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty Nhơn Trạch); Đỗ Tấn Điềm (60 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Công ty Nhơn Trạch) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Khám xét nhà các bị can, cảnh sát thu giữ một số hồ sơ, tài liệu và dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án.

Tín Nghĩa là doanh nghiệp gì? Công ty Tín Nghĩa làm ăn ra sau khi cựu TGĐ bị bắt?
Cảnh sát đọc lệnh khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Văn Hồng tại phường Tân Tiến, TP Biên Hoà, chiều 18/10. Ảnh: Phước Tuấn/ VNE

Động thái này được nhà chức trách đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh rộng 500 ha tại huyện Nhơn Trạch. Bốn tháng trước, liên quan vụ án, ông Quách Văn Đức (cựu chủ tịch HĐQT Công ty Nhơn Trạch, tổng giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa) đã bị bắt tạm giam về cùng hành vi.

Công ty Cổ phần đầu tư Nhơn Trạch được thành lập năm 2004 để thực hiện dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh, do ông Quách Văn Đức làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản.

Hơn 10 năm trước, Thanh tra Chính phủ kết luận Dự án KDC Long Tân - Phú Thạnh có sai phạm. Theo quy định của Luật Đất đai 2003 và nghị định liên quan, khi thực hiện dự án phải đấu giá quyền sử dụng đất nhưng tỉnh Đồng Nai đã giao đất cho Công ty Nhơn Trạch mà bỏ qua bước này. Phía Công ty Nhơn Trạch thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đơn giá 800.000 đồng/m2 theo bảng giá các loại đất năm 2007, do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành.

Thanh tra Chính phủ cho rằng đơn giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Ngoài ra, giá tiền sử dụng đất tỉnh Đồng Nai áp cho doanh nghiệp cũng thấp hơn giá đề nghị của UBND huyện Nhơn Trạch (1,1 triệu đồng/m2), gây thất thoát gần 160 tỷ đồng.

Sau đó Công ty Tín Nghĩa thông báo miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Văn Hồng đồng thời bổ nhiệm ông Trần Trung Tuấn thay thế. Cụ thể, Tín Nghĩa miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty của ông Nguyễn Văn Hồng kể từ ngày 24/11/2022. Theo Tín Nghĩa, nguyên nhân miễn nhiệm là do ông Hồng không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện đảm nhận vị trí tổng giám đốc theo quy định của pháp luật và tổng công ty.

Sau khi miễn nhiệm ông Hồng, HĐQT Tín Nghĩa cũng bổ nhiệm ông Trần Trung Tuấn thay thế vị trí của ông Hồng, thời hạn bổ nhiệm chức vụ là 5 năm.

Lãnh đạo Công ty Tín Nghĩa hiện nay là ai?

Theo tìm hiểu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa hiện na là bà Đặng Thị Thanh Hà.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng Công ty Tín Nghĩa hiện nay là ông Trần Trung Tuấn. Ông Tuấn tham gia vào Tín Nghĩa (TID) từ những năm 2000, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc công ty hồi tháng 1/2020 và tham gia HĐQT công ty nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ tháng 6/2022.

Công ty Tín Nghĩa làm ăn ra sau khi cựu TGĐ bị bắt?

Tổng công ty Tín Nghĩa có nhiều lợi thế trong các hoạt động kinh doanh liên quan đến đất đai. Tổng công ty đang sở hữu nhiều khu công nghiệp với quy mô lớn như: Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 6, Ông Kèo, An Phước, Tân Phú, Tam Phước, Bàu Xéo, Đất Đỏ.

Bên cạnh là các bất động sản khác có giá trị lớn như: Cù lao Tân Vạn, khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân, dự án Ven Sông, núi Dòng Dài… Sở hữu tiềm năng to lớn tại Đồng Nai nhưng hoạt động kinh doanh của Tín Nghĩa trồi sụt thất thường.

Trong công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Giám đốc Trần Trung Tuấn giải trình, lợi nhuận giảm do giảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, kinh doanh xăng dầu và giảm doanh thu tài chính.

Tín Nghĩa là doanh nghiệp gì? Công ty Tín Nghĩa làm ăn ra sau khi cựu TGĐ bị bắt?

Tại thời điểm 31/12/2022, công ty có 14.648 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 2,6% so với đầu năm. Tài sản tập trung chủ yếu ở tài sản dở dang dài hạn 8.154 tỷ đồng, bất động sản đầu tư 1.947 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một phần tài sản của công ty lại gặp vấn đề khi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi trị giá 309 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tăng 27,7% so với đầu năm. Khoản dự phòng này gấp 2,57 lần lợi nhuận sau thuế kiếm được trong năm 2022.

Dự phòng phải thu khó đòi đến từ CTCP Cà phê Olympic 205 tỷ đồng (tăng từ 121 tỷ đồng vào đầu năm 2022 lên 205 tỷ đồng vào cuối năm 2022); CTCP Hiệp Quang Agro 44 tỷ đồng (thời gian quá hạn trên 60 tháng), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Long Khang 28 tỷ đồng (thời gian quá hạn trên 72 tháng) và các khách hàng khác 31 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý là Cà phê Olympic ngoài quan hệ giao dịch mua - bán hàng hóa còn được Tín Nghĩa cho vay 154 tỷ đồng.

Năm 2021, cổ phiếu TID của Tín Nghĩa thu hút đông đảo sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân. Đỉnh điểm là TID đạt 81.090 đồng/cổ phiếu, tăng 5,9 lần so với đầu năm 2021. Tận dụng đà tăng giá này, đại hội đồng cổ đông thường niên và bất thường 2022 đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng bằng việc phát hành 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 4:1.

Nguồn vốn dự kiến thu về 900 tỷ đồng được sử dụng đầu tư vào dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ông Kèo. Trong đó, chi phí bồi thường 700 tỷ đồng và chi phi xây dựng hạ tầng 200 tỷ đồng.

Trái ngược với kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông là việc ban lãnh đạo Tín Nghĩa ào ạt bán cổ phiếu TID. Đó là bà Đặng Thị Hà, Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc đã bán 159.249 cổ phiếu vào tháng 9/2022; ông Trần Trung Tuấn, Ủy viên HĐQT bán 140.277 cổ phiếu vào tháng 8/2022; ông Nguyễn Văn Hồng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc bán 773.614 cổ phiếu vào tháng 7/2022.

Ngoài ra, ông Lê Văn Danh bán 128.662 cổ phiếu vào tháng 9/2022; bà Dương Thị Loan Anh, người phụ trách quản trị công ty bán 44.180 cổ phiếu vào tháng 10/2022. Trong năm 2021, lãnh đạo của Tín Nghĩa cũng đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu.