Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc

Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK) theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 với một số mục tiêu cụ thể.

Đến 2050, hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực.

Về vận tải, tổng sản lượng hành khách thông qua các CHK khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5 -2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3 - 4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh).

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các CHK khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05 - 0,1% thị phần vận tải giao thông).

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên tập trung đầu tư một số CHK lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (CHK quốc tế Nội Bài) và vùng TP HCM (CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành).

Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả các CHK hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các CHK mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống CHK đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100km.

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị quản lý bay theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Tầm nhìn đến 2050, hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các CHK mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100km.

Mở rộng, nâng cấp các CHK tại các trung tâm kinh tế vùng, đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị bảo đảm hoạt động bay, đồng bộ, hiện đại ngang tầm quốc tế; hình thành các trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay hiện đại.

Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Ảnh minh họa: Phối cảnh sân bay Long Thành
Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Ảnh minh họa: Phối cảnh sân bay Long Thành

Về Quy hoạch hệ thống CHK toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống CHK được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP HCM, hình thành 30 CHK.

Cụ thể, 14 CHK quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 CHK quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành CHK để khai thác lưỡng dụng).

Tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch CHK quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 640 năm 2011) tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Hình thành 33 CHK, bao gồm: 14 CHK quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;

19 CHK quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và CHK thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.

Về hệ thống bảo đảm hoạt động bay, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các CHK đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO.

Bố trí các trung tâm logistics tại các CHK có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các CHK gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số CHK khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại CHK Chu Lai.

Bố trí các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay với quy mô phù hợp với nhu cầu đào tạo trong nước cũng như khu vực tại các CHK có mật độ cất hạ cánh không lớn, thuận lợi về yếu tố địa hình, thời tiết cho hoạt động bay, cách khu vực biên giới trên 50 km, ưu tiên tại các CHK Chu Lai, Rạch Giá và Cà Mau.

Xây dựng các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại các CHK có nhu cầu. Ưu tiên xây dựng các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại các CHK lớn, có điều kiện tốt về hạ tầng, đường bay quốc tế gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Long Thành; Trung tâm sửa chữa lớn của khu vực tại CHK Chu Lai.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống CHK đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các CHK quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.

Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các CHK tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các CHK có hoạt động quân sự thường xuyên; và các CHK khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.

'Ông lớn' Xuân Thiện xin xây nhà cao tầng để nuôi heo ở Thanh Hóa

Ngày 8/6, tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh này về việc giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa, địa chỉ tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc về việc xây dựng nhà cao tầng để chăn nuôi heo công nghệ cao.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận được công văn của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa về việc báo cáo đề xuất phương án chăn nuôi heo công nghệ cao trong nhà cao tầng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa cho rằng cần áp dụng các tiến bộ, công nghệ hiện đại để chăn nuôi heo chất lượng cao, và phương án chăn nuôi heo trong nhà cao tầng là một trong những cách chăn nuôi hiện đại hiện nay.

'Ông lớn' Xuân Thiện xin xây nhà cao tầng để nuôi heo ở Thanh Hóa. Ảnh
'Ông lớn' Xuân Thiện xin xây nhà cao tầng để nuôi heo ở Thanh Hóa. Ảnh: Báo Công Thương

Phương án Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa xây tòa nhà cao bao nhiêu tầng để chăn nuôi heo vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nếu đề xuất này thành hiện thực thì đây là dự án đầu tiên ở tỉnh Thanh Hóa, thậm chí là dự án đầu tiên trên cả nước về chăn nuôi heo công nghệ cao trong nhà cao tầng.

Được biết, Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa thuộc Tập đoàn Xuân Thiện, có trụ sở chính tại tỉnh Ninh Bình. “Ông lớn” Xuân Thiện đã đầu tư 3 dự án chăn nuôi heo công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỉ đồng.

Tất cả 3 dự án trên đều được đầu tư xây dựng tại các xã Minh Tiến, Kiên Thọ và Nguyệt Ấn của huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Quảng Trị cần sớm tháo gỡ khó khăn cho đấu giá đất

Đấu giá quyền sử dụng đất vẫn là nguồn thu chính của nhiều địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gặp khó khăn.

Theo kế hoạch, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là Trung tâm) được giao thu từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, ước đến khoảng thời điểm hiện nay chỉ mới thực hiện được trên 34,3 tỷ đồng, đạt 9,83% kế hoạch giao. Trong đó, số tiền đã thu nộp ngân sách là gần 7,9 tỷ đồng, số ghi nhận tại phiên công bố giá là hơn 26,4 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Trung tâm, do thị trường bất động sản vẫn đang giai đoạn khó khăn, sức mua giảm, số lượng người tham gia đấu giá còn ít. Đơn cử, tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tháng 1/2023 chỉ có 1/30 lô, phiên đấu giá ngày 13/5 chỉ có 9/39 lô và phiên đấu giá ngày 20/5 cũng chỉ đấu giá thành công 7/37 lô.

Ông Nguyễn Trí Hữu, Giám đốc Trung tâm cho rằng, điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách và dự báo rất khó thực hiện đạt kế hoạch giao cả năm. Đây là một trong những khó khăn và thách thức lớn đối với đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch thu ngân sách được giao.

Bên cạnh đó, công tác đấu giá đất năm 2023 chịu sự điều chỉnh, tác động của quy định mới về thời gian nộp tiền trúng đấu giá (120 ngày kể từ ngày có quyết định công bố kế quả trúng đấu giá) cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách được giao. Như vậy, để ghi nhận số thu nộp vào ngân sách kế hoạch năm 2023 thì phiên đấu giá của năm phải có quyết định công bố kết quả trúng đấu giá trước ngày 30/8/2023.

Trong khi đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất thương mại – dịch vụ dù tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương thu hút đầu tư thông qua đấu giá một số khu đất quy hoạch thương mại, dịch vụ để phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch xây dựng, hình thức thuê đất và đơn giá thuê đất nên đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở trình phương án đấu giá.

Theo Trung tâm, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất phụ thuộc và số thu nộp ngân sách của người trúng đấu giá, yếu tố thị trường và dự báo khả năng khó đạt kế hoạch được giao.

Tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tháng 1/2023, tổng giá khởi điểm gần 69,3 tỷ đồng nhưng chỉ có 1/30 được đấu giá thành công. Ảnh: Kinh tế Đô thị
Tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tháng 1/2023, tổng giá khởi điểm gần 69,3 tỷ đồng nhưng chỉ có 1/30 được đấu giá thành công. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Ngoài những nguyên nhân trên, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và kéo dài nên còn chậm bàn giao mặt bằng để thi công. Trong đó, vướng mắc liên quan đến công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm sử dụng đất của các địa phương đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Đất làm vật liệu san lấp thực hiện các dự án, công trình lớn vẫn là vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Theo Trung tâm, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp lớn nhưng nguồn cung chưa đảm bảo và các điểm mỏ chưa được công bố giá đầy đủ gây khó khăn trong việc triển khai dự án.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt công tác đấu giá đất ở cho cá nhân cũng như đảm bảo việc triển khai các kế hoạch đã đề ra, Trung tâm đã có các kiến nghị, đề xuất đến các sở, ngành liên quan.

Trong đó, đẩy nhanh các thủ tục liên quan và sớm xem xét, giải quyết nhằm sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà ở thương mại tại khu đô thị Bắc sông Hiếu cũng như các dự án đấu giá khác.

Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất thương mại – dịch vụ, nhằm đẩy mạnh việc thu hút nhà đầu tư, Trung tâm cũng đề nghị sớm hoàn thiện trình phê duyệt về điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu TP Đông Hà.

Đồng thời, Trung tâm cũng kiến nghị Sở TN&MT, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, thống nhất áp dụng hình thức thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với đất thương mại, dịch vụ nhằm đảm bảo nguồn thu từ đất đai được phân bổ đều cho hàng năm. Bên cạnh đó, điều chỉnh đơn giá thuê đất đối với đất thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương nhằm thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Để tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Trung tâm kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời chỉ đạo, giải quyết và tháo gỡ các trường hợp vướng mắc, phát sinh nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo ông Nguyễn Trí Hữu, trong 6 tháng cuối năm, đơn vị đẩy mạnh tổ chức đấu giá đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan để phấn đấu đạt cao nhất số thu nộp ngân sách. Tiến hành tổ chức đấu giá để thực hiện dự án Khu nhà ở thuộc Khu đô thị Bắc sông Hiếu khi có chủ trương.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư nhằm đảm bảo tiến độ thi công các dự án. Trong đó, tiếp tục thực hiện các dự án: Khu đô thị Bắc sông Hiếu giai đoạn 2, Khu đô thị Tân Vĩnh, Khu đô thị sinh thái Nam Đông Hà...một số khu đất tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá và các dự án khác của tỉnh đảm bảo đúng tiến độ được giao.

Dự án chung cư Ngọc Hà Diamond Residence tại Vĩnh Phúc

Ngọc Hà Diamond Residence (còn gọi là Ngọc Hà Plaza) thuộc dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên, có vị trí nằm tại 2 mặt tiền đường Trần Phú và Nguyễn Tất Thành, phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án nằm ngay vòng xoay Phúc Yên, nơi giao nhau của 5 tuyến đường và liên kết thuận tiện đến 2 tuyến đường lớn Quốc lộ 2A và tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Ngọc Hà Diamond Residence có tổng diện tích 2.455,7 m2 với mật độ xây dựng 57,15%, được thiết kế với mô hình căn hộ và trung tâm thương mại. Dự án sở hữu chiều cao 12 tầng nổi , 1 tầng hầm, 1 tum và 1 tầng kỹ thuật. Trong đó, sở hữu gồm 3 tầng trung tâm thương mại và 99 căn hộ khách sạn và căn hộ chung cư, tổng diện tích sàn cho dự án là 18.614 m2.

Mỗi sản phẩm tại dự án Ngọc Hà Diamond Residence được thiết kế từ 2 – 3 phòng ngủ, diện tích lớn trong khoảng 60,88 - 129 m2.

Từ dự án, thuận tiện liên kết đến các khu vực tiện ích lân cận như: Cách khu liên cơ thành phố 0,5 km; cách ĐH sư phạm HN2 0,7 km; cách dự án Flamingo Đại Lải, nhà máy Honda, nhà máy Toyota 4 km; cách KCN Quang Minh, sân bay Nội Bài 10 km; cách trung tâm thành phố Hà Nội 28 km…

Phối cảnh dự án chung cư Ngọc Hà Diamond Residence
Phối cảnh dự án chung cư Ngọc Hà Diamond Residence.

Chủ đầu tư dự án Ngọc Hà Diamond Residence là Công ty Cổ phần Tây Đức được thành lập ngày 04/02/2014, đặt trụ sở tại thôn Xuân Thượng 1, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo tìm hiểu được biết, dự án Ngọc Hà Diamond Residence có tên pháp lý là chung cư Ngọc Hà Plaza 1 thuộc dự án Khu nhà ở đô thị Nam Phúc Yên có quy mô hơn 17 ha.

Năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định điều chỉnh đối một số hạng mục tại dự án cho phù hợp với thực tế và đúng với nội dung dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận tại văn bản số 2195/UBND.

Các sản phẩm tại dự án Ngọc Hà Diamond Residence có mức giá bán tham khảo trên thị trường giao động trong khoảng 15 – 17 triệu đồng/m2.