Hàng loạt sai phạm tại Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi

Ngày 6/3, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Phạm Xuân Duệ, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã ký ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư đất đai, xây dựng đối với Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi, khi trình UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chủ trương đầu tư dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan liên quan chưa thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, cho thuê đất trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư. Điều này không đúng quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, chủ đầu tư đã thực hiện thi công một số hạng mục khi chưa có giấy phép xây dựng.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dù được giãn tiến độ 2 lần nhưng Dự án vẫn không thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa lập thủ tục xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Diện tích đất và tài sản trên đất này của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang quản lý, sử dụng đây là cơ sở nhà, đất công sản phải được xử lý theo quy định nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục theo quy định của Luật đất đai năm 2013 để tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc là tài sản công này là không có căn cứ pháp lý, không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, về việc góp vốn liên doanh, liên kết thành lập cơ sở thực hiện xã hội hóa giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Công ty CP Medika Investment Việt Nam, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, không đảm bảo tính minh bạch, không đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập…

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ, Bệnh viện đa khoa tỉnh không thực hiện thủ tục lập phương án, đề án liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mà chỉ lập Biên bản thỏa thuận vốn góp giữa hai bên và không thực hiện ký Hợp đồng góp vốn, liên doanh, liên kết khi thành lập pháp nhân mới là không đúng trình tự, thủ tục.

Sở Y tế, Sở Tài chính không kịp thời hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện các thủ tục liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến các sai sót nêu trên.

Sau 2 lần điều chỉnh tiến độ, đến nay Dự án vẫn thực hiện chậm 19 tháng so với quy định. Ảnh: Báo Đầu tư
Sau 2 lần điều chỉnh tiến độ, đến nay Dự án vẫn thực hiện chậm 19 tháng so với quy định. Ảnh: Báo Đầu tư

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi không thực hiện xử lý các tài sản trên đất là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Cụ thể, có 9/13 tài sản công đã bàn giao để thực hiện Dự án không đúng theo quy định của pháp luật, dẫn đến các tài sản này đã bị di dời, phá hủy khi thi công với giá trị xác định hơn 457 triệu đồng, đến nay chưa được chủ đầu tư bồi thường, có nguy cơ thất thoát tiền ngân sách nhà nước.

Với những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu nhà đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định để tự nguyện trả lại đất, chấm dứt dự án đầu tư, chấm dứt hợp đồng liên doanh, liên kết và giải quyết các nội dung liên quan đến dự án.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp kiểm điểm về các hạn chế, khuyết điểm của tập thể, cá nhân có các sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Qua xem xét, ngày 2/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các nội dung kiến nghị của Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ngãi tại kết luận thanh tra ngày 20/2. Đồng thời, hướng dẫn nhà đầu tư về thủ tục tự nguyện trả lại đất, chấm dứt dự án, báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi kết quả thực hiện trước ngày 15/4/2023.

Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng trong khuôn viên Bệnh viện Đao khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 5/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp quyết định chủ trương đầu tư cho liên doanh Công ty CP Medika Investment Việt Nam và BVĐK tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích 1,1 ha, tọa lạc bên hông BVĐK tỉnh Quảng Ngãi và kéo dài theo mặt tiền 2 đường Lê Hữu Trác, Hồ Đắc Di (P.Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi).

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, với quy mô 500 giường bệnh, 40 phòng khám, 8 phòng mổ chất lượng quốc tế, đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 1. Ngày 24/6/2017, dự án khởi công xây dựng một số hạng mục công trình nhưng đến quý 2/2020, chủ đầu tư dừng thi công cho đến nay.

TP HCM kiến nghị khẩn về áp dụng hệ số K để quyết định giá đất

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi gửi văn bản khẩn đến Thủ tướng Chính phủ kiến nghị TP HCM được áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất trên thị trường và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để tính tiền sử dụng đất cho hàng trăm dự án bất động sản đang bế tắc hiện nay.

Theo Cổng thông tin UBND TP HCM, hiện nay trong quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đúng các quy định, tuy nhiên kể cả khi áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 14/2017/QH14 vẫn còn một số bất cập, đặc biệt là việc thu thập thông tin và kiểm tra thông tin về giá giao dịch thật của bất động sản trên thị trường chưa minh bạch, rất khó khăn.

Quy định phải lập kế hoạch định giá đất cụ thể để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, trên cơ sở đó tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu, đồng thời việc tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu gặp nhiều khó khăn, bất cập, chồng chéo của pháp luật dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, phương pháp thặng dư để xác định giá đất cụ thể với quy trình 2 bước định giá đất và thẩm định giá đất hiện đang để xảy tình trạng quyền anh, quyền tôi, hoặc sợ trách nhiệm không dám làm, dám quyết bởi có thể gây ra rủi ro pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người có liên quan, gây mất nhiều thời gian, mất cơ hội đầu tư, cơ hội mua nhà của người dân mà vẫn không đạt được kết quả tin cậy trong tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

UBND TP HCM nhận thấy việc áp dụng hệ số K trong xác định giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, thuê đất có nhiều ưu điểm nổi bật, giúp cải cách thủ tục hành chính trong xác định giá đất cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện;

Đảm bảo việc xác định giá đất cụ thể được công bằng giữa các chủ đầu tư trong sử dụng đất; khuyến khích các đơn vị phát huy hiệu quả trong sử dụng đất với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được phê duyệt, tạo sự chủ động cho các nhà đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất đồng thời có cơ chế điều tiết nguồn lực đất đai trên cơ sở điều kiện sinh lợi từ sử dụng đất.

TPHCM đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng hệ số K trong tính giá đất cụ thể. Ảnh minh họa
TP HCM đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng hệ số K trong tính giá đất cụ thể. Ảnh minh họa

Do đó, theo UBND TP HCM nếu hệ số K được xây dựng trên cơ sở tổng hợp tác động của các yếu tố quy hoạch xây dựng ảnh hưởng đến giá đất cụ thể, từ mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tỷ lệ giữa diện tích sàn sử dụng/sàn xây dựng, mục đích sử dụng đất… làm cơ sở thu tiền sử dụng đất, thuê đất của các trường hợp sẽ đồng thời phát huy các ưu điểm của phương pháp hệ số K, đảm bảo phương pháp định giá khoa học và phản ánh giá trị quyền sử dụng đất đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất cụ thể của dự án; thống nhất phương pháp xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp có giá trị thửa đất dưới 30 tỷ đồng và trên 30 tỷ đồng.

Theo dòng sự kiện, TTXVN đưa tin Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa gửi văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM xây dựng và ban hành hệ số K tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, không phân biệt trên hay dưới 30 tỷ đồng thay vì phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định hiện nay.

Với đề xuất áp dụng hệ số K, UBND thành phố sẽ công thức hóa và định lượng được việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với cả dự án nhà ở thương mại, dễ hiểu, dễ làm, không gây rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ vì không định tính và giải quyết ngay được hàng trăm dự án bất động sản đang bế tắc hiện nay.

Ngoài ra, đề xuất của TP HCM cũng giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn; cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cả cá nhân, hộ gia đình đều có thể tiên lượng được tiền sử dụng đất phải nộp.

Thái Nguyên kêu gọi đầu tư khu đô thị gần 1.500 tỷ

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa công bố danh mục dự án mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị Quyết Thắng tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên.

Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm xây dựng hoàn thiện khu đô thị, kết nối với hạ tầng hiện có và các khu giáp ranh, tạo ra một khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác theo đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Đồng thời, tăng quỹ nhà ở, đất ở; giảm áp lực về nhu cầu nhà ở cho khu vực, góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở cho nhân dân; tăng quỹ đất nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí.

Cụ thể, dự án Khu đô thị Quyết Thắng có tổng diện tích có tổng diện tích 43ha, trong đó, đất ở 14,7ha; đất dịch vụ - công cộng 4,44ha; đất cây xanh mặt nước 6,29ha; đất hạ tầng kỹ thuật 17,59ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.496,1 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án phải huy động 749,96 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 746,1 tỷ đồng.

Quy mô kiến trúc dự kiến là đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bao gồm giao thông, san nền, cấp - thoát nước, thông tin liên lạc, cấp điện, cây xanh...; xây thô hoàn thiện mặt ngoài 261 căn nhà ở; xây dựng 1 công trình thương mại dịch vụ (chợ) cao 2 tầng; 1 công trình trung tâm thương mại cao 3 tầng, đáp ứng quy mô dân số khoảng 6.000 người.

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và đất ở của dự án gồm: Nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề; đất ở biệt thự, đất ở liền kề; đất nhà ở xã hội, đất ở tái định cư. Trong đó, dự án sẽ có 261 lô nhà ở liền kề và biệt thự (xây thô hoàn thiện mặt ngoài); 776 lô đất ở liền kề và biệt thự (đất nền) và 81 lô đất ở tái định cư; đất nhà ở xã hội.

Thời hạn hoạt động của dự án Khu đô thị Quyết Thắng là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Tiến độ thực hiện đến quý II/2027. Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là trước 15 giờ ngày 31/3/2023.

Ngoài thông tin dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng nêu ra một số tiêu chuẩn để lựa chọn nhà đầu tư dự án gồm: Nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 225 tỷ đồng (không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư).

Về kinh nghiệm, chủ đầu tư phải từng là chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính của 1 dự án. Nếu là dự án loại 1, dự án phải được hoàn thành trong vòng 7 năm trở lại đây và phải có tổng mức đầu tư tối thiểu là 898 tỷ đồng (tương đương 60% tổng mức đầu tư), trong đó nhà đầu tư phải góp tối thiểu 135 tỷ đồng. Nếu là dự án loại 2 hoặc loại 3 thì phải hoàn thành trong vòng 5 năm trở lại đây và có giá trị tối thiểu là 375 tỷ đồng (tương đương 50%).

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023. Theo đó, trong 2023, Thái Nguyên sẽ thu hút kêu gọi đầu tư đối với 276 dự án nhà ở thương mại, 8 dự án nhà ở xã hội và 20 dự án tái định cư. Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất để xây nhà ở trong 2023 là 1.639ha, trong đó, nhà ở thương mại 1.225ha, nhà ở xã hội 134 ha và nhà ở tái định cư 280ha. Tổng nhu cầu vốn dự kiến là 10.387 tỷ đồng.

Dự án biệt thự Eden Village tại Bảo Lộc

Eden Village có vị trí tọa lạc tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm cách tuyến đường Quốc lộ 55 chỉ khoảng 10 phút di chuyển, kết nối đến thành phố Bảo Lộc chỉ khoảng 20 km.

Eden Village có tổng diện tích khoảng 1,1 ha được thiết kế xây dựng với mô hình biệt thự theo phong cách Địa Trung Hải. Cung cấp ra thị trường 24 căn biệt thự view đồi, săn mây.

Các căn biệt thự tại Eden Village có diện tích từ 178,9 – 1.065 m2, được thiết kế 1 trệt, 1 lầu, sở hữu từ 2 – 3 phòng ngủ. Mỗi căn có diện tích xây dựng 6x16 m, được phân làm 3 mẫu bao gồm: Eden House (3 phòng ngủ), Paradise House 1 (2 phòng ngủ) và Paradise House 2 (2 phòng ngủ).

Phối cảnh dự án Eden Village Bảo Lộc
Phối cảnh dự án Eden Village Bảo Lộc.

Từ dự án, cư dân thuận tiện di chuyển đến các khu vực tiện ích ngoại khu lân cận như: 7 phút đến sân golf cáp treo núi Sapung, 10 phút đến bưu điện Bảo Lộc, 12 phút đến trung tâm mua sắm Vincom, 13 phút đến chợ Bảo Lộc, 13 phút đến quảng trường trung tâm, 15 phút đến đồi chè Tam Châu, hồ Nam Phương, 20 phút đến thác D’amBri…

Dự án Eden Village Bảo Lộc được phát triển bởi Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Phú Đông (Phương Đông Real), được thành lập ngày 10/10/2022, đặt trụ sở tại 152 Cao Đức Lân, phường An Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài dự án Eden Village, doanh nghiệp còn là đơn vị phát triển và phân phối dự án khác tại Lâm Đồng như The Leaf Town (4 ha).

Các sản phẩm biệt thự tại dự án Eden Village có mức giá bán chỉ từ 8,5 triệu đồng/m2 (đất + nhà + vườn).