Các địa phương phải báo cáo về thay đổi nhu cầu sử dụng đất trước 20/5

Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 2/5/2023 được gửi tới Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Tuy nhiên, đến nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, tập trung vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất khu công nghệ cao, đất trồng lúa, đất rừng 3 loại rừng, đất quốc phòng, đất an ninh.

Đồng thời, tại Điều 15 Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy nguồn lực từ đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổng hợp, đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Các địa phương phải báo cáo về thay đổi nhu cầu sử dụng đất trước 20/5. Ảnh minh họa: PLO.vn
Các địa phương phải báo cáo về thay đổi nhu cầu sử dụng đất trước 20/5. Ảnh minh họa: PLO.vn

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu tổng hợp, việc đề xuất đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch và việc khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, cần triển khai lập trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, bao gồm tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; tỷ lệ sử dụng đất cho các mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng…

Trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổng hợp gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/5 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 tại kỳ họp tháng 10/2023.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030.

Thống nhất mở rộng thành phố Đà Lạt; sáp nhập 3 huyện thành 1

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thống nhất phương án sáp nhập đơn vị hành chính 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 đơn vị hành chính cấp huyện; sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt.

Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa có Kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 44, trong đó có kết luận nội dung quan trọng về phương án sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-20230.

Theo đó, trên cơ sở xem xét các tờ trình, dự thảo báo cáo, văn bản xin ý kiến và qua thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận cơ bản thống nhất phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Trong đó, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023-2025, gồm: sáp nhập đơn vị hành chính 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên thành 1 đơn vị hành chính cấp huyện;

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 gồm xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh; xã Quảng Lập vào xã Ka Đô thuộc huyện Đơn Dương; sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt.

Tỉnh ủy Lâm Đồng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Thống nhất mở rộng thành phố Đà Lạt; sáp nhập 3 huyện thành 1
Thống nhất mở rộng thành phố Đà Lạt; sáp nhập 3 huyện thành 1. Ảnh minh họa

Đồng thời nghiên cứu, tham mưu dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét cho ý kiến vào kỳ họp sắp tới.

Trên cơ sở kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án và Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Chỉ đạo các thành ủy, huyện ủy và UBND các huyện, thành phố có liên quan thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để thực hiện việc sắp xếp, tập trung triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm lộ trình, trình tự, thủ tục đúng quy định.

Trước đó, ngày 22/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ký công văn đề nghị Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp 3 đơn vị hành chính huyện (huyện Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên) thành 1 đơn vị hành chính huyện trong giai đoạn 2023-2025.

Sau khi sắp xếp, diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính huyện mới sắp xếp đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 như sau: Sắp xếp đơn vị hành chính xã Triệu Hải thuộc huyện Đạ Tẻh vào đơn vị hành chính xã Quảng Trị. Sắp xếp đơn vị hành chính xã Quảng Lập vào xã Ka Đô thuộc huyện Đơn Dương.

Diện tích tự nhiên của thành phố Đà Lạt hơn 391 km2, dân số gần 260.000 người; huyện Lạc Dương diện tích gần 1.314 km2. Sau khi sáp nhập, diện tích thành phố Đà Lạt sẽ rộng 1.705 km2, gấp 4,3 lần hiện nay.

Đắk Nông tăng cường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Công văn 2208/UBND-NNTNMT về tăng cường công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông thì công tác quản lý đất đai và cấp giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, kết quả cấp giấy CNQSDĐ trên địa bàn tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra, hồ sơ giải quyết còn trễ hạn, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và nguyện vọng của Nhân dân.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP.Gia Nghĩa thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại Thông báo số 486/TB-VPUBND ngày 20/4/2023 liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy CNQSDĐ diện tích đất có nguồn gốc từ nông lâm trường trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên tuyền cho các tổ chức, cá nhân trong công tác đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ; rà soát quy trình, thủ tục hành chính, quy chế phối hợp liên quan đến cấp giấy CNQSDĐ; cập nhật các quy định mới của pháp luật có liên quan và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về cấp giấy CNQSDĐ; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân dễ dàng nhận diện và tiếp cận minh bạch; thực hiện đầy đủ các giải pháp trong công tác đăng ký, cấp giấy CNQSDĐ của hộ gia đình, cá nhân.

Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, thanh tra công tác kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất định kỳ, đột xuất chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo phân rõ người, rõ trách nhiệm, rõ việc, rõ thời gian giải quyết, trong đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy CNQSDĐ, đặc biệt bộ phận tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy Gia Nghĩa chỉ đạo UBND các huyện, TP.Gia nghĩa xác định công tác cấp giấy CNQSDĐ là công tác trọng tâm, quan trọng của đảng ủy, chính quyền địa phương; xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cấp giấy CNQSDĐ lần đầu hàng năm cho các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã thực hiện. Các địa phương quan tâm công tác tổ chức, đào tạo và xây dựng đội ngũ công chức địa chính có chuyên môn ổn định, lâu dài, am hiểu về nghiệp vụ để nắm bắt, xác định nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm sử dụng đất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao để tránh sai sót khi thực hiện nhiệm vụ...

Sắp ra mắt Dự án khu căn hộ du lịch và khách sạn Poulo Condor tại Côn Đảo

Poulo Condor có vị trí tọa lạc tại Bãi Vông, đường Cỏ Ống, thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có phía Bắc và phía Nam giáp đất nhà nước quản lý, phía Đông giáp vịnh Đông Bắc, phía tây giáp đường nối sân bay Cỏ Ống với trung tâm Côn Đảo.

Dự án Khu căn hộ du lịch và khách sạn Poulo Condor có tổng diện tích quy hoạch 12 ha với tổng vốn đầu tư cho dự án 8.282 tỷ đồng. Được thiết kế xây dựng với các loại hình sản phẩm bao gồm: Căn hộ du lịch, shophouse và khách sạn…

Các sản phẩm tại Poulo Condor với tổng diện tích sàn dành cho từng sản phẩm:

Tổng diện tích sàn căn hộ du lịch là 472.587 m2.

Tổng diện tích sàn khách sạn là 62.873 m2.

Tổng diện tích sàn kinh doanh là 342.680 m2.

Chủ đầu tư dự án Poulo Condor Côn Đảo là Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, được thành lập ngày 13/09/2004, đặt trụ sở tại tòa nhà Viettel, 285 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.

Phối cảnh dự án Poulo Condor Côn Đảo.
Phối cảnh dự án Poulo Condor Côn Đảo.

Được biết, khu du lịch Poulo Condor đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 930/QĐ-UBND ngày 16/4/2010 và Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 07/10/2016.

Đến ngày 19/6/2017, dự án Poulo Condor được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Đến tháng 6/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch Poulo Condor tại Bãi Vông. Theo nhiệm vụ quy hoạch, khu vực điều chỉnh quy hoạch của dự án Khu du lịch Poulo Condor có diện tích khoảng 29,62 ha, chia làm hai phân khu gồm PL1 diện tích 12 ha và PL2 diện tích 17,62 ha.

Về phần Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, tại báo cáo thường niên năm 2021 của doanh nghiệp, dự án Poulo Condor này đã xuất hiện trong danh mục các dự án đang triển khai của Phát Đạt với diện tích 12 ha (bằng diện tích phân khu PL1).

Về tiến độ triển khai, trong năm 2021, Phát Đạt cho biết dự án đã thiết kế ý tưởng và báo cáo ý tưởng điều chỉnh quy hoạch dự án. Năm 2022, công ty sẽ xin chấp thuận điều chỉnh chủ trương dự án (xin tách dự án, đồng thời điều chỉnh thông tin nhà đầu tư, quy mô, thời hạn hoạt động).