Long An được chuyển đổi 65 ha đất trồng lúa để làm khu công nghiệp

Trên cơ sở báo cáo thẩm định tại Công văn số 3242/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 10/6/2022 và báo cáo sau khi kiểm tra thực địa tại Công văn số 1352/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 07/3/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú và Khu dân cư - Tái định cư tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Dự án đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai.

Do đó, tại văn bản 200/TTg-NN ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 65 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú (30 ha) và Dự án Khu dân cư - Tái định cư tại xã Tân Phú (35 ha), huyện Đức Hòa, tỉnh Long An như ý kiến thẩm định và nội dung trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

UBND tỉnh Long An tiếp thu và thực hiện đầy đủ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất hồ sơ và thực địa, đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.

Tỉnh Long An chịu trách nhiệm toàn diện về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư… đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu tại mục 1 theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai; về quyết định và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú có quy mô lên đến 262ha, dự kiến sẽ thu hút và tạo điều kiện việc làm cho 40.000 lao động địa phương.
Dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú có quy mô lên đến 262ha, dự kiến sẽ thu hút và tạo điều kiện việc làm cho 40.000 lao động địa phương. Ảnh: Báo Đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo kết quả thẩm định, nội dung kiểm tra thực địa để đề xuất việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú (30 ha) và Dự án Khu dân cư - Tái định cư tại xã Tân Phú (35 ha), huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, Khu công nghiệp Trần Anh - Tân Phú là dự án đánh dấu sự chuyển hướng của Tập đoàn Trần Anh Group sang phân khúc bất động sản công nghiệp. Dự án nằm ngay trên trục đường tỉnh lộ 830, thuộc xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Từ vị trí của dự án có thể di chuyển nhanh chóng, thuận tiện đến các điểm trung tâm và tuyến đường huyết mạch như: trung tâm TP HCM (khoảng 40km), sân bay Tân Sơn Nhất (khoảng 35km), đường Xuyên Á (khoảng 15km), cảng quốc tế Long An (khoảng 60km)...

Theo quy hoạch, tổng thể dự án sẽ được chia thành nhiều phân khu với các hạng mục xây dựng phục vụ cho những mục đích khác nhau. Cụ thể, khu công nghiệp bao gồm nhiều loại hình sản xuất như khu sinh học nghiên cứu nuôi trồng, nghiên cứu chế biến, sản xuất hóa mỹ phẩm, cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, sản xuất ngành điện viễn thông;

Khu bến cảng và logistics được bố trí ngay bờ sông Vàm Cỏ Đông, đây là bến đỗ của những chuyến tàu chở nặng, nguyên liệu cho các nhà máy, mang hàng hóa chất lượng đến tận tay đơn vị phân phối tiềm năng.

Khu trạm xăng dầu được đặt sát cạnh bến cảng mang trọng trách cung cấp nguyên liệu cho tất cả các phương tiện. Ngoài ra còn có khu nhà ở chuyên gia; khu công viên cây xanh; khu công cộng; trạm cứu hỏa; trung tâm y tế…

Toàn bộ khu công nghiệp có quy mô lên đến 262 ha, dự kiến sẽ thu hút và tạo điều kiện việc làm cho 40.000 lao động địa phương.

Lâm Đồng: Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lo lắng vì tiền thuê đất tăng cao

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Lạt đã có văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các cơ quan ban ngành, địa phương, đề nghị xem xét lại cách tính tiền thuê đất hàng năm trong chu kỳ mới đối với các dự án.

Trong đó phải kể đến doanh nghiệp du lịch – dịch vụ – lữ hành lâu đời nhất tại Đà Lạt, đang quản lý các khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và hệ thống dịch vụ rộng khắp bao gồm: nhà hàng, khách sạn, biệt thự, hostel cùng các hoạt động khám phá ngoài trời.

Doanh nghiệp này cho biết, chỉ tính riêng một khách sạn có quy mô 42 phòng tại trung tâm TP Đà Lạt, nằm trong khu quy hoạch trung tâm Hòa Bình, có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào (chỉ cần thông báo trước 6 tháng) và không được bồi thường các chi phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp… nhưng tiền thuê đất cho chu kỳ 2020-2024, công ty đã phải nộp với số tiền gần 9 tỷ đồng/năm. Theo thông báo mới nhất của cơ quan thuế, tính đến ngày 27/3/2023, sau khi đã được miễn giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số tiền tiền thuê đất còn phải nộp là 18,6 tỷ đồng, cho 3 năm (2020-2022).

Theo đại diện doanh nghiệp, nếu tính đến hết thời hạn thuê khách sạn (hết năm 2024), số tiền công ty phải nộp cho chu kỳ (2020-2024) là hơn 10,2 tỷ đồng/năm. Trong đó tiền thuê tài sản là hơn 1,252 tỷ đồng/năm, tiền thuê đất là gần 9 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là số tiền thuê tài sản của chu kỳ sau tăng gấp 1,54 lần so với chu kỳ trước, còn số tiền thuê đất tăng gấp 10,5 lần.

Chưa kịp lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch, khó khăn lại bủa vây do tiền thuê đất tăng cao, doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và ngành chức năng xem xét lại đơn giá thuê đất, hoặc cho chấm dứt hợp đồng thuê khách sạn trước thời hạn, vì không thể cân đối nguồn tài chính để nộp tiền thuê đất cho chu kỳ 2020-2024.

Một “ông lớn” khác trong ngành du lịch, dịch vụ Lâm Đồng cũng “chóng mặt” khi nhận được văn bản của Cục Thuế tỉnh về việc xác định đơn giá thuê đất chu kỳ 2022-2027 tại một dự án, với số tiền thuê đất phát sinh của chu kỳ mới chênh lệch tăng cao đột biến so với chu kỳ trước.

Theo đó, chu kỳ 2017-2021, số tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp cho dự án này là hơn 14,6 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đến chu kỳ 2022-2027, Cục thuế Lâm Đồng dự kiến áp dụng đơn giá thuê đất mới với tổng số tiền thuê đất phải nộp là hơn 176 tỷ đồng/năm – tăng hơn 1.207% so với chu kỳ trước.

Vừa phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại Lâm Đồng lại lo lắng vì tiền thuê đất tăng cao. (Ảnh: Ngô Văn Lai)
Vừa phục hồi sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tại Lâm Đồng lại lo lắng vì tiền thuê đất tăng cao. Ảnh: Ngô Văn Lai

“Số tiền thuê đất phát sinh của chu kỳ mới chênh lệch tăng cao bất thường so với chu kỳ gần nhất là vô cùng bất cập. Số tiền thuê đất dự kiến hàng năm cao hơn nhiều lần so với doanh thu, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là không có khả năng chi trả vào ngân sách nhà nước, nhiều nguy cơ dẫn đến phá sản”, đại diện doanh nghiệp này lo lắng.

Theo các doanh nghiệp, trước khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh đã phải xây dựng phương án tài chính và yếu tố chi phí tiền thuê đất là một trong những yếu tố tài chính quan trọng trong phương án này. Việc tiền thuê đất hàng năm tăng đột biến, phá vỡ các phương án tài chính của doanh nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp du lịch – dịch vụ – lữ hành lâu đời nhất tại Đà Lạt, cho biết, đã và luôn nỗ lực hết mình để kinh doanh đạt kết quả cao nhất, phấn đấu nộp thuế cho địa phương với mức tốt nhất so với các đơn vị du lịch trên địa bàn, nên kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng và ngành chức năng xem xét lại đơn giá thuê đất theo tinh thần Nghị định 135/2016/NĐ-CP. Nếu không, buộc lòng phải đưa ra phương án trả xin lại khách sạn trước thời hạn vì không thể cân đối được nguồn tài chính vì tiền thuê đất quá cao so với cơ sở vật chất hiện tại.

Đại diện một doanh nghiệp khác cho hay, cơ sở pháp lý để Cục thuế tỉnh Lâm Đồng xác định đơn giá thuê đất là khoản 1, Điều 14, Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ, quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên, nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2016.

Tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 135 đã sửa đổi, bổ sung khoản 7, bổ sung khoản 8 vào Điều 15 của Nghị định 46. Theo đó, có thể hiểu, tính từ chu kỳ 2006-2011, 2011-2016, 2017-2021, 2022-2027 chỉ được thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với giá thuê đất của kỳ ổn định trước đó và áp dụng cho thời gian thuê đất còn lại của dự án.

“Để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án, duy trì hoạt động ổn định và có khả năng, phương án thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng quy định tại Nghị định 135 của Chính phủ, để xác định đơn giá đất phù hợp với tình hình thực tế của các dự án, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực và đầy đủ vào ngân sách địa phương”, đại diện doanh nghiệp đề nghị.

Được biết, trước ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiền thuê đất hàng năm tăng cao, mới đây, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Cục thuế… xem xét giải quyết và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4/2023.

Hà Nội yêu cầu chấm dứt việc cho thuê đất nông nghiệp, đất công trái quy định

UBND TP Hà Nội vừa có công văn về việc tập trung tổ chức thực hiện Chuyên đề 03 của UBND TP đối với nội dung "Công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng, đất sử dụng trái mục đích trên địa bàn thành phố".

Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của UBND TP đối với các vi phạm đã được Sở TN-MT kết luận tại các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, các địa phương chỉ đạo Thanh tra các quận, huyện, thị xã chủ trì công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc và UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện xử lý, khắc phục các vi phạm theo kết luận thanh tra…

Lập hồ sơ, sổ theo dõi kết quả xử lý, khắc phục các vi phạm, kiên quyết không để tái vi phạm tại các vị trí đất đã được xử lý, có kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định; xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo kết luận thanh tra, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới.

Kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan trong việc tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chuyên đề số 03 không đúng theo đề cương, trùng lặp số liệu đã báo cáo của kỳ trước, gây khó khăn cho công tác tổng hợp.

Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức tại địa bàn các phường, xã, thị trấn để phát sinh các vi phạm mới mà không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

UBND TP cũng yêu cầu, các địa phương siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về chuyển mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền liên quan đến việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công theo quy định.

Đặc biệt, chấm dứt tình trạng UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, thôn, xóm tại một số phường, xã, thị trấn quản lý và cho thuê đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích, đất công trái quy định của pháp luật.

Các Sở, ngành liên quan phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã xử lý các vi phạm còn tồn tại đã được kết luận thanh tra và tổng hợp nêu trên, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các vi phạm phát sinh, không để các vi phạm trở thành điểm nóng và kiến nghị UBND TP áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định…

Dự án khu đô thị du lịch và bến cảng Ao Tiên Vân Đồn tại Quảng Ninh sắp mở bán

Khu đô thị du lịch và bến cảng Ao Tiên Vân Đồn có vị trí tọa lạc tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có phía Nam giáp vịnh Bái Tử Long, phía Bắc giáp khu tái định cư xã Hạ Long, phía Đông giáp sân golf 18 lỗ của HD Mon, phía Tây giáp dự án Hải Đăng.

Khu đô thị du lịch và bến cảng Ao Tiên Vân Đồn có tổng diện tích quy hoạch khoảng 115 ha, được phân thành 12 phân khu chức năng khác nhau bao gồm:

Phân khu 1-2-3: Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ khách sạn hạng sang.

Phân khu 4: Tòa tháp cao 50 tầng Ao Tiên với chức năng làm khách sạn 5 sao.

Phân khu 5: Thương cảng cao cấp Vân Đồn.

Phân khu 6: Tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ khách sạn.

Phân khu 7: Khách sạn 5 sao.

Phân khu 8-9-10: Khu phức hợp.

Phân khu 11: Cao ốc văn phòng.

Phân khu 12: Biệt thự, liền kề ven kênh.

Dải đất giữa lòng hồ Đá Dựng, Thạch Thất, Hà Nội vốn là đất trồng cây đã được vòng vèo chuyển mục đích sử dụng rồi phân lô bán nền
Dải đất giữa lòng hồ Đá Dựng, Thạch Thất, Hà Nội vốn là đất trồng cây đã được vòng vèo chuyển mục đích sử dụng rồi phân lô bán nền. Ảnh: An ninh Thủ đô

Trong giai đoạn đầu tiên, dự án Ao Tiên Vân Đồn triển khai với các hạng mục dự án bao gồm: Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên Cát Linh và dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn.

Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có diện tích 2,6 ha. Tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 3.612 tỷ đồng.

Công trình có quy mô 5 tòa nhà có chiều cao từ 28 đến 33 tầng, với mục tiêu là khách sạn, căn hộ lưu trú và 1 tòa nhà hỗn hợp cao 4 tầng, bố trí các khu vui chơi giải trí, tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo, dịch vụ du lịch, thương mại…

Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn, tổng vốn đầu tư dự án 3.910 tỷ đồng, có diện tích 2,3 ha.

Công trình có quy mô 5 khối tháp có chiều cao từ 26 đến 34 tầng, gồm 2 khối khách sạn và 3 khối căn hộ lưu trú. Khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 334 phòng khách sạn và 1.546 căn hộ lưu trú.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn có diện tích gần 30 ha với 5,9 ha diện tích mặt đất và phần còn lại là mặt nước. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng.

Được thiết kế theo chủ đề không gian xanh sở hữu 5 cầu cảng. Trong đó, 2 cầu rộng 20 m, dài 150 m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Dự án có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu…

Phối cảnh Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân
Phối cảnh Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch và bến cảng Ao Tiên Vân Đồn là Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền, được thành lập ngày 08/08/2000, tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do ông Tạ Đức Quyết làm Giám đốc.

Được biết năm 2017, vốn điều lệ của Công ty Mai Quyền là 250 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên 650 tỷ đồng vào tháng 3/2018. Tháng 4/2019, vốn điều lệ của Công ty Mai Quyền tăng lên 1.100 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu được biết dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn do Công ty Cổ phần Everland Vân Đồn làm chủ đầu tư và dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền và Công ty Cổ phần Cát Linh Vân Đồn làm chủ đầu tư.

Ngày 23/04/2019, Everland & Mai Quyền động thổ dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn.

Ngày 30/04/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn phối hợp với UBND huyện Vân Đồn cùng các nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công 4 dự án trọng điểm tại khu kinh tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỉ đồng. Trong đó có 2 dự án thuộc Khu đô thị Ao Tiên Vân Đồn là Tổ hợp Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và Tổ hợp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn.

Ngày 01/03/2023, Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn chính thức đi vào hoạt động.