TP HCM có chủ trương bán đấu giá gần 5.000 căn hộ, nền đất

Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo việc thực hiện Chỉ thị số 24/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đây là văn bản có nội dung về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước có 7.921 căn và 9.683 hộ do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện và Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý, giữ hộ.

Tháng 8/2022, UBND TP HCM quyết định chuyển giao quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố (trừ Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố) về Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý vận hành. Đến nay đã tiếp nhận 7.856/8.125 hộ.

Về nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng được UBND TP HCM giao tiếp nhận quản lý 9.890 căn hộ và 2.230 nền đất.

Đơn vị này đã tiếp nhận 7.584/9.890 căn hộ, 2.023 căn hộ chưa tiếp nhận, còn lại 283 căn hộ không tiếp nhận do UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đã bố trí cho hộ dân được tái định cư; tiếp nhận 777/2.230 nền đất, 1.298 nền chưa tiếp nhận, còn lại 155 nền đất không tiếp nhận do các địa phương sử dụng bố trí cho hộ dân tái định cư.

TP HCM có chủ trương bán đấu giá gần 5.000 căn hộ, nền đất
TP HCM có chủ trương bán đấu giá gần 5.000 căn hộ, nền đất. Ảnh minh họa: Tạp chí Xây dựng

Thành phố có 721 căn nhà ở xã hội tại 7 chung cư; 69 căn hộ là nhà ở công vụ. Ngoài ra, Trung tâm Quản lý và giám định xây dựng đang tiếp nhận và quản lý, giữ hộ 36 cơ sở nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở (thuộc diện quản lý theo nghị định 167/2017 và nghị định 67/2021).

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM có ý kiến với Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản với nội dung bổ sung quy định về hình thức đấu giá cho thuê tài sản; đồng thời, nhanh chóng ban hành nghị định quy định việc quản lý, khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP HCM xem xét ban hành quy chế quản lý, khai thác quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng tiếp nhận, quản lý.

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo về việc quản lý, khai thác tạm thời đối với nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng cho thuê. Trong đó hướng dẫn xác định giá cho thuê quỹ nhà, đất này và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê.

Hiện TP HCM đã có chủ trương bán đấu giá 4.927 căn hộ và 40 nền đất.

Quảng Bình thanh tra toàn diện việc cấp sổ đỏ

Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã phát hiện 4.082 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đã bị giữ lại nhiều năm tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy. Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này (bao gồm cả đất ở và đất lúa) được cấp đổi theo dự án xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu địa chính, hoàn thiện vào năm 2013 và 2014. Thế nhưng sau 10 năm, hàng nghìn hộ dân của 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một người dân ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua nghe thông báo của UBND thị trấn, gia đình mới biết và đến Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy để nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo người dân này, năm 2014, gia đình được cấp sổ nhưng họ giữ lại cho đến tận gần đây mới có thông báo sang nhận sổ.

Ông Nguyễn Như Tha, nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc hơn 4.000 "sổ đỏ" của người dân được giữ gần 10 năm tại đơn vị này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nhân sự của đơn vị không đủ người để đi phát cho người dân, công tác phối hợp giữa Chi nhánh và các địa phương chưa chặt chẽ. Ông Tha đổ lỗi việc chưa phát “sổ đỏ” cho người dân vì người dân chưa đến nhận.

Sau khi có kết luận Thanh tra, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy đã giao số “sổ đỏ” tồn đọng này đến tay người dân. Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi rằng: Nếu như Thanh tra không phát hiện sự việc này thì đến khi nào người dân mới nhận được “sổ đỏ” và hàng ngàn “sổ đỏ” này sẽ còn “ngâm” ở Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy cho đến bao giờ bà con mới nhận được.

Quảng Bình thanh tra toàn diện việc cấp sổ đỏ. Ảnh minh họa
Quảng Bình thanh tra toàn diện việc cấp sổ đỏ. Ảnh minh họa

Ông Trần Công Thoán, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy khẳng định, vừa qua, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã trao đổi với thị trấn thông báo các hộ gia đình chưa nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đến các địa điểm của tổ dân phố để nhận. Nội dung này cũng được thông báo đến từng đối tượng vừa làm giấy chứng nahanj mà chưa nhận được.

Thanh tra tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc giữ lại "sổ đỏ" của dân trong thời gian dài của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy là vi phạm quy định của Luật Đất đai và gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trước những sai phạm này, Thanh tra tỉnh Quảng Bình đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy và các viên chức liên quan; đồng thời buộc thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Ông Lê Công Hữu, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình cho biết, Đoàn Thanh tra do Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng - tiêu cực tỉnh Quảng Bình chỉ đạo trong việc thanh tra hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung này dự tính sẽ hoàn thành trong tháng 9 năm nay, đến nay đang triển khai tại các địa phương, tuy nhiên có nhiều vấn đề trong quá trình thanh tra, đoàn Thanh tra sẽ báo cáo đến Ban Chỉ đạo.

Công bố mở luồng đường thủy nội địa kênh đào hơn 100 triệu USD tại Nam Định

Chiều 25/7, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết tỉnh đã nhận được văn bản quyết định số 888/QĐ-BGTVT do Bộ GTVT ban hành cùng ngày, về việc “công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng”.

Theo quyết định, từ hôm nay, 25/7/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia Kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ).

Theo đó, luồng đường thủy nội địa có chiều dài 1,18 km; điểm khởi đầu là km8+300 sông Ninh Cơ, thuộc địa bàn xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (tọa độ X = 2226658.9457, Y = 518920.6983). Điểm kết thúc là km 35+450 sông Đáy, thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (tọa độ X = 2227931.7696, Y = 517453.3155). Cấp kỹ thuật của luồng là cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng đáy 90 m, cao trình đáy - 6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100 m, cao trình đáy - 6,7m); chiều cao tĩnh không thông thuyền là 15m.

Về công trình Âu tàu Nghĩa Hưng, theo quyết định Âu tàu dài 179m; rộng 17m; chiều cao 10,5m; chiều dài hữu dụng 160m; cao trình đáy âu -7.0m; cao trình đỉnh âu +10.5m; kết cấu bê tông cốt thép, tường đứng hình chữ U (BTCT). Hệ thống neo âu tàu là hệ thống neo cố định ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo. Khu chờ tàu gồm 2 khu, trong đó đầu Âu tàu phía sông Ninh Cơ có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành; đầu Âu tàu phía Sông Đáy có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành.

“Trọng tải phương tiện được phép đi qua âu: đến 3.000 DWT”, quyết định nêu.

Trong quyết định, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa Kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng theo quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐCP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật có liên quan.

Các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa khác tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền đối với hoạt động giao thông thủy nội địa, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định.

Cụm công trình Kênh đào trong quá trình thi công. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Cụm công trình Kênh đào trong quá trình thi công. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Bộ trưởng Bộ GTVT giao Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

Được biết, trước khi có quyết định công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia trên, cuối tháng trước, ở thời điểm cụm công trình sắp hoàn thiện xây dựng (sau gần 3 năm xây dựng), giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định đã có các văn bản trao đổi về việc đặt tên công trình, đi đến thống nhất đặt tên công trình Kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là “Kênh Nghĩa Hưng”; đặt tên Âu tàu trên kênh là “Âu tàu Nghĩa Hưng (tên huyện nơi cụm công trình được xây dựng - PV), với mục tiêu gắn với vị trí địa lý và công năng khai thác sử dụng của công trình.

Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ, thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) được động thổ ngày 19/11/2020, có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.

Dự án WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố. Đây là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng thế giới 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30 triệu USD; đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016. Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sau đó đã ký hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối sông Đáy - sông Ninh Cơ.

Sắp ra mắt dự án căn hộ và biệt thự The Núi tại Vũng Tàu

The Núi có vị trí nằm tại đường Phan Chu Trinh, phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án các tuyến đường Thùy Vân – Hạ long nối liền từ Bãi Trước – Bãi Sau chỉ khoảng 700 m, thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển dịch vụ du lịch trong vùng.

Dự án The Núi có tổng quy mô 13.825 m2, được thiết kế xây dựng với mô hình căn hộ và biệt thự. Dự án cung cấp ra thị trường 1 tòa tháp căn hộ cao 17 tầng với 40 căn hộ khách sạn và 28 căn biệt thự.

Trong đó, biệt thự được chia thành các loại bao gồm:

- Biệt thự A: Sở hữu 2 căn, có diện tích 496 m2 với 4 phòng ngủ.

- Biệt thự A1: Sở hữu 1 căn, có diện tích 510 m2 với 4 phòng ngủ.

- Biệt thự A2: Sở hữu 7 căn, có diện tích 510 m2 với 3 phòng ngủ.

- Biệt thự B: Sở hữu 11 căn, có diện tích 477 m2 với 4 phòng ngủ.

- Biệt thự B1: Sở hữu 4 căn, có diện tích 464 m2 với 3 phòng ngủ.

- Biệt thự B2: Sở hữu 3 căn, có diện tích 434 m2 với 4 phòng ngủ.

Dự án The Núi
Phối cảnh Dự án The Núi.

Từ dự án The Núi thuận tiện liên kết đến các khu du lịch trong vùng như: Cách khu vực chụp ảnh Đồi Con Heo 750 m, cách bãi sau 1,2 km, cách công viên Tao Phùng 1,4 km, cách tượng đài Chúa Kitô 1,6 km, cách bãi trước 1,9 km, cách chợ đêm Vũng Tàu 2,5 km, cách ngọn hải đăng 4,6 km…

Chủ đầu tư dự án The Núi Vũng Tàu là Công ty Cổ Phần Trùng Dương – Thái Sơn (thuộc TDG Group), được công bố hoạt động ngày 07/05/2009, đặt trụ sở tại số 188, Phan Chu Trinh, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo tìm hiểu được biết dự án The Núi trước đây có tên gọi là The Regal Vũng Tàu và tên pháp lý là Khu biệt thự sinh thái Trùng Dương – Thái Sơn. Được biết, lô đất triển khai dự án này do Công ty Trùng Dương - Thái Sơn trúng đấu giá từ năm 2008.

Dự án Khu biệt thự sinh thái Trùng Dương – Thái Sơn được UBND thành phố Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại quyết định số 2250/QĐ-UBND ngày 19/5/2011. Theo quy hoạch chi tiết 1/500 dự án gồm 4 khu đất của cá nhân gộp lại.

- Khu đất số 1 có diện tích 13.810 m2 do ông Bùi Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Trùng Dương - Thái Sơn trúng đấu giá năm 2008 với số tiền 25 tỉ đồng.

- Khu đất số 2 có diện tích 397 m2 cũng do ông Bùi Ngọc Tuấn đứng tên. Sau đó, ông Tuấn góp vốn vào Công ty cổ phần Trùng Dương - Thái Sơn bằng quyền sử dụng đất tại cả khu đất số 1 và số 2.

- Khu đất số 3 có diện tích khoảng 945 m2, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 480757, là đất của bà Đào Thị Bạch góp vốn vào Công ty cổ phần Trùng Dương - Thái Sơn.

- Khu đất số 4 có diện tích khoảng 481,6 m2. Đây là khu đất được giao khoán cho hộ bà Lê Thị Mỹ Chi bảo vệ trồng rừng, gây trồng rừng phòng hộ theo chương trình 327. Khu đất này do UBND TP.Vũng Tàu quản lý từ tháng 7/1998.

Sau đó, năm 2012 chủ đầu tư tiến hành xây dựng dự án.

Tuy nhiên, việc thi công phải tạm ngừng vì bị người dân khiếu nại lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyên nhân, theo một số người dân trong khu vực, là do việc triển khai Dự án Khu biệt thự sinh thái Trùng Dương - Thái Sơn ở khu vực Núi Nhỏ sẽ làm hủy hoại cảnh đẹp thiên nhiên ở khu vực này khi hàng loạt cây xanh bị phá bỏ, những khối đá lớn được khai thác.

Đến thời điểm hiện tại, dự án được triển khai với tên gọi The Núi và sớm được ra mắt thị trường trong thời gian tới.