Cam Lâm dừng thực hiện đăng ký biến động đất đai 2.385 thửa đất

Ngày 23/11, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết đã ban hành văn bản về việc giải quyết các vấn đề liên quan 114 khu đất có sai phạm trong kết luận mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành.

Đây là động thái mới nhằm thực hiện các nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Cam Lâm.

Trong văn bản mới ban hành, UBND huyện Cam Lâm yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh Cam Lâm tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất trên địa bàn. Các thửa đất này thuộc 114 khu vực đã có chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa về việc khắc phục hậu quả.

UBND huyện Cam Lâm yêu cầu Phòng kinh tế và hạ tầng, Tài nguyên Môi trường và UBND các xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát, Suối Tân, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Đông và thị trấn Cam Đức tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc 114 khu vực nói trên.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa kết luận từ 1/1/2018 đến 30/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm 2 nhiệm kỳ (2015-2020 và 2020-2025) đã vi phạm quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền; không nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; vi phạm quy định pháp luật về đất đai khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng hơn 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57 ha.

Cam Lâm tạm dừng chuyển nhượng 2.385 thửa đất vi phạm quy định về phân lô tách thửa. Ảnh Thu Cúc
Cam Lâm tạm dừng chuyển nhượng 2.385 thửa đất vi phạm quy định về phân lô tách thửa. Ảnh: Lao Động

Theo UBKT Khánh Hòa, những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện Cam Lâm; ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Hồi tháng 8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa quyết định kỷ luật bằng cảnh cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm 2 nhiệm kỳ trên.

Hôm 24/10, Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Hữu Hảo (Tỉnh ủy viên, Ủy viên Đảng đoàn, Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, cựu Bí thư Huyện ủy, cựu Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm) và ông Lương Dự (cựu Tỉnh ủy viên, cựu Bí thư Huyện ủy, cựu Chủ tịch HĐND huyện Cam Lâm).

Theo Ban Bí thư, hai cán bộ này đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Hai cán bộ này còn vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và sự phát triển của địa phương, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Long An chỉ đạo 'khẩn' liên quan đến thị trường bất động sản

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường công bố công khai thông tin kịp thời về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, không để xảy ra tình trạng giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đất đai, dự án bất động sản, xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên phạm vi toàn tỉnh.

Song song đó là tăng cường công tác xác định giá đất, bảo đảm giá đất thực hiện nghĩa vụ tài chính và bồi thường phù hợp tình hình giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, không để xảy ra tình trạng chạy theo sốt đất cục bộ.

Trong khi đó, Sở Xây dựng đề ra giải pháp nhằm minh bạch hóa hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải tuân thủ các điều kiện theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Thực hiện các chính sách, giải pháp điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Sở Xây dựng còn được giao kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh, kiểm soát có hiệu quả các hoạt động môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm hoạt động này tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định của pháp luật.

Trong đó, Sở Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, bảng giá đất tỉnh, thực hiện công tác thẩm định hồ sơ xây dựng giá đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá tài sản, nhất là tài sản công đảm bảo tuân thủ nguyên tắc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường việc quản lý giá đất trên địa bàn, đảm bảo giá đất cụ thể khi được xác định và phê duyệt phản ánh đúng tình hình giá đất tại địa phương, làm thông tin cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh bảng giá đất; khảo sát ngăn chặn việc đẩy giá đất lên cao bất hợp lý. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đồng thời tổ chức công bố, công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch về xây dựng đến tận địa bàn xóm, ấp, khu dân cư và thông tin cụ thể chính sách về đất đai, xây dựng để cộng đồng dân cư nắm bắt, hiểu và thực hiện, nhằm tránh bị lợi dụng, trục lợi. Giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng nhu cầu, không để xảy ra tình trạng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không có nhu cầu thực.

Xây dựng quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công

Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo nghị định trình Chính phủ về quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý. Nghị định này ra đời sẽ thiết lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tài sản công, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bộ Tài chính cho biết, sự hình thành quỹ nhà chuyên dùng được bắt nguồn từ việc tiếp quản các quỹ nhà sau năm 1954 và 1975, được xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý để cho thuê.

Một phần nhà, đất được hình thành sau này do tiếp nhận quỹ nhà, đất dôi dư khi Nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất hoặc tiếp nhận từ các chủ đầu tư để bố trí cho các đơn vị của tỉnh, thành phố sử dụng, cho các tổ chức, cá nhân thuê làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Vì thế đến nay, khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên cả nước rất lớn, 31/63 địa phương có quỹ nhà, đất giao cho các tổ chức khác nhau quản lý (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước) để khai thác, cho thuê hoặc tạm quản lý với 87.664 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 23.706.619 m2, tổng diện tích sàn là 5.237.139,6 m2.

Nhiều năm qua, dù pháp luật chuyên ngành đã có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.

Bên cạnh đó, quỹ nhà, đất công qua nhiều năm, nhiều cấp, nhiều ngành quản lý sử dụng, hồ sơ nhà đất bị thất lạc hoặc không đầy đủ, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài cũng khiến các địa phương lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất công.

Hệ quả của những bất cập đó dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý đã chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch. Số lượng cơ sở sử dụng không đúng mục đích cũng khá lớn như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, song các đơn vị quản lý tài sản vẫn đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng, hoặc đưa ra các phương án để đối phó nhằm giữ lại mặt bằng cho đơn vị, khiến việc rà soát xử lý, sắp xếp mất nhiều thời gian.

Có một số đơn vị cũng chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp đã được Bộ Tài chính và địa phương phê duyệt nên còn cho thuê, liên doanh liên kết, để trống hoặc chưa di dời xong hộ dân ở trong khuôn viên trụ sở làm việc v.v…

Xây dựng quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công. Ảnh minh họa
Xây dựng quy định quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất công. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo nghị định lần này quy định cụ thể đối tượng áp dụng là UBND cấp tỉnh, cơ quan giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Trong đó, để bảo đảm quỹ nhà, đất được quản lý chặt chẽ, bảo đảm tính chất “công”, dự thảo quy định tổ chức được giao quản lý, khai thác quỹ nhà, đất này phải là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp hiện có do UBND cấp tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ. Không thành lập mới tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà. Việc giao tài sản được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản, không ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau khi nghị định được ban hành, các địa phương phải nắm được tổng thể quỹ nhà, đất làm cơ sở quyết định tiếp tục giữ lại để quản lý, khai thác, cho thuê hay dự trữ phục vụ các nhu cầu của địa phương; hoặc xử lý bán, chuyển nhượng để thu tiền cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo cũng quy định các nguyên tắc về quỹ nhà, đất do UBND cấp tỉnh giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý; xác định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương. Các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại nghị định này và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.

Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định tại nghị định, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản. Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê nhà, đất đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà, đất khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn tại tỉnh Hà Nam

Dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn (Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn) có vị trí tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn có phía Bắc giáp đường ven mương, phía Nam giáp đất nông nghiệp, phía Đông giáp đất nông nghiệp và đường hiện trạng, phía Tây giáp đường và khu dân cư hiện trạng.

Dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn có tổng diện tích 49.000 m2, diện tích đất ở 43.634,0 m2 xây dựng cao 4 tầng; khu đất nhà ở liền kề có diện tích 8.729,0 m2; đất hạ tầng kỹ thuật 5.418,0 m2; diện tích sàn 50.000 m2.

Nhà chung cư và nhà ở xã hội HUD Đồng Văn có diện tích 34.905,0 m2 xây dựng gồm 4 khối nhà, cao 9 tầng; dự án có tổng số 564 căn hộ, diện tích đa dạng từ 36,2 m2 - 68,9 m2; quy mô dân số khoảng 1.541 người (khu chung cư và nhà ở xã hội 1.233 người, khu nhà ở liền kề: 308 người).

Phối cảnh Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn.
Phối cảnh Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn.

Tiện ích khu Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn được thiết kế với hệ thống sân vườn, bể bơi, bãi đỗ xe, khu sân chơi, tiểu cảnh, thể dục thể thao, khu trường mầm non…

Dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, công ty có trụ sở chính tại Toà nhà HUD Tower, số 37, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) thành lập ngày 25/06/2010 do ông Nguyễn Thành Nam làm người đại diện pháp luật, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư phát triển và kinh doanh nhà ở, bất động sản, các khu dân cư, khu đô thị; đầu tư phát triển và thi công xây lắp, tổng thầu xây lắp khu kinh tế, khu công nghiệp, sản xuất và kinh doanh điện thương phẩm.

Các sản phẩm căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội HUD Đồng Văn có giá bán dự kiến từ 380 triệu đồng/căn.