Lâm Đồng bán đấu giá nhiều 'đất vàng' để làm 2 dự án cao tốc

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn phúc đáp Sở Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị rà soát, báo cáo phương án dự kiến tạo nguồn thu ngân sách địa phương để thực hiện các dự án xây dựng 2 tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương, giai đoạn 2021-2025.

Theo Sở Tài chính, nguồn thu thực hiện 2 dự án cao tốc chủ yếu từ bán đấu giá các quỹ đất với tổng số tiền hơn 3.100 tỷ đồng và tăng thu ngân sách địa phương cấp tỉnh năm 2022 với gần 170 tỷ đồng.

Dự kiến tỉnh Lâm Đồng sẽ bán đấu giá các quỹ đất, gồm lô A2, A3 quảng trường Lâm Viên (diện tích 7.036 m2) dự kiến thu 342 tỷ đồng; khu A, B công viên Trần Quốc Toản (26.700 m2) khoảng 1.550 tỷ đồng; phân khu 150 ha hồ Tuyền Lâm (đất thương mại dịch vụ thời hạn sử dụng 50 năm) 983 tỷ đồng và khu đất số 7 Phù Đổng Thiên Vương 70,8 tỷ đồng.

Lâm Đồng dự kiến bán đấu giá lô A2, A3 quảng trường Lâm Viên (diện tích 7.036 m2) để tạo nguồn thu thực hiện 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Ảnh: Người Lao động
Lâm Đồng dự kiến bán đấu giá lô A2, A3 quảng trường Lâm Viên (diện tích 7.036 m2) để tạo nguồn thu thực hiện 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Ảnh: Người Lao động

Hiện, các khu đất, dự án nêu trên đang được TP Đà Lạt và Ban quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm lập phương án gửi Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quyết định đấu giá.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên Môi trường Lâm Đồng đang thuê đơn vị thẩm định giá để xác định giá giao đất tại dự án khu dân cư số 5, trình phê duyệt theo. Khi hoàn thành, dự kiến số tiền thu về gần 165 tỷ đồng.

Không được sử dụng đất vào mục đích tôn giáo tại Samten Hills Dalat

Ngày 16/4, liên hệ Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat (dự án Samten Hills Dalat ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), phóng viên Người Lao động được biết khu tham quan này đang bán vé phục vụ người dân với mức 180.000 đồng/vé (với trẻ em cao dưới 1,4 m, người lớn trên 65 tuổi) và 250.000 đồng/vé (đối với người lớn). Thời gian tham quan từ 6-16 giờ hằng ngày.

Riêng việc lưu trú tại Samten Hills Dalat với phòng nghỉ và cắm trại qua đêm đang tạm ngưng. "Về phòng lưu trú, còn một số hạng mục chưa hoàn hiện nên chưa nhận khách" - nhân viên trực số điện thoại tổng đài của Samten Hills cho biết.

Cuối tháng 3/2023, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng và việc quản lý sử dụng đất tại dự án Samten Hills Dalat do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát (Công ty Kim Phát) làm chủ đầu tư. Sau này, Công ty Kim Phát đã tách ra một công ty con là Công ty Kim Phát Samten Hill để tiếp nhận, quản lý Samten Hill Dalat.

Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat vừa được khánh thành ngày 7-3.
Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat vừa được khánh thành ngày 7/3. Ảnh: Người Lao động

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường, Công ty Kim Phát được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định 1966/QĐ-UBND ngày 30/6/2006 với diện tích hơn 220 ha đến thời hạn 2056, được điều chỉnh chuyển mục đích sử dụng hơn 151.000 m2 đất vào tháng 1/2022.

Đến tháng 11-2022, công ty được UBND tỉnh gia hạn thời gian 24 tháng đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ đầu tư với dự án.

Trên cơ sở buổi kiểm tra, rà soát tại dự án của Công ty Kim Phát ngày 11/4/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị chủ đầu tư thực hiện đúng dự án đã được duyệt, đúng với hồ sơ đất đai. Trong đó, không được phép sử dụng đất vào mục đích tôn giáo.

Đối với mục tiêu "nghỉ dưỡng", sở đề nghị Công ty Kim Phát thực hiện đúng theo văn bản của UBND tỉnh về việc thu hồi mục tiêu "nghỉ dưỡng" đối với các dự án đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Kim Phát.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2023, Công ty Kim Phát có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét không thu hồi mục tiêu "lưu trú" thuộc dự án Samten Hills Dalat.

Theo Kết luận thanh tra ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ, dự án của Công ty Kim Phát tại huyện Đơn Dương phải rà soát, kiểm tra lại tiến độ, năng lực của chủ đầu tư; có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Đầu tháng 3/2023, Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat đã tổ chức khánh thành Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương.

Sau đó, đại diện Liên hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam đã trao Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh cho Không gian Phật giáo Kim Cương thừa tại Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

Trong Samten Hill Dalat có bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek lớn nhất thế giới, được chế tác bằng đồng, bên ngoài dát vàng 24k, cao 32 m và nặng 200 tấn.

Cuối tháng 3/2023, theo Bộ Nội vụ, thời gian qua dư luận xã hội có phản ánh Công ty Kim Phát xây dựng công trình tôn giáo và hoạt động tôn giáo tại Samten Hills Dalat. Do đó, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tổ chức làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng vào giữ tháng 4/2023 để làm rõ dư luận phản ánh và báo cáo Thủ tướng.

Yêu cầu địa phương làm việc với từng dự án bất động sản để gỡ vướng mắc

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 133 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất…

Trong trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn giá đất thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các chuyên gia tư vấn giá đất thực hiện việc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

"Chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ các nguyên nhân kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân các vướng mắc gửi về Tổ công tác trước 25/4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng" thông báo nêu rõ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu địa phương chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để kịp thời tháo gỡ ngay.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu địa phương chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để kịp thời tháo gỡ ngay. Ảnh minh họa: VTCnews

Thông báo kết luận nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận…địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33; đồng thời làm cơ sở để các địa phương xác định, công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Đề xuất Quảng Nam bỏ định hướng sân bay Chu Lai thay thế sân bay Đà Nẵng

Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng đã có văn bản góp ý với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến 2050; theo đó, đề nghị tỉnh Quảng Nam bỏ nội dung định hướng quy hoạch sân bay Chu Lai của tỉnh này thay thế sân bay quốc tế Đà Nẵng...

Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam chủ động cập nhật Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Chu Lai (tọa lạc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách TP. Đà Nẵng khoảng 100 km) được quy hoạch, đầu tư để từng bước đáp ứng vai trò định hướng của cảng nói riêng và nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung nói chung.

Giai đoạn đến năm 2030, sân bay Chu Lai sẽ đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm. Trong đó có nội dung “Định hướng cảng hàng không quốc tế Chu Lai trong tương lai sẽ dần thay thế cho cảng hàng không Đà Nẵng…”

Trong công văn góp ý với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký, Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng đã đề nghị tỉnh Quảng Nam chủ động cập nhật Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quy hoạch tổng thể nói trên, cả sân bay Đà Nẵng và Chu Lai đến năm 2050 đều đề xuất đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm, không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của hai cảng hàng không của hai địa phương.

Ga quốc tế sân bay Đà Nẵng chính thức trở thành nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được tổ chức SkyTrax xếp hạng 4 sao, vào ngày 22/3/2023.
Ga quốc tế sân bay Đà Nẵng chính thức trở thành nhà ga đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được tổ chức SkyTrax xếp hạng 4 sao, vào ngày 22/3/2023. Ảnh: Vneconomy.vn

Ngoài góp ý về sân bay, Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam rà soát, điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, đoạn qua địa phận Đà Nẵng trùng với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi theo nội dung đã thống nhất về hợp tác, phát triển giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

Phản hồi góp ý của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, cụm từ “định hướng Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai… trong tương lai sẽ dần thay thế cho Cảng Hàng không Đà Nẵng” chỉ là nhận định một chiều từ đơn vị tư vấn, được nêu trong thuyết minh tổng hợp, dài 900 trang mà Sở này chưa rà soát hết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định đã kiểm tra rất kỹ trước khi gửi lấy ý kiến và hoàn toàn không có cụm từ nói trên. Dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 còn phải tiếp thu, rà soát và chỉnh sửa nhiều lần trước khi trình Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, sau đó tiếp tục hoàn chỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ rất lưu ý đến các góp ý của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng. Đồng thời, lãnh đạo Quảng Nam cũng nhấn mạnh sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và các địa phương liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch trước khi trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được nâng cấp, mở rộng để đến năm 2030 đạt công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Và đến năm 2050 có công suất đạt 30 triệu hành khách/năm và 200.000 – 300.000 tấn hàng hóa/năm.

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 quy hoạch sân bay Chu Lai từng bước đáp ứng vai trò định hướng của cảng nói riêng và nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung nói chung. Giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, và tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.