Chính thức dừng thực hiện chủ trương thành lập Đại học FLC ở tỉnh Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký văn bản dừng thực hiện chủ trương thành lập Đại học FLC ở tỉnh Quảng Ninh trong ngày 30/5.

Văn bản nêu rõ, căn cứ Nghị định số 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 135 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46; theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc hủy bỏ văn bản phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLC, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dừng thực hiện chủ trương thành lập Trường Đại học FLC.

Trước đó, Trường Đại học FLC được phê duyệt chủ trương thành lập vào ngày 3/6/2019.

Với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trường được xây dựng tại Khu đô thị Đại học FLC Quảng Ninh tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, TP. Hạ Long.

Phối cảnh Trường ĐH FLC
Phối cảnh Trường Đại học FLC.

Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN); xếp hạng AACSB đối với các chương trình quản trị kinh doanh trong thời gian ngắn nhất, giúp học viên được học tập trong môi trường giáo dục bài bản, đẳng cấp quốc tế ngay tại Hạ Long mà không cần đi du học nước ngoài.

Dự kiến trường này tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với ba chuyên ngành mũi nhọn là nghệ cao, du lịch và hàng không.

Thời điểm tổ chức khởi công dự án, Tập đoàn FLC quảng bá sẽ đào tạo các chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không. Trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên, tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035.

Tuy nhiên, trái ngược với việc tổ chức lễ khởi công rầm rộ vào tháng 8.2019, sau đó dự án này "án binh bất động" cho đến nay.

TP HCM lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư

Ngày 31/5, UBND TP HCM ban hành quyết định về việc kiện toàn Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố (gọi tắt Tổ Công tác).

Theo đó, Tổ Công tác được kiện toàn gồm 14 thành viên, do Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực; Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai làm Tổ phó.

Tổ Công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do các sở, ban ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Đồng thời, rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Cùng với đó, rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Quyết định được ban hành để thay thế Quyết định 1995 năm 2020 của UBND TP HCM về việc thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố.

Công an Đồng Nai khởi tố vụ án khu dân cư Tân Thịnh

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh có diện tích hơn 18 ha được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm vào năm 2016, được quy hoạch với mục đích đất ở dự án thời kỳ 2011-2020 và chuyển tiếp đến năm 2030.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự số 110/QĐ-CSKT-Đ4 về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để tiến hành điều tra, làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Tân Thịnh thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, do Công ty cổ phần đầu tư LDG làm chủ đầu tư.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, cá thể hóa hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Kết luận Thanh tra số 01/KT-UBND (ngày 23/3/2023) về việc thanh tra toàn diện dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Theo kết luận thanh tra, ngày 22/11/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Diện tích đất của dự án có nguồn gốc từ 402 thửa đất của Nông trường cao su An Viễng và các hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, có 339 thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 26 hộ gia đình, cá nhân và công ty LDG với diện tích hơn 15 ha.

Công ty LDG đã sử dụng các thửa đất thông qua các hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ủy quyền sử dụng đất và mua bán đất bằng giấy viết tay không đúng quy định của pháp luật.

Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đến nay, công ty LDG không thực hiện báo cáo tình hình triển khai dự án theo quy định, chưa thực hiện thủ tục trình Sở Xây dựng Đồng Nai cấp giấy phép xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm y tế, khu thương mại dịch vụ và giáo dục. Riêng công trình nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư không cung cấp được giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng và chưa có thông báo thời điểm khởi công xây dựng, kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định.

Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện việc rà soát, thống kê diện tích đất trồng lúa trong ranh dự án là 12,7 ha đất trồng lúa, không khớp với số liệu phía LDG cung cấp (6,34 ha). Việc này, dẫn đến không báo cáo kịp thời cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận chuyển mục đích đất trồng lúa.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2021), công ty LDG chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Thế nhưng, từ năm 2018-2020, công ty LDG đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó có 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong; 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở. Ngoài ra, đã thi công hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải, công viên cây xanh.

Trong khi dự án chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, công ty LDG đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Trong số này, đã thanh toán cho công ty từ 25-95% giá trị hợp đồng, có 7 hộ chuyển đến sinh sống.

Dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh:
Dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Vneconomy

Liên quan đến dự án, phía công ty LDG cho hay, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính về giấy phép xây dựng, đất đai và doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt hành chính với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của 13 tổ chức, hơn 20 cá nhân liên quan đến sai phạm của dự án và kiến nghị hình thức xử lý.

Theo đó, quá trình xử lý của cơ quan chức năng, UBND xã Đồi 61 tiến hành kiểm tra, phát hiện công ty LDG tổ chức thi công xây dựng công trình, nhưng không lập biên bản vi phạm hành chính...

Ngày 28/5/2018, UBND xã Đồi 61 có báo cáo gửi UBND huyện Trảng Bom, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, các cơ quan này không tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý…

Ngày 05/6/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bom kiểm tra, lập biên bản hiện trạng địa điểm lập dự án. Tuy nhiên, biên bản ghi nhận đã bị sửa cụm từ “chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng” thành “chủ đầu tư đã phát quang mặt bằng”. Điều này, khi góp ý quyết định chủ trương đầu tư dự án, thể hiện chủ đầu tư đang phát quang mặt bằng. Như vậy, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai và UBND huyện Trảng Bom ghi nhận hiện trạng là không đúng với thực tế kiểm tra trước đó của UBND xã Đồi 61.

Ngày 09/7/2019, Chánh thanh tra Sở Xây dựng Đồng Nai có Kế hoạch số 70/KH-TTr về việc tăng cường kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa. Thời gian dự kiến tiến hành kế hoạch kiểm tra thực hiện trong năm 2019, tuy nhiên Thanh tra Sở Xây dựng mới chỉ tiến hành kiểm tra tại huyện Nhơn Trạch.

Kết luận thanh tra cũng xác định, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai xác nhận trên trang 4 của 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với nội dung “chuyển nhượng cho công ty cổ phần Đầu tư LDG” diện tích 16.094 m2, trong đó có 12.889 m2 đất trồng lúa khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dự án là không đúng theo quy định tại Khoản 1, Điều 193, Luật Đất đai năm 2013.

Hành vi này có dấu hiệu tội phạm theo quy định Điều 174, Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công đường Vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai

Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai vẫn đang cố gắng hoàn thiện thủ tục, đấu thầu và giải phóng mặt bằng để sớm khởi công dự án theo kế hoạch chung.

Đường Vành đai 3 - TP HCM có tổng chiều dài hơn 76 km, đi qua địa bàn 4 địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài hơn 11 km.

Các tỉnh có dự án đi qua đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để khởi công dự án trong tháng 6/2023.

Tại Đồng Nai, đầu tháng 4/2023, cơ quan chức năng của tỉnh mới bàn giao tim, mốc, hồ sơ ranh giới thu hồi đất cho huyện. Vì vậy, tiến độ chung công tác giải phóng mặt bằng cũng bị chậm so với kế hoạch. Hiện đang tiến hành công tác kiểm đếm hiện trạng sử dụng đất.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được chậm phê duyệt cũng là nguyên nhân khiến cho dự án có nguy cơ khởi công chậm hơn so với kế hoạch.

Sơ đồ tuyến Vành đai 3 - TP HCM.
Sơ đồ tuyến Vành đai 3 - TP HCM.

Trong khi đó, Ban chỉ huy dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án vành đai 3 TP HCM cho biết các địa phương đã bàn giao hơn 72% mặt bằng.

Còn tại địa bàn Bình Dương, chủ đầu tư dự án cho biết tới ngày 22/5, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đơn giá bồi thường dự án thành phần 6. Các địa phương khác của tình này đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để chi trả tiền bồi thường.

Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công dự án trước 30/6, tại hai vị trí có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi.

Chủ đầu tư dự án đoạn qua tỉnh Long An cho biết cũng dự kiến khởi công trước ngày 30/6.