Ninh Thuận chuyển gần 20 ha rừng làm khu du lịch 5 sao

HĐND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành nghị quyết chuyển mục đích 19,5 ha đất rừng phòng hộ tại xã Phước Dinh và Phước Diêm, huyện Thuận Nam sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận có quy mô khoảng 87,5 ha gồm khách sạn 5 sao và các phân khu chức năng, 100 biệt thự cao cấp và bungalow theo mô hình Tháp Chàm, khu bảo tồn văn hóa, trung tâm hội nghị 2.000 chỗ ngồi… Dự án có tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án này được phê duyệt chủ trương lần đầu vào năm 2019. Năm 2022, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư với tiến độ hoàn thành pháp lý, xây dựng để đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong vòng 24 tháng kể từ ngày 30/6/2022.

Tháng 1/2023, dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau đó, UBND huyện Thuận Nam đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỉ lệ 1/500) với tổng diện tích dự án là 87,5 ha. Trong đó, diện tích xây dựng các công trình là 19,5 ha, diện tích thuê môi trường rừng là 68 ha.

Khu vực sẽ xây dựng khu du lịch 5 sao ở Ninh Thuận. Ảnh: PLO.vn
Khu vực sẽ xây dựng khu du lịch 5 sao ở Ninh Thuận. Ảnh: PLO.vn

Tỉnh Ninh Thuận cho biết trong số 19,5 ha đất rừng phòng hộ được chuyển mục đích khác có 1,64 ha rừng trồng và 17,8 ha đất chưa có rừng. Tỉnh đã có phương án trồng rừng thay diện tích rừng chuyển sang mục đích khác để làm dự án.

Theo định hướng của Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Ninh Thuận định hướng phát triển du lịch chất lượng cao theo hướng “Bền vững – Đẳng cấp – Độc đáo”. Qua đó, vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo.

Trên cơ sở khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ, đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Royal Ninh Thuận nằm trong dải cấu trúc đan xen hỗn hợp đô thị du lịch phía Nam của tỉnh và nằm trên cung đường ven biển đẹp nhất Việt Nam.

Kỷ luật Đảng nguyên giám đốc, phó giám đốc và nhiều cán bộ Sở TN&MT Gia Lai

Ngày 11/5, Tỉnh ủy Gia Lai ra thông cáo báo chí về việc kỷ luật hàng loạt cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Gia Lai liên quan đến việc tham mưu dự án sân golf Đak Đoa.

Trước đó, ngày 10/5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai triển khai kỳ họp việc xem xét, thi hành kỷ luật Đảng ủy Sở TN&MT và các đảng viên vi phạm.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy: Đảng ủy Sở TN&MT nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Sở TN&MT xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực đất đai tại dự án sân golf Đak Đoa do Tập đoàn FLC triển khai (theo Thông báo số 314-TB/UBKTTW, ngày 25/7/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương); trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, mua sắm các dự án, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

Đảng ủy Sở TN&MT tỉnh Gia Lai có nhiều đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải xử lý kỷ luật.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, vi phạm của Đảng ủy Sở TN&MT làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi tổ chức Đảng vi phạm trực tiếp lãnh đạo, quản lý, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy Sở TN&MT nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong đó, ông Huỳnh Minh Sở - Phó giám đốc Sở và ông Trịnh Hữu Tùng - Đảng ủy viên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong việc ký và tham mưu ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu A-Dự án Khu biệt thự nhà ở thuộc Khu phức hợp Đak Đoa; Dự án Tổ hợp Khách sạn, Hội nghị và Thương mại 5 sao, Khu nhà phố Thương mại FLC Pleiku Centre Point; ký phiếu chuyển thông tin địa chính Dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi và dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên, vi phạm pháp luật về đất đai.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Huỳnh Minh Sở và ông Trịnh Hữu Tùng.

Ông Phạm Duy Du - Nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở; ông Nguyễn Đình Thanh Trí - Đảng ủy viên, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin; bà Nguyễn Thị Diễm Tình - Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Thống kê chịu trách nhiệm người đứng đầu; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong việc triển khai và tham mưu triển khai thực hiện dự án công nghệ thông tin nhận quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Hà Nội nghiên cứu xây dựng 2 thành phố trực thuộc

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23 của Thành ủy Hà Nội, TP Hà Nội đặt mục tiêu hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch.

Đặc biệt, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc tại khu vực phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai).

UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Thành phố cần tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị.

Xây dựng đô thị theo hướng phát triển các đô thị vệ tinh; phát triển đô thị theo định hướng giao thông đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.

Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro.

Việc quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô đã được đề cập tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII vào cuối năm 2022.

Với việc tập trung nguồn lực xây dựng các thành phố mới ở khu vực phía Bắc và phía Tây, TP Hà Nội đặt mục tiêu giảm tải về dân cư, hạ tầng giao thông, xã hội cho các quận trong nội đô lịch sử.

Hà Nội nghiên cứu xây dựng 2 thành phố trực thuộc. Ảnh minh họa: Tiền Phong
Hà Nội nghiên cứu xây dựng 2 thành phố trực thuộc. Ảnh minh họa: Tiền Phong

Trong kế hoạch định hướng phát triển năm 2023, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc quy hoạch 2 thành phố trực thuộc nhằm tạo những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô.

2 thành phố này sẽ vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là vùng trũng ở xung quanh lên.

Từng trao đổi về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc xây dựng 2 thành phố mới trong lòng Hà Nội là bước đi phù hợp, nhằm giảm tải cho các quận nội thành hiện nay.

Theo ông Nghiêm, từ quy hoạch năm 1998, tiếp đến quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 cũng đã đề cập đến vấn đề này. Do đó, việc TP Hà Nội định hướng quy hoạch thêm 2 thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây là xu thế tất yếu.

Hiện TP Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong đó đặt mục tiêu đưa 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) theo lộ trình lên quận vào năm 2025.

Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để các huyện này đảm bảo các tiêu chí của cấp quận trong 3 năm tới.

Dự án căn hộ chung cư Sơn An Plaza tại Biên Hòa

Sơn An Plaza có vị trí tọa lạc tại đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Từ dự án, kết nối nhanh chóng đến tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Xa lộ Hà Nội (Quốc lộ 1A) và tuyến đường Khu công nghiệp Amata, thuận tiện cho việc di chuyển trong thành phố Biên Hòa và đến thành phố Hồ Chí Minh.

Chung cư Sơn An Plaza nằm trong khu đất có tổng diện tích 6.379 m2, với diện tích dành cho xây dựng là 2.994 m2. Dự án được thiết kế với 2 tòa tháp chung cư cao 22 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 48.000 m2. Trong đó:

Tầng hầm: Sử dụng để giữ xe.

Tầng 1 – 3: Tầng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà trẻ.

Tầng 4 – 20: Tầng căn hộ để ở.

Tầng 21 & 22: Tầng kỹ thuật và tầng mái chống nóng.

Sơn An Plaza cung cấp ra thị trường 480 căn hộ, diện tích trung bình của căn hộ ở đây là 70 m2, bao gồm: 1 phòng khách, 1 phòng ăn, 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh, 1 bếp và khu phơi đồ.

Thiết kế căn hộ tại Sơn An Plaza
Thiết kế căn hộ tại Sơn An Plaza.

Tại dự án Sơn An Plaza, cư dân còn được thừa hưởng các tiện ích nội khu riêng biệt với khu để xe, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, siêu thị mini, hồ bơi rộng 144 m2 tại tầng 3, phòng sinh hoạt cộng đồng, hệ thống công viên cây xanh…

Trong bán kính 5 km, dễ dàng tiếp cận những tiện ích ngoại khu như: Hệ thống trường TH – THCS Đinh Tiên Hoàng, THPT chuyên Lương Thế Vinh, ĐH Đồng Nai; hệ thống các bệnh viện như bệnh viện Nhi Đồng Nai, bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh viện Đồng Nai 2; hệ thống khu công nghiệp Amata…

Chủ đầu tư dự án Sơn An Plaza là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Sơn An, được thành lập ngày 11/06/2008, đặt trụ sở tại 77/2, khu phố 3, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Được biết, doanh nghiệp Sơn An tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đô thị Sơn An với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng vào ngày 11/06/2008. Đến năm 2014, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sơn An kết nạp thêm cổ đông mới là Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Xuân Mai, nâng vốn điều lệ lên 93,37 tỷ đồng.

Được biết, dự án Sơn An Plaza là dự án khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Dự án được hoàn thiện vào năm 2017, đã được mở bán và bàn giao cho khách hàng.