TP HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đã ký phụ lục hợp đồng chờ cấp vốn

Ngày 11/3, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã đi kiểm tra tiến độ thi công các cống ngăn triều thuộc Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hay còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Tại công trường đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) cho biết, đến nay tiến độ chung của dự án đã đạt 93%, trong đó 6 cống ngăn triều đã hoàn thành thi công phần hạ tầng và đã lắp đặt cửa van.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Online vào ngày 11/3 cho thấy, trên công trường 6 cống ngăn triều phần hạ tầng đã hoàn thành nên nhà thầu đã rút hết khỏi công trường. Duy nhất trên công trường cống Mương Chuối có khoảng 20 công nhân đang thi công nốt một số hạng mục còn dở dang.

Tại công trường đại diện của chủ đầu tư cho biết, vướng mắc lớn nhất của dự án là phụ lục hợp đồng BT đã được ký kết vào cuối tháng 1 vừa qua. Hiện tại dự án đang đợi Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến để Ngân hàng BIDV làm các thủ tục giải ngân cho nhà đầu tư để tiếp tục thi công.

Các hạng mục chính của cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè như tháp van, cửa van, âu thuyền đều đã hoàn thành. Ảnh: Đầu tư Online
Các hạng mục chính của cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè như tháp van, cửa van, âu thuyền đều đã hoàn thành. Ảnh: Đầu tư Online

“Theo tiến độ dự kiến nếu được giải ngân trong vòng 2 tháng tới thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 2/2024, sau đó vận hành thử nghiệm, đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho Thành phố” đại diện chủ đầu tư nói tại công trường ngày 11/3.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM giai đoạn 1 bao gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) được khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018.

Sau đó, dự án gặp nhiều vướng mắc và do tình hình dịch bệnh nên dừng thi công từ tháng 8/2020 đến nay. Hiện tại, Chính quyền TP HCM đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc để dự án thi công trở lại.

Dự án này sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân của TP HCM.

Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng, huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/2.000)

Cụ thể, đối với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất: Điều chỉnh tuyến đường giao thông giữa đất công nghiệp (ký hiệu CN5) và đất hạ tầng kỹ thuật (ký hiệu KT6) thành đất công nghiệp. Điều chỉnh dịch chuyển tuyến đường giao thông giữa hai lô đất công nghiệp (ký hiệu lô CN4, CN5) về phía Tây (giáp đất cây xanh ký hiệu CX18).

Điều chỉnh gộp hai lô đất công nghiệp (ký hiệu CN4 và CN5) thành đất công nghiệp (ký hiệu CN2) với diện tích không thay đổi là 12,28ha. Điều chỉnh ranh giới, vi chỉnh diện tích đất cây xanh (ký hiệu CX17, CX18, CX20, CX21) do dịch chuyển tuyến đường giao thông giữa hai lô đất công nghiệp (ký hiệu lô CN4, CN5).

Đối với quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Điều chỉnh hướng tuyến đường dây, đường ống các hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các nội dung điều chỉnh cục bộ về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất và giao thông.

Các nội dung khác của đồ án giữ nguyên theo Quyết định số 707/QĐ-UBND ngày 16/7/2021, Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 04/5/2022 và Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 của UBND tỉnh.

Sở Xây dựng, Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định, có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Chủ tịch Hà Nội: Xử lý dứt điểm sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ trong tháng 9

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc họp chuyên đề nghe báo cáo về việc xử lý, giải quyết nội dung kết luận thanh tra toàn diện về quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, quận Hai Bà Trưng.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định: Vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã kéo dài nhiều năm, vì vậy UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc để xử lý dứt điểm. Đây là vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân trước hết là do chưa xác định rõ trách nhiệm pháp lý, hồ sơ, tài liệu, chứng từ không đầy đủ, không được xác lập đúng quy định, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc hình thành tài sản...

Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các đơn vị liên quan tập hợp và đánh giá việc chấp hành các văn bản chỉ đạo, điều hành gửi quận Hai Bà Trưng tổng hợp, cập nhật lại quy hoạch và địa phương phải trực tiếp, kiên quyết xử lý các công trình vi phạm bên trong công viên, để trước mắt tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, các đơn vị, địa phương phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với từng phần việc, quyết tâm trong thời gian từ nay đến tháng 9/2023, phải xử lý dứt điểm tồn tại; giao quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư và giao Văn phòng UBND thành phố thống nhất với các ngành, ra văn bản kết luận cuộc họp để tổ chức thực hiện.

Vòng đu quay xuống cấp, hoen gỉ nhiều năm tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Lao động
Vòng đu quay xuống cấp, hoen gỉ nhiều năm tại công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Lao động

Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng..., thời gian thực hiện từ năm 2002 đến năm 2006. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên năm 2010, UBND thành phố có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội, tỷ lệ 1/500 với quy mô diện tích đất, ranh giới lập quy hoạch, hồ nước trung tâm và không gian cây xanh…

Liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xử lý vi phạm quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, năm 2020 Thanh tra Thành phố Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện về dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Kết luận thanh tra cho biết, có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, công trình được cấp phép khi chưa được giao đất, vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng.

Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội giao Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (là cơ quan chủ quản của Công ty TNHH MTV đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội) kiểm tra làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm đối với các sai phạm của công ty này.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn là dự án “treo” với nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng…

Bossco Gia Lai: Tổ hợp siêu thị và khu dân cư tại Pleiku

Bossco Gia Lai có vị trí tọa lạc tại số 51 Lý Nam Đế, phường Trà Bá, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Dự án nằm ngay trung tâm thành phố Pleiku, tiếp giáp các tuyến đường lớn như Quốc lộ 19, Quốc lộ 14, đường Hùng Vương thuận tiện di chuyển đến các khu vực trong vùng và các tỉnh lân cận.

Bossco Gia Lai có tổng diện tích quy hoạch 38.487,5 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 117 tỷ đồng. Dự án được thiết kế xây dựng theo mô hình tổ hợp siêu thị vật liệu và khu dân cư, cung cấp ra thị trường các sản phẩm đất nền.

Mỗi lô đất nền tại dự án Bossco Gia Lai có diện tích 100 – 150 m2 với 96 nền, đường phân thành 4 lô. Cùng hệ thống trung tâm hội nghị tiệc cưới, dịch vụ coffe, khu dịch vụ thương mại và siêu thị.

Từ dự án, cư dân có thể tiếp cận những tiện ích xung quanh như: Cách trường quốc tế liên cấp 1 km, cách quảng trường trung tâm thành phố Pleiku 2,5 km.

Mặt bằng dự án Bossco Gia Lai.
Mặt bằng dự án Bossco Gia Lai.

Chủ đầu tư dự án Bossco Gia Lai là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bossco, được thành lập ngày 24/10/2023, đặt trụ sở tại tòa nhà 168 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Doanh nghiệp Bossco tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị, sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển Tập đoàn V.K (VK GROUP). Đến năm 2015, doanh nghiệp tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Bossco và được sử dụng đến ngày nay.

Cổ đông sáng lập Bossco gồm 5 thể nhân là: Hoàng Tuấn, Phạm Thị Hạnh, Nguyễn Thanh Chương, Trần Văn Khôi và Phạm Thị Nga. Theo giấy đăng ký doanh nghiệp ngày (28/11/2017), các cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Bossco. Vốn điều lệ của Công ty hiện vẫn giữ nguyên 460 tỷ đồng kể từ lần tăng vốn vào ngày 30/9/2014 từ mức 79 tỷ đồng.

Bossco là chủ đầu tư của một số dự án tại Gia Lai như: Khu đô thị Cầu Sắt (hơn 2.500 tỷ đồng), Trung tâm thương mại Phú Hội (hơn 1.800 tỷ đồng), siêu thị Đắk Đoa (150 tỷ đồng), chợ trung tâm và khu dân cư mới Nhơn Hòa (450 tỷ đồng).

Các sản phẩm tại dự án Bossco Gia Lai có mức giá bán trên thị trường từ 17 – 20 triệu đồng/m2.