Từ giữa năm 2021, được biết, Bộ Y tế đã có cuộc họp với nhà sản xuất vắc xin Pfizer - vắc xin có chỉ định sử dụng tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi. Sau cuộc họp này, Bộ Y tế đã đạt được thỏa thuận Pfizer bán thêm cho Việt Nam trên 20 triệu liều Pfizer dành cho nhóm trẻ này (ngoài hợp đồng mua 31 triệu liều trước đó). Hiện Việt Nam có 9 triệu trẻ 12 - 17 tuổi, nên vắc xin đã có thỏa thuận đủ sử dụng tiêm ngừa cho các cháu.

Cho đến nay các thủ tục để nhập khẩu lô vắc xin này như giấy phép khẩn cấp bổ sung, văn bản của Chính phủ cho phép mua sắm trong điều kiện đặc biệt đều đã sẵn sàng. Việc vận chuyển vắc xin cũng đã có thông báo trong 3 tháng cuối năm sẽ có khoảng 48 triệu liều vắc xin Pfizer về Việt Nam, trong đó tháng 10 là 12 triệu liều, tháng 11 và 12 khoảng 36 triệu liều. Như vậy, 9 triệu trẻ 12 - 17 tuổi sẽ được thu xếp tiêm chủng sớm nhất từ khoảng tháng 10 tới, nếu chậm hơn cũng sẽ là khoảng tháng 11 - 12 tới.

Trẻ em
Trẻ em sẽ được tiêm vào cuối năm nay nếu vắc xin Covid-19 được cung cấp đúng cam kết

Tuy nhiên nếu càng được tiêm sớm, trẻ càng sớm được đến trường, nhất là tại các tỉnh thành đang có kế hoạch triển khai chương trình "công dân vắc xin". TP HCM hiện cũng có kế hoạch tiêm sớm cho trẻ em nếu có nguồn vắc xin. Nhiều tỉnh thành khác cũng có kế hoạch tương tự. Với 9 triệu trẻ, nếu dồn lực cả nước có thể hoàn tất tiêm cho các cháu trong vòng 1 tháng, trong khi vẫn giữ tốc độ tiêm chủng như hiện nay.

Như vậy, trẻ em sẽ được tiêm vào cuối năm nay nếu vắc xin Covid-19 được cung cấp đúng cam kết.

Trước đó, ngày 31/8 Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã có tờ trình đề nghị UBND TP có kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho học sinh 12 - 18 tuổi với nguồn vắc xin phù hợp. Việc tiêm vắc xin cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1, để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2. Số lượng đề xuất tiêm vắc xin là hơn 642.000 học sinh.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP HCM, hiện nay các loại vắc xin phòng COVID-19 chưa được thử nghiệm đầy đủ ở trẻ em. Đối với trẻ em nói chung, nếu không mắc bệnh nền hay béo phì thì ít nguy cơ diễn tiến bệnh nặng khi mắc COVID-19. Do đó rất cần tiêm vắc xin cho trẻ em mắc bệnh nền, béo phì.

Ông Dũng cho biết thêm đến nay đã có một số quốc gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em nhằm đẩy tỉ lệ tiêm chủng cao hơn, từ đó giúp bảo vệ người lớn tuổi vì họ không chịu tiêm. Những quốc gia nào đã tiêm cho người lớn tuổi thì điều này tốt hơn vì sẽ tạo "hàng rào miễn dịch cộng đồng", một khi họ không nhiễm thì trẻ em cũng không nhiễm.

Ở nước ta hiện đã và đang tiêm cho người trưởng thành và người lớn tuổi, điều này có thể giúp bảo vệ được trẻ em thông qua miễn dịch quần thể dù trẻ không tiêm. Nếu đã tiêm đủ cho người trưởng thành nhưng trẻ em vẫn có nguy có mắc bệnh thì lúc này việc đánh giá lợi ích - nguy cơ của tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để điều chỉnh chiến lược tiêm chủng.

Tính đến đầu tháng 9, cả nước đã có 11.822 trẻ em là F0. Bên cạnh đó, tại các địa phương đang phải giãn cách xã hội, nhiều tháng liền trẻ em không được ra khỏi nhà, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần, sang chấn tâm lý.

32% thiếu niên ở Mỹ tiêm xong mũi 2

Theo bà Trần Thu Nguyệt - Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), trong các đợt dịch trước đây số lượng trẻ mắc COVID-19 thấp, hầu hết không biểu hiện triệu chứng và mức độ nhẹ. Tuy nhiên, gần đây 1 số quốc gia ghi nhận tỉ lệ này gia tăng cao. Tại Indonesia, vào tháng 6-2021 có 12% bệnh nhân COVID-19 ở nước này là trẻ em, đến tháng 8 tỉ lệ này là 15%.

Thống kế của CDC Mỹ cho hay lượng trẻ 12 - 17 tuổi nhập viện do mắc COVID-19 và chưa tiêm vắc xin nhập viện cao gấp 10 lần nhóm đã tiêm. Đến hết tháng 7 đã có 32% thiếu niên 12 - 17 tuổi ở Mỹ hoàn thành 2 mũi tiêm. Tình hình này cũng tương tự ở Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Ba Lan...