Dự thảo luật điện lực (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15. Tại Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) lần này đã đề cập tới việc đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa có thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương tập trung hơn nữa cho công tác phối hợp để chỉ đạo sát sao và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật này.
Đồng thời có một số ý kiến như sau: Đề nghị tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.
Lưu ý rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, giữa dự thảo Luật với các luật hiện hành và các luật đang được sửa đổi có liên quan; đảm bảo thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Chính trị.
Đối với các nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến đa số của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 8.
Theo đó, đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm để thực hiện tinh thần này, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tinh thần đổi mới tư duy lập pháp theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ tịch Quốc hội.
Bên cạnh đó, thống nhất quy định về điện hạt nhân trong dự thảo Luật theo hướng Cơ quan chủ trì thẩm tra đề xuất. Đề nghị tập trung hoàn thiện thêm để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, kiểm soát được rủi ro.
Thống nhất cần có quy định về điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực với trình tự thủ tục rút gọn, nhanh, kịp thời và nội dung phù hợp trong một số trường hợp. Đề nghị các cơ quan: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật và đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất để hoàn thiện các quy định đồng bộ giữa Luật Quy hoạch với Luật Điện lực và các luật chuyên ngành khác có liên quan đến quy hoạch.
Về điện gió ngoài khơi và chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp đối với các dự án điện gió ngoài khơi, do điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, khó và chưa có tiền lệ triển khai ở Việt Nam nên cần có quy định khung trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Lưu ý quy định rõ trong dự thảo Luật về việc không được chuyển nhượng cổ phần vốn góp trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi để bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền, quyền chủ quyền, đường ra biển của quốc gia.
Về thị trường điện cạnh tranh, chính sách giá điện và các dịch vụ về giá điện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất hướng tiếp thu, giải trình của Cơ quan chủ trì thẩm tra, không quy định cụ thể lộ trình thị trường điện cạnh tranh trong dự thảo Luật.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục củng cố cơ sở, lý luận, làm việc với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan để thống nhất các quy định cụ thể, chi tiết. Cần lưu ý đến các nội dung có liên quan đến Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Về cam kết sản lượng điện tối thiểu: Đây là vấn đề tiềm ẩn rủi ro, hậu quả lớn đã từng xảy ra với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, do đó đề nghị hết sức cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, lường trước các rủi ro và biện pháp phòng ngừa trước khi quy định trong Luật hoặc quy định trong Luật các nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết; trường hợp chưa chín, chưa rõ nên cân nhắc thực hiện thí điểm như tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022.
Về cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Cơ quan chủ trì thẩm tra, không đưa vào dự thảo Luật. Về dự án, công trình điện lực khẩn cấp, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến dự án, công trình điện lực khẩn cấp để đảm bảo tính cụ thể, khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đối với phát triển năng lượng tái tạo, tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ không để xảy ra các sai phạm như thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hóa sai phạm.
Về phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị huy động tối đa, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn điện, nhất là năng lượng tái tạo ở khu vực này gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với các nội dung có 2 loại ý kiến (Giá điện trong hợp đồng mua bán điện của các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công; quy định chuyển tiếp) là những vấn đề quan trọng, có tác động lớn, tiếp tục xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan. Trong trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị nêu rõ căn cứ, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến và xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu để hoàn thiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật, thực hiện các bước công việc theo quy định, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
© thitruongbiz.vn