Đêm qua (15/3), chứng khoán toàn cầu một lần nữa rơi vào trạng thái căng thẳng. Mặc dù các nhà bình luận nói rằng cuộc khủng hoảng này sẽ được ngăn chặn và hầu hết các ngân hàng lớn có ít sự tiếp xúc với các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, song những tin tức xấu về Credit Suisse đã khiến các nhà giao dịch thêm rối ren.

Ngay sau đó, cổ phiếu Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ bị bán tháo, lao dốc 25% trước thông tin cổ đông lớn nhất tuyên bố bác bỏ khả năng tăng cổ phần.

Theo Reuters, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út (SNB), cho biết họ không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho ngân hàng Thụy Sỹ.

Thông tin này đã nhấn chìm cổ phiếu Credit Suisse và làm dấy lên lo ngại về nhóm ngân hàng. Cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh tới mức, có thời điểm cơ quan điều hành thị trường phải tạm dừng giao dịch mã cổ phiếu này.

Diễn biến khác, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ khẳng định rằng mức vốn và thanh khoản của Credit Suisse là đủ, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse. Credit Suisse sau đó tuyên bố sẽ vay gần 54 tỷ USD để "hỗ trợ” ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng bị giảm giá, trong đó Barclays của Anh, Commerzbank của Đức và "gã khổng lồ" Phố Wall JP Morgan giảm khoảng 5%. Giá cổ phiếu ngân hàng hạng trung First Republic Bank đã giảm hơn 20% tại thị trường New York.

Đối mặt với sự bất ổn này, thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 16/3. Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 27.010,61 điểm. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 1,9% xuống 19.167,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.226,89 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Bangkok, Manila và Jakarta cũng giảm.

25 nhóm ngành niêm yết đồng loạt giảm điểm 0,5%- 2,7%
25 nhóm ngành niêm yết đồng loạt giảm điểm 0,5%- 2,7%

Tại thị trường trong nước ngày 16/3, VN-Index giảm 14,79 điểm (1,19%) xuống 1.047,40 điểm, HNX-Index giảm 2,82 điểm (1,36%) xuống 204,19 điểm, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (0,74%) xuống 76,02 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường giảm đáng kể so phiên trước, tổng khối lượng giao dịch 3 sàn đạt hơn 615,39 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 10.550, 67 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE phiên này giảm mạnh so phiên trước đạt hơn 7.993,40 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,59% với toàn bộ 18 mã đỏ lửa, không còn nổi một cổ phiếu giao dịch trên tham chiếu, chỉ duy nhất EIB giữ sắc xanh. Trong đó, CTG giảm 3,05%, VPB giảm 3,54%, TCB giảm 1,65% và VCB giảm 0,44% là 4 "tội đồ" thổi bay hơn 3 điểm của chỉ số. Các cổ phiếu ngân hàng còn lại cũng chịu áp lực chỉnh mạnh như HDB giảm 4,68%; SHB giảm 1,46%; VIB giảm 2,34%; MBB 2,25%...Hai cổ phiếu trụ được ở mức tham chiếu là EIB và NVB.

Còn nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chỉ có CTS, APG ngược chiều tăng nhẹ. Thông tin về Credit Suisse dù không có liên quan trực tiếp nhưng vẫn tác động một phần lên tâm lý nhà đầu tư.

Ở các nhóm ngành bất động sản, vật liệu, tài nguyên, dầu khí, du lịch, dịch vụ đều đi lùi. Ở nhóm bất động sản, dù sắc đỏ bao phủ, nhưng nhóm cổ phiếu nhỏ, vừa có phần bớt tiêu cực hơn. Nhóm vật tư như thép cũng đồng loạt điều chỉnh, bộ đôi HSG, HPG đều giảm trên 2%. NKG, VGS, SMC, NSH cùng giảm giá.

Nhóm sản xuất cũng có phiên giao dịch tiêu cực, với VNM giảm 0,90%, HPG giảm 2,10%, MSN giảm 1,10%, GVR giảm 2,30%, DCM giảm 2,50%, DPM giảm 2,10%, NKG giảm 3,70%,... Chiều ngược lại, SAB tăng 0,79%.

5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất là HPG (hơn 30,24 triệu đơn vị), VND (hơn 25,31 triệu đơn vị), DXG (hơn 23,53 triệu đơn vị), STB (hơn 19,67 triệu đơn vị), SSI (hơn 19,59 triệu đơn vị).

5 cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là TDW (6,90%), VMD (6,76%), SGR (6,71%), MDG (6,69), VPD (6,35%).

5 cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là TPC (-6,97%), SVI (-6,89%), HOT (-6,89%), ACC (-6,76%), ABR (-6,25%).

Thị trường chứng khoán phái sinh hôm nay có 350.849 hợp đồng được giao dịch, giá trị hơn 36.915,64 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) nhận định yếu tố bất ngờ từ vụ việc của Tập đoàn Credit Suisse vào tối 15-3 khiến thị trường tài chính toàn cầu phản ứng tiêu cực. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Lực bán vẫn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

"Hiện tại, các tác động từ Credit Suisse chưa được đánh giá đầy đủ nên nhà đầu tư cần cẩn trọng trong các phiên giao dịch sắp tới" - TCSC khuyến cáo.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VCBS khuyến nghị nhà đầu tiếp tục quan sát từ 3-5 phiên, chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng của thị trường chứng khoán.

Theo CTCK BIDV (BSC), thị trường trải qua một phiên điều chỉnh sau phiên tăng điểm mạnh mẽ hôm qua. VN-Index kết phiên giảm gần 15 điểm. Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với 17/19 ngành giảm điểm, trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành dầu khí.

Hiện tại, VN-Index vẫn đóng cửa trên ngưỡng hỗ trợ 1.040 điểm. Nhịp vận động của VN-Index đang trong xu hướng khó xác định do ảnh hưởng đan xen và lan tỏa từ: (1) các vụ việc xoay quanh SVB và Credit Suisse và (2) việc cơ cấu ETF như đã đề cập trong báo cáo tuần.

Khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch thận trong ngắn hạn cho đến khi xu hướng thị trường rõ ràng hơn.