Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 4/5
Diễn biến phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 4/5

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, chỉ số VN-Index giảm hơn 18,12 điểm, xuống còn 1.348,68 điểm; HNX-Index giảm 4,86 điểm, xuống còn 360,97 điểm.

Rổ VN30, vốn có tỷ trọng lớn bao gồm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, một lần nữa giảm dưới mốc 1.390 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục rớt giá so với giữa phiên chiều. Một số mã có diễn biến nổi bật như VIB (-6,05%), TCB (-4,55%), TPB (-4,76%) và SSI (-4,62%), FTS (-6,45%), BVS (-6,59%). Trong đó, TCB là mã lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index.

Ngành thủy sản hạ nhiệt khi cổ phiếu VHC đánh mất hoàn toàn đà tăng trong ngày và các mã khác cũng co hẹp mức tăng.

Tâm lý tiêu cực cũng lan sang nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng, khi MSN giảm 2,5% và VNM sụt giá 2,3%.

Trong phiên hôm nay, cổ phiếu tiện ích năng lượng vẫn giữ được sự tích cực với việc GAS (+1,9%) và POW (+6,8%) là hai mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index.

Khối ngoại kết phiên với giá trị bán ròng gần 284 tỷ đồng, cũng là ngày thứ tư liên tiếp bán ròng.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh khiến thị trường giảm hơn 10,7 điểm phải kể đến là TCB, HPG, VCB, MSN, VPB, VIB, CTG, VNM, MBB, GVR.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 639 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch trên 16.811 tỷ đồng với hơn 500 mã giảm, 727 mã đứng giá và gần 40 mã tăng giá.

Trước đó, trong phiên sáng, giá trị giao dịch đối với toàn nhóm VN30 chỉ xấp xỉ 2,5 ngàn tỷ đồng. Chỉ số này sụt mất 13,09 điểm trong phiên sáng trước áp lực đến từ ngành ngân hàng và bất động sản. Trong khi đó, các mã vốn hóa lớn trong ngành tiện ích năng lượng như POW (+6,8%), GAS (+3%), PLX (+2,1%) lại xanh chín và giải tỏa bớt một phần áp lực cho chỉ số.

Các chỉ số đại diện đều giảm điểm nhưng vẫn có sắc xanh tại một số khu vực, nhóm ngành như thủy sản (VHC, IDI, ANV, FMC…), tiện ích (GAS, POW, BWE…), khai khoáng (PVS, PVD, PVC…), vận tải (HVN, GMD, TMS…). Điều này đồng nghĩa, thị trường vẫn đang diễn biến phân hóa mạnh chứ không tiêu cực một cách đồng bộ. Tuy nhiên, các ngành tăng giá lại chiếm tỷ trọng vốn hóa nhỏ nên không đủ để làm trụ lực cho toàn thị trường.