Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 17/11/2021, chỉ số VN-Index tăng 9,40 điểm (0,64%) lên 1.475,85 điểm. Toàn sàn có 247 mã tăng, 205 mã giảm và 52 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng 10,70 điểm (2,37%) lên mức 462,95 điểm và vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào 19/3/2007 (459,36 điểm). Toàn sàn có 145 mã tăng, 116 mã giảm và 43 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0,73 điểm (0,65%) lên 112,21 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 32.763 tỷ đồng, giảm gần 9.700 tỷ đồng so với phiên trước đó. Trong đó thanh khoản sàn HOSE đạt trên 26.000 tỷ đồng, tương ứng gần 861 triệu đơn vị cổ phiếu được mua - bán.

Thị trường chứng khoán ngày 17/11: Lấy lại đà bật tăng
Thị trường chứng khoán ngày 17/11: Lấy lại đà bật tăng

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 17/11.

Mặc dù không thể đóng cửa tại mức cao nhất phiên, VN-Index đã hồi phục ấn tượng và lấy lại gần như toàn bộ phần điểm số đã mất trong phiên trước đó. Sau phiên chốt lời, dòng tiền tiếp tục hướng sự chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, đặc biệt là các mã mang tính đầu cơ cao ở sàn UPCoM khi biên độ rộng ở sàn này tạo sức hấp dẫn lớn.

Không thể phủ nhận nỗ lực gồng đỡ của nhóm bất động sản trong phiên hôm nay khi riêng nhóm này đóng góp hơn 3,6 điểm cho đà tăng VN-Index. Trong đó, nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ tăng mạnh như HQC (6,8%), LDG (5,2%), thậm chí QCG và ITA kết phiên trong sắc tím trần.

Đi vào từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa với biên độ dao động hẹp.

Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán giao dịch tích cực khi SSI tăng 2,46%, VCI tăng 1,82%, HCM tăng 0,57% và đặc biệt là VND tăng kịch trần.

Tương tự, sắc xanh cũng bao trùm cổ phiếu bất động sản. Rất nhiều cổ phiếu lớn tăng điểm như VIC tăng 1,58%, VHM tăng 0,6%, NVL tăng 0,1%, VRE tăng 1,335, BCM tăng 4,61%. Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, những cái tên nổi bật có thể kể đến TCH tăng 2,15%, DPG tăng 3,62%, HDC tăng 3,92%, LDG tăng 5,23%, HQC tăng 6,83%; ITA, QCG, EVG đều tăng kịch trần.

Nhóm sản xuất phân hóa rõ rệt khi HPG giảm 1,15%, MSN giảm 0,99%, SAB giảm 0,06% nhưng VNM tăng 0,23%, GVR tăng 1,65%. Tình hình tương tự với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, tuy vậy, vẫn có không ít cổ phiếu tăng sát trần hoặc kịch trần như GEX, PHR, STK, DPR, IDI.

Cổ phiếu năng lượng và hàng không diễn biến tương đối khả quan khi GAS tăng 0,6%, POW tăng 0,71% và PLX tăng tới 5,61%; HVN tăng 2,79% còn VJC đứng giá tham chiếu. Cổ phiếu bán lẻ kém tích cực hơn khi MWG đứng giá tham chiếu còn PNJ giảm 1,48%.

Ở nhóm vốn hóa lớn, mã VIC của Vingroup tăng 1,6% lên 96.300 đồng/cp. Đây là cũng là trụ kéo tích cực nhất của thị trường phiên hôm nay. Kế đến, sắc xanh của PLX, BID, VCB, BCM cũng góp phần củng cố thêm cho đà tăng của thị trường.

Cổ phiếu họ dầu khí cũng có phiên giao dịch khởi sắc với loạt mã tăng trên 2% như PLX, PVC, PET, PIL, PVO, PVB,... Ở chiều giảm giá, PVD chỉnh nhẹ 0,3%, PVT mất 1,5% thị giá.

Theo Công ty CK MB (MBS) cho rằng, thị trường điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đây là phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp của 2 nhóm này. Do vậy, các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra. Nhà đầu tư nên canh chốt lời nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi có thể mua gom đối với các cổ phiếu bluechips chưa tăng hoặc đã tạo vùng hỗ trợ.

Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trên thị trường, nhà đầu tư tiếp tục có xu hướng chuyển hướng đầu tư ra các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khi mà VN-Index vẫn gặp khó khăn khi tiến gần hơn đến ngưỡng 1.480 điểm. Ở chiều ngược lại, lực mua ròng của khối ngoại là một tín hiệu đáng chú ý, dù chỉ xuất hiên ở một vài cổ phiếu đơn lẻ.

Bối cảnh thị trường thúc đẩy sự phân hóa giữa các cổ phiếu, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng rất mạnh mà không đi cùng sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh cốt lõi. Vì thế, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư chỉ có thể hướng nhiều hơn đến việc "lướt sóng" cổ phiếu ngắn hạn trong giai đoạn này, đồng thời giữ lại một phần sức mua để hạn chế rủi ro cũng như có thể sẵn sàng bắt đáy trong những nhịp rung lắc trong phiên hoặc thậm chí nếu xuất hiện những phiên giảm sâu.

Các nhóm ngành đáng chú ý trong những phiên gần đây là bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.

Ngày mai sẽ là phiên đáo hạn phái sinh nên có thể dòng tiền đột ngột chậm nhịp lại. Sáng nay tổng giá trị khớp lệnh hai sàn sụt giảm tới 32% so với sáng hôm qua, chỉ đạt gần 16.246 tỷ đồng.

VN30 giảm giao dịch đáng kể nhất, giảm 36%, mới khớp thành công 3.778,7 tỷ đồng. Mặc dù đáo hạn phái sinh thường chỉ liên quan đến các mã trong VN30, nhưng điều bất ngờ là thanh khoản giả chung ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, kể cả các mã vừa và nhỏ.