Theo kết luận, tháng 12/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong đó có việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO).

Từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2016, Bộ Giao thông vận tải thực hiện 2 lần thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP. Lần 1 thoái 6.554.740 cổ phần tương ứng 20% vốn điều lệ vào tháng 4/2015 và lần 2 thoái 7.349.131 cổ phần tương ứng 22,42% vốn điều lệ vào tháng 3/2016.

Từ tháng 4/2016 đến nay, Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP không còn vốn Nhà nước đầu tư và hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, VIVASO phải thực hiện việc xác nhận, đối chiếu công nợ và phải được khách nợ, chủ nợ ký biên bản, nhưng trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp chưa đảm bảo các yêu cầu này. Cảng Hà Nội không theo dõi khoản công nợ phải thu của Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng trên sổ sách kế toán với số tiền hơn 16,3 tỷ đồng là vi phạm quy định, dẫn đến việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thoái vốn sai, mất vốn Nhà nước số tiền tương ứng.

Đối với việc kiểm kê cảng Việt Trì (Phú Thọ), cảng Ninh Phúc (Ninh Bình), Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án.

Bên cạnh đó, Công ty hợp danh Kiểm toán Việt Nam, Tổng công ty Vận tải thủy thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản thiếu danh mục cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (dự án WB6) và chưa xử lý dứt điểm tài sản đối với quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra cho rằng không thể đồng thời thực hiện cổ phần hóa VIVASO và Công ty TNHH MTV Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa với việc đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc bằng nguồn vốn WB6.

Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa nhưng "thiếu trách nhiệm không phát hiện hoặc cố tình không báo cáo Thủ tướng" về việc trên, kết luận nêu.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã tự ý khai thác, sử dụng một phần cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc (trong giai đoạn 2015-2020). Việc này bị cho là vi phạm Luật xây dựng "cần phải được cơ quan chức năng xem xét, xử lý, thu về ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận thu được".

Vi phạm xảy ra tại Tổng công ty Vận tải thủy. Ảnh: Tiền Phong
Vi phạm xảy ra tại Tổng công ty Vận tải thủy. Ảnh: Tiền Phong

Những việc nêu trên đã dẫn đến hậu quả là phương án cổ phần hóa của VIVASO thiếu chính xác, tài sản cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc đã hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định, nguy cơ lãng phí vốn đầu tư với số tiền gần 135 tỉ đồng khi không đưa vào sử dụng.

Để xảy ra tồn tại và hậu quả nêu trên, theo thanh tra, thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện đầu tư xây dựng không có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, phương án khai thác sử dụng của dự án.

"VIVASO, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khi thực hiện kiểm kê, phân loại tài sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hóa không đúng quy định", kết luận nêu.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp nhận hồ sơ hai vụ việc sai phạm đã được kết luận liên quan gây lãng phí và thất thoát số tiền lớn để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ nhất, Thanh tra Chính phủ chuyển nội dung cổ phần hóa đối với các tài sản hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn WB6 (cảng Việt Trì, cảng Ninh Phúc) với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỉ đồng.

Thứ hai, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn sai mất vốn nhà nước tại cảng Hà Nội với số tiền trên 16 tỉ đồng.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ tổ chức buổi công bố kết luận thanh tra nói trên. Đại diện UBND TP.Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định sẽ nghiêm túc, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện kết luận thanh tra một cách sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, ngay sau khi nhận được kết luận thanh tra, lãnh đạo bộ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT rất mong nhận được sự quan tâm của Thanh tra Chính phủ.

Ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ), đề nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm kết luận thanh tra; chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm; có phương án xử lý, thu hồi kinh tế cho ngân sách nhà nước; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với tài sản thuộc nguồn vốn vay.