TC Motor là tên viết tắt của Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam được thành lập từ năm 1999. Sau 23 năm xây dựng và phát triển TC Motor đứng vị trí 38 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Năm 2021, Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam xếp hạng thứ 38 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. |
TC Motor là tên viết tắt của Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Thành Công (TC Group) với tiền thân là Công ty TNHH cơ khí Thành Công thành lập năm 1999.
TC Motor có trụ sở tại tầng 13, Thành Công Tower, Số 79 Dịch Vọng Hậu - Phường Dịch Vọng Hậu - Quận Cầu Giấy - TP Hà Nội.
TC Group là tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam và khu vực, dựa trên 3 trụ cột chính: Công nghiệp ô tô, Bất động sản, Dịch vụ.
TC Group mong muốn đem tới sự tiên phong, kiến tạo một cuộc sống tiện nghi hơn, hiện đại hơn cho đội ngũ nhân viên và người tiêu dùng Việt Nam, từ đó thắp sáng lên khát vọng thành công của của mỗi cá nhân để cùng nhau đưa quốc gia tiến bước tới thành công bền vững trong quá trình hiện đại hoá, cam kết đồng hành cùng xã hội và quốc gia trước các thách thức về Công nghiệp.
Năm 1999, Công ty TNHH Cơ khí Thành Công ra đời, bước đầu tập trung kinh doanh các dòng xe công nghiệp như xe tải, thiết bị công trình, đặt nền móng cho sự hình thành doanh nghiệp hàng đầu về ô tô sau này.
Năm 2004, Xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô đầu tiên tại Đông Anh, cho ra đời thương hiệu xe tải Thành Công, một trong những mặt hàng chủ chốt của TC MOTOR.
Năm 2005 - 2008, Công ty bắt tay với các nhà sản xuất ô tô lớn từ Trung Quốc như Dong Feng, hãng xe tải, xe cẩu từ Hàn Quốc như Dong Yang để nhập xe về Việt Nam, mở ra hướng mới trong việc hợp tác quốc tế, chuyển giao nhiều công nghệ và sản phẩm mới cho ngành ô tô tại Việt Nam.
Năm 2007, TC MOTOR trở thành đối tác chính thức của Hyundai Công nghiệp nặng và thiết bị xây dựng tại Việt Nam. Đây cũng là năm công ty xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô thứ 2 tại Ninh Bình với quy mô lớn.
Năm 2009: TC MOTOR chính thức trở thành đối tác của Tập đoàn Hyundai tại thị trường Việt Nam, chuyên nhập khẩu và phân phối ô tô du lịch Hyundai.
Năm 2011: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Ninh Bình bắt đầu vận hành, ra mắt sản phẩm xe du lịch đầu tiên - Hyundai Avante.
Năm 2013: TC MOTOR đứng trong top 30 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, theo Bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report.
Năm 2018: TC MOTOR xếp thứ 01 trên bảng xếp hạng Fast 500 của Việt Nam.
Ngày 24/7/2019, tập đoàn Thành Công giới thiệu thương hiệu TC Motor, phụ trách riêng các hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô. Theo một nguồn tin cho biết, TC Motor không chỉ đơn thuần là phân nhánh kinh doanh ôtô của TC Group mà mục tiêu còn tạo ra một thương hiệu xe Việt mới trong tương lai nhưng thời gian chưa được tiết lộ.
Ngày 19/03/2021, Tập đoàn Thành Công và Tập đoàn ô tô Hyundai đã chính thức thành lập liên doanh phân phối xe du lịch mang thương hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam với tên gọi Công ty cổ phần liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV).
Hoạt động này thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Tập đoàn ô tô Hyundai vào thị trường Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy kế hoạch phát triển bài bản, có trọng điểm và đóng góp những bước tiến quan trọng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Tập đoàn Thành Công.
Hiện tại, TC MOTOR sẽ đại diện cho Tập đoàn Thành Công trong các lĩnh vực hoạt động về công nghiệp ô tô:
- Lĩnh vực R&D và Sản xuất (Sản xuất xe ô tô Hyundai & các thương hiệu khác)
- Lĩnh vực Phân phối ( Hệ thống phân phối thương hiệu Hyundai và các thương hiệu khác)
- Lĩnh vực bán lẻ (Hệ thống đại lý xe Hyundai & các hệ thống bán lẻ xe thương hiệu khác)
- Lĩnh vực dịch vụ (hoạt động cung ứng linh kiện, phụ tùng chính hãng, các dịch vụ vận tải - hạ tầng trong nước, quốc tế).
Logo của TC Motor. |
Sứ mệnh: Đáp ứng nhu cầu và mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tầm nhìn: Phát triển nhanh, bền vững, hội nhập, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam và khu vực, dựa trên 3 trụ cốt chính: công nghiệp ô tô, bất động sản, dịch vụ.
Tín: Luôn coi trọng chữ Tín, trách nhiệm cao với khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, cộng đồng, xã hội.
Tâm: Thượng tôn pháp luật, các chuẩn mực giá trị đạo đức, cạnh tranh lành mạnh, trung thực và luôn đặt lợi ích của khách hàng làm trung tâm để phát triển.
Chuyên: Chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên cần trong mọi hoạt động và tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Đại: Chú trọng cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; mang tới những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Trí: Chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, lao động có chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao.
Tòa nhà Hyundai Thành Công tại số 79 Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. |
Năm 2019, Công ty Hyundai Thành Công Việt Nam đã bán ra gần 70.000 xe ô tô, thu về hơn 43.000 tỷ đồng doanh thu và 4.200 tỷ đồng lợi nhuận. Con số này vượt qua lợi nhuận lĩnh vực ô tô của Thaco và tương đương với Toyota Việt Nam năm trước đó.
Khoản lợi nhuận khổng lồ giúp Hyundai Thành Công tích lũy được gần 7.400 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối và hiện đang có lượng tiền mặt dồi dào lên đến gần 3.000 tỷ đồng.
Xuất hiện từ năm 1999, Hyundai Thành Công (nay là TC Motor) là doanh nghiệp tư nhân gắn liền với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn. Những năm gần đây, công ty tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, đứng đầu là Tập đoàn Thành Công và phía dưới là 2 mảng kinh doanh chính là ô tô và bất động sản.
Ông Nguyễn Anh Tú - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam hiện tại. |
Cũng trong năm 2019, vốn điều lệ của Tập đoàn Thành Công đạt 3.500 tỷ đồng. Tập đoàn đang nắm giữ 37,5% cổ phần của Hyundai Thành Công. Số cổ phần còn lại do các cá nhân thân cận với ông Nguyễn Anh Tuấn nắm giữ. Lợi nhuận của Hyundai Thành Công, vì thế, một phần chảy về Tập đoàn Thành Công, còn đa phần chảy về túi các cổ đông cá nhân.
Trong vai trò “holdings”, Tập đoàn Thành Công gần như không có doanh thu. Năm 2019, công ty chỉ thu về vỏn vẹn 27 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận của công ty đạt 193 tỷ đồng nhờ thu nhập tài chính 243 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Tập đoàn Thành Công thu về từ các công ty liên doanh, liên kết.
Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Tập đoàn Thành Công hơn 6.300 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết hơn 3.000 tỷ đồng và các khoản đầu tư khác hơn 1.200 tỷ đồng.
Năm 2019, Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam – đơn vị nòng cốt trong hoạt động kinh doanh ô tô của TC Motor – đạt doanh thu gần 43.200 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, mảng ô tô của THACO đạt 52.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán xe đạt 46.300 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý là trong khi lợi nhuận trước thuế mảng ô tô năm 2019 của Thaco giảm sâu từ 6.300 tỷ xuống còn 3.700 tỷ thì lợi nhuận của Hyundai Thành Công lại tăng vọt từ 669 tỷ lên 4.600 tỷ đồng.
Bên trong nhà máy TC Motor. |
Tuy nhiên Hyundai Thành Công chỉ là 1 pháp nhân trong hệ sinh thái kinh doanh ô tô của TC Motor nên có thể chưa phản ánh đầy đủ doanh thu/chi phí của cả tổ hợp còn số liệu của THACO đã được hợp nhất đầy đủ các công ty.
Bên cạnh Hyundai Thành Công, Thành Công Group còn có 2 công ty thành viên quan trọng khác là CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTMV) và CTCP Hyundai Thành Công Thương mại (HTCV). Đây là 2 liên doanh sản xuất ô tô do tập đoàn Hyundai trực tiếp nắm giữ 50% vốn. Năm 2019, HTMV ghi nhận 25.000 tỷ đồng doanh thu và 1.159 tỷ đồng lợi nhuận.
Nhờ hoạt động kinh doanh ô tô phát đạt trong nhiều năm qua của công ty thành viên, Tập đoàn Thành Công duy trì lượng tiền mặt dồi dào. Cuối năm 2019, Công ty có 700 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Thành công với Hyundai trong lĩnh vực ô tô thúc đẩy Thành Công hợp tác sâu với tập đoàn Hàn Quốc sang lĩnh vực bất động sản. Đầu năm 2019, Thành Công và Hyundai E&C đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.
Tại Việt Nam, Hyundai E&C tham gia tổng thầu nhiều công trình lớn: Khách sạn JW Marriot tại Hà Nội; toà tháp Bitexco tại TP Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc hoá dầu Long Sơn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên thực tế, Tập đoàn Thành Công đã bắt đầu gia nhập lĩnh vực bất động sản từ năm 2012 với dự án có quy mô 5,4ha tại Quảng Nam. Đây là dự án hợp tác với The Shilla Hotels & Resorts, thuộc Samsung, khu nghỉ dưỡng (resort) 5 sao mang tên Shilla Monogram Quangnam Danang đã được khai trương vào ngày 26/6 vừa qua.
Hiện nay, Thành Công sở hữu danh mục dự án với một số cái tên đáng chú ý như Khu căn hộ 345 Đội Cấn, Khu du lịch sinh thái Cầu Đôi (11,4ha), Dự án nâng cấp Khách sạn Thủy Tọa gần 10.000 m2 thành tổ hợp Khách sạn 5 sao và khu biệt thự kinh doanh tại Hà Nội, hay Dự án Căn hộ - văn phòng - khách sạn tại 245 Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).
Theo thời gian, quy mô dự án bất động sản do Tập đoàn Thành Công triển khai ngày càng lớn dần lên. Năm 2018, Thành Công thông qua công ty con là Công ty TNHH TCG Land đã mua 75% cổ phần trong Công ty Đầu tư PV-Inconess, qua đó sở hữu hai dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng diện tích 670ha và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái quy mô 2.185ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án này lên tới 472 triệu USD.
Gần đây Tập đoàn Thành Công còn được nhắc đến trong việc tham gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, với việc đầu tư vào Eximbank. Trong một văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank (khi đó là ông Lê Minh Quốc) vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết nhóm Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này.
Trong đó, Công tyTập đoàn Thành Công đã sử hữu 60,54 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 4,9%), Hợp tác xã cổ phần Thành Công nắm 44,72 triệu cổ phần EIB (chiếm tỷ lệ 3,62%) và ông Nguyễn Tiến Dũng ủy quyền 54,97 triệu cổ phần EIB (chiếm 4,45%).
Tuy vậy đến nay chưa có thông tin chính thức nào được công bố về khoản đầu tư này và đại diện liên quan đến Thành Công cũng chưa xuất hiện trong ban lãnh đạo của Eximbank.
Chủ tịch HĐQT Thành Công Group là ông Nguyễn Anh Tuấn - một doanh nhân vô cùng kín tiếng và bí ẩn trước truyền thông.
Ông Nguyễn Anh Tuấn là người rất ít khi công khai chia sẻ về thông tin cá nhân hay đời sống riêng tư của mình. Ông chỉ thường xuất hiện trên trước giới truyền thông khi có thông tin liên quan đến tập đoàn Thành Công hoặc các thương vụ đầu tư, hợp tác của đơn vị này.
Mới đây nhất, ông chủ của Thành Công Group đã khiến dư luận xôn xao khi tham gia vào cuộc “nội chiến” tại Ngân Hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) sau một thời gian thu gom cổ phiếu của ngân hàng này và có những tác động vào Hội đồng quản trị tại Eximbank.
Thành Công Group được ông Nguyễn Anh Tuấn và gia đình nắm giữ cổ phần chi phối, có quyền quyết sách mọi vấn đề. Tính tại thời điểm tháng 3/2019, Thành Công Group có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng. Trong đó, bản thân Chủ tịch HĐQT nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 45,75%.
Người thân của ông Tuấn cũng lần lượt nắm giữ số lượng cổ phiếu không nhỏ, bao gồm vợ ông Tuấn là bà Lê Hồng Anh (24,25%), em trai Nguyễn Toàn Thắng giữ 10%, em trai Nguyễn Thành Công có 2,13%. Ngoài ra, tổng giám đốc Lê Ngọc Đức sở hữu 5% cổ phần của tập đoàn.
Không chỉ góp vốn, các mảng kinh doanh khác nhau trong hệ sinh thái Thành Công Group đều được phân chia rõ ràng, mỗi thành viên trong gia đình đều đóng vai trò quan trọng.
Nếu ông Nguyễn Anh Tuấn là người thuyền trưởng lèo lái cả con thuyền Thành Công ở cương vị Chủ tịch HĐQT thì vợ ông - bà Lê Hồng Anh phụ trách lĩnh vực bất động sản; em trai ông - ông Nguyễn Toàn Thắng đảm trách Công ty TNHH Phát triển Xây dựng và Thương mại (DCC) - đối tác phân phối độc quyền máy công trình của Doosan Infracore và Ammann (Thuỵ Sĩ); anh trai ông - ông Nguyễn Quốc Hoàn điều hành của gần chục công ty phân phối ô tô với thương hiệu Thành An tại các tỉnh, thành.
Tổng giám đốc Lê Ngọc Đức chịu trách nhiệm đứng tên và điều hành 2 đơn vị quan trọng nhất, có vốn điều lệ lên tới 1.500 tỷ đồng, là CTCP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam và CTCP Hyundai Thành Công Thương mại.
Theo website chính thức của TCmotor thì hiện tại đơn vị này có tới 84 đại lý bán xe Hyundai trên cả nước.
Tuy nhiên, cách kinh doanh của không ít đại lý Hyundai đã làm người tiêu dùng "nản chí" khi có ý định mua xe Hyundai. Cụ thể, vào đầu năm 2022 theo Vietnamnet đưa tin khi có nhu cầu mua xe Hyundai Tucsson bản 2.0, anh Lê Công Cường ở Đống Đa, Hà Nội được đại lý báo giá lên đến 1,090 tỷ đồng, tức chênh so với giá niêm yết hãng 60 triệu, anh Cường bức xúc: "Các đại lý đang lợi dụng độ hot của xe và việc giảm thuế để "bắt chẹt" khách. Tôi nói thật, xe thì tôi cũng thích đấy, nhưng tôi không dại gì dâng 60 triệu cho không đại lý như vậy".
Đến tháng 2/2022, khi mẫu xe Hyundai Creta của Hyundai, sản phẩm được nhập nguyên chiếc từ Indonesia trong tháng 3/2022 với mức giá công bố thời điểm ra mắt cho ba phiên bản tiêu chuẩn lần lượt là 620, 670, 730 triệu. Thì vào tháng 4/2022 theo khảo sát, nhiều đại lý tại Hà Nội đều báo giá Creta 2022 cao hơn từ 30 đến 50 triệu đồng.
Cũng trong tháng 4/2022, theo Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử của Tòa án nhân dân tối cao thì một số xe như Hyundai SantaFe, Tucson thậm chí còn tăng giá chênh chóng mặt theo từng ngày khiến khách hàng không khỏi đau đầu, bỏ cọc giữa chừng dù trước đó đã chấp nhận chi tiền "lạc" và kiên nhẫn chờ đợi trong khoảng thời gian khá dài.
Không chỉ Hyundai Creta mà hỏi mua Hyundai Tucson 2.0 AT máy dầu, nhưng chị H. (Hà Nội) được nhân viên sale thông báo chưa có giá chính thức cho tháng 4, và khuyến cáo giá chênh sẽ vào khoảng 70 triệu đồng.
Sau khi chấp nhận với mức "lạc" này, chị Hiền được hẹn đến đại lý làm hợp đồng đặt cọc xe giao trong tháng 4 nhưng lại thất vọng vì bị đại lý báo giá xe đã tăng.
“Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đại lý báo giá chênh tăng từ 70 triệu lên 122 triệu đồng. Tôi thật không hiểu nổi. Nhân viên sale thì kiểu khách nhắn hoặc gọi thì trả lời, không hề chủ động kết nối, tư vấn cho khách. Thậm chí đến lịch hẹn vẫn không gọi hoặc nhắn cho mình được một tiếng. Lần đầu mua xe mà như đi xin ấy", chị H. bức xúc kể.
Tương tự như trường hợp của chị H., anh Lê N. ở Thanh Trì, Hà Nội, đặt xe Tucson từ đầu tháng 1 với mức chênh giá thời điểm đó là 30 triệu đồng, đại lý hẹn giữa tháng 3 có xe. Nhưng đến nay vẫn không có xe, anh đã quyết định trả cọc.
“Sau khi lên đại lý trình bày vì đợi xe lâu nên muốn rút cọc thì nhân viên sale báo có xe Tucson 1.6 Turbo luôn với giá 1,120 tỷ (chênh 100 triệu đồng). Mức “lạc” này tăng 70 triệu đồng so với khoản tiền chênh 30 triệu tôi đồng ý trả trước đó. Có nghĩa là đại lý bữa giờ vẫn có xe, nhưng vì ban đầu tôi trả với mức chênh giá thấp quá nên họ om hợp đồng, báo chậm. Họ làm vậy để câu khách hàng nào chịu chi, cần xe hơn thì bán. Sau khi nghe mức giá mới tôi “quay xe” ngay và luôn. Thực sự rất thất vọng”, anh Ngọc nói.
“Người đã cọc xe thì bị trả cọc, trong khi đại lý ngày ngày vẫn thông báo giá "lạc" cao, có xe giao luôn và ngay. Khách bị trả cọc không thể hiểu nổi vì sao?. Mua Hyundai tầm này dành cho người sẵn sàng chi tiền chênh 100 triệu trở lên thì phút mốt có xe. Từ đại lý đến nhân viên đều kỳ kèo, làm giá, tìm cách moi tiền khách. Họ vô tình đánh mất giá trị của Hyundai trong mắt khách hàng”, anh Trường (Quảng Ninh) chia sẻ.
Anh khẳng định mình mua xe mới 100% với giá niêm yết tại thời điểm đó là 415 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ một thời thời gian ngắn sử dụng, anh Lộc phát hiện phía trước xe có dấu hiệu sơn lại, chạy trên đường ồn hơn so với các xe khác cùng nhãn hiệu.
Mặc dù sau đó đã được bộ phận dịch vụ sửa chữa của Hyundai xác nhận bị lệch lái đưa vào sửa chữa nhưng đến nay vẫn không khắc phục được.
Gần đây, anh Lộc nhận được một clip quay hình ảnh một chiếc xe giống của mình, trùng hợp số khung và số máy bị tai nạn móp méo phía trước đưa vào xưởng sửa chữa trước thời điểm giao xe cho khách hàng.
Cũng theo anh Lộc do bị tai nạn nên chiếc xe mua về trước đó đã có một số chi tiết được Hyundai Hải Phòng thay thế.
Cùng với chiếc xe của anh Phạm Bá Lộc, một khách hàng khác là anh Bùi Đức Tuyến cũng phản ánh vào cuối tháng 1/2018, gia đình anh đặt mua một chiếc xe chiếc xe ôtô mới nhãn hiệu Hyundai Grand I10 1.0. Tuy nhiên gần đây anh Tuyến cũng nhận được thông tin trước khi được bàn giao, chiếc xe của anh đã bị tai nạn và sửa chữa.
Sau đó anh Lộc đã liên hệ với phía Hyundai Hải Phòng thì lập tức nhận được một sự “thỏa thuận” không nằm trong quy định nào của hãng đưa ra.
Cụ thể ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Hyundai Hải Phòng có ký bản “Cam kết hài lòng khách hàng”, trong đó miễn phí thay dầu động cơ trong vòng 1 năm. Đồng thời hỗ trợ cứu hộ xe 24/24, không chỉ riêng xe mua của Hyundai Hải Phòng mà đối với tất cả các xe ôtô khác của gia đình khách hàng.
Tại bản cảm kết, ông Đặng Anh Dũng đã thừa nhận trước khi giao cho gia đình anh Bùi Đức Tuyến, xe có bị xước phần đuôi nhưng không ảnh hưởng đến động cơ, trang thiết bị khác trên xe đều hoạt động tốt.
Trước nghi vấn bán hàng không trung thực của Hyundai Hải Phòng, các khách hàng đều tỏ ra bức xúc và đề nghị Báo CAND xác minh làm rõ sự thật và yêu cầu đơn vị bán hàng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo thông tin phóng viên có được, hai chiếc xe của hai khách hàng tố cáo trên có trùng số khung, số máy với hai chiếc xe đã bị tai nạn ngày 19/11/2017, tại đám cưới của ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Hyundai Hải Phòng.
Theo những nhân chứng có mặt tại hiện trường, thời điểm đoàn rước dâu của họ nhà trai đi từ phường Đằng Lâm (quận Hải An) về đến xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, cùng TP Hải Phòng) thì có 3 xe ôtô đi liền nhau va chạm, trong đó có 2 xe cùng nhãn hiệu Hyundai I10 không mang biển số.
Anh T., nhân viên Phòng kinh doanh Hyundai Hải Phòng điều khiển một trong 2 chiếc xe không mang biển số bị tai nạn cho biết, trong lúc di chuyển chiếc xe Santafe của một lãnh đạo của Công ty đi trước bất ngờ phanh gấp khiến xe của anh không kịp phanh đã tông vào phần đuôi. Tiếp đó chiếc xe đi sau cũng không kịp phanh tông vào xe của anh T. điều khiển, khiến cả 3 xe đều hư hỏng…
Vụ tai nạn xảy ra còn có nhiều người cùng dự đám cưới chứng kiến và dùng điện thoại thông minh ghi lại hình ảnh. Cũng theo anh T., sau tai nạn cả 2 chiếc xe không mang biển số được đưa về xưởng của Hyundai Hải Phòng để sửa chữa.
Quá trình tìm hiểu, phóng viên được biết, ngày 27/11/2017, tức là sau khi tai nạn xảy ra, ông Đặng Anh Dũng đã ký trong báo giá sửa chữa tại phần chấp thuận của khách hàng cho chiếc xe Hyundai I10 không biển số có số khung RLUG8W1CBHN002959, với tổng số tiền là 9.141.000 đồng.
Trong đó có các hạng mục sửa chữa như: khắc phục cản trước cản sau; khắc phục xương khoang lốp; sơn cản trước, cản sau, khoang lốp và khoang cốp sau…
Trước đó ông Đặng Anh Dũng cũng đã ký trong phần khách hàng của quyết toán sửa chữa chiếc xe Hyundai I10 số khung RLUG8S1DBHN005325, với tổng giá trị 21.901.000 đồng. Trong đó các hạng mục sửa, thay thế chữa gồm; cản trước, ca lăng, két nước, giàn nóng, xương đỡ cản trước…
Trong quá trình 2 phương tiện trên đưa vào xưởng của Hyundai Hải Phòng để khắc phục sửa chữa, toàn bộ hình ảnh đã được một số nhân chứng ghi lại bằng điện thoại cung cấp cho phóng viên.
Báo Pháp luật TP HCM cũng đưa tin, khách hàng Đỗ Đức Phú tìm đến đại lý Hyundai Kinh Dương Vương (701 Kinh Dương Vương, P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP HCM) để mua dòng xe Elantra năm 2018 có trang bị hệ thống cân bằng điện tử. Sau khi bỏ ra hàng trăm triệu ký hợp đồng mua và mang xe về nhà, ông Phú mới biết đại lý giao xe đời cũ cho mình.
Đầu tháng 1-2018, ông Đỗ Đức Phú (ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) đến mua xe mới tại đại lý Hyundai Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân, TP.HCM).
Ông Phú cho biết khi đặt cọc làm hợp đồng, nhân viên sales tại đại lý có tư vấn rằng xe thuộc đời 2018 có cân bằng điện tử, bảo ông nên lấy dòng xe mới này. “Theo như hợp đồng đưa tôi xem thì mẫu xe Hyundai Elantra tôi đặt thuộc phiên bản số tự động, mới 100% và sản xuất năm 2018. Như vậy chắc chắn mẫu xe tôi đặt được sản xuất năm 2018 nên tôi mới ký vào biên bản hợp đồng đặt cọc giữa hai bên”, ông Phú nói.
Đến tháng 2/2018, theo yêu cầu của ông Phú, đại lý này giao xe Hyundai Elantra 1.6 AT có giá 609 triệu đồng. Theo hợp đồng thì đây là dòng xe mới hoàn toàn, sản xuất năm 2018, công suất động cơ là 1,6 lít và có hộp số tự động. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, ông Phú cứ đinh ninh đây là dòng xe mới có thêm chức năng cân bằng điện tử, như trao đổi từ đầu. Nhân viên sales của đại lý đi đóng thuế (xe) vẫn nhắn tin qua zalo và xác nhận với anh Phú là xe có cân bằng điện tử.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng ông Phú phát hiện xe không có hệ thống cân bằng điện tử như trao đổi từ đầu.
Cảm thấy ấm ức vì không được giao xe đúng theo nhu cầu, ông chạy đến đại lý mua xe để khiếu nại. Đại lý Hyundai Kinh Dương Vương - đại diện là Công ty TNHH Nguyễn Quang Sài Gòn Ô tô (701 Kinh Dương Vương, P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP HCM) cho biết nhân viên bán xe cho ông Phú đã nghỉ việc. Trưởng phòng kinh doanh đại lý này là một phụ nữ trẻ tên Diễm cho ông Phú biết rằng ông đã nhầm lẫn từ đầu, vì xe có cân bằng điện tử phải có thêm chữ ESP phía sau thông số động cơ. Nhưng hợp đồng ông không có chữ này.
Ông Phú không đồng ý với cách giải thích trên và đòi gặp quản lý cao hơn, nhưng giám đốc đại lý đang đi công tác. Ông tiếp tục liên hệ với đại diện Hyundai tại Việt Nam là Công ty Hyundai Thành Công. Đơn vị này chuyển yêu cầu khiếu nại (qua hotline công ty) của ông Phú về lại Hyundai Kinh Dương Vương.
Ngày 15/9/2018, ông Đỗ Đức Phú đã có buổi làm việc với đại lý Hyundai Kinh Dương Vương có sự tham gia của ông Hoàng Liên Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Quang Sài Gòn ô tô và nhân viên kinh doanh tư vấn bán xe cho ông Phú. Tuy nhiên buổi hòa giải bất thành, phía nhân viên và đại lý cho rằng không tư vấn cho ông Phú mẫu xe có cân bằng điện tử.
Sau khi có thông tin đại lý Hyundai Kinh Dương Vương bị tố giao nhầm xe cho khách hàng, đại diện Hyundai Thành Công cho biết đã nắm được vụ việc. Tuy nhiên, theo đại diện Hyundai Thành Công, vụ việc xuất phát từ việc thỏa thuận bằng miệng giữa khách hàng và nhân viên sales của đại lý. Đây là thuộc trách nhiệm giữa đại lý với khách hàng.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Phú cho rằng hợp đồng bán xe của Hyundai Kinh Dương Vương có dấu hiệu lừa người tiêu dùng. Do đó, ông đang làm việc với luật sư riêng, nếu trong thời gian một tuần tới không được giải quyết thỏa đáng, ông sẽ kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi.
Ông Phú đang có nhiều bằng chứng về tin nhắn từ nhân viên bán xe cho ông luôn khẳng định là xe ông có hệ thống cân bằng điện tử. Hơn nữa, Hyundai Kinh Dương Vương nói xe sản xuất năm 2018 nhưng thực tế xe ông Phú nhận có thời gian sản xuất sớm hơn. Giấy kiểm định lô xe (có xe mà ông Phú mua) mà đại lý này cung cấp, được ký cuối năm 2017. Nghĩa là đời xe của ông Phú trước năm 2017, có thể là năm 2016 như thông số trên lốp xe (5216 - sản xuất vào tuần thứ 52 của năm 2016).
Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp đưa tin, vào đầu tháng 11/2020, trên một số hội nhóm sử dụng xe Hyundai, một số thành viên đã phản ánh về việc Accent phát ra tiếng kêu lọc cọc ở trục lái, gây cảm giác rất khó chịu. Thông tin này sau đó được bàn luận sôi nổi do không ít khách cũng gặp tình trạng tương tự.
Một số khách hàng chán ngán khi xe gặp hiện tượng nêu trên nhưng một số đại lý không chấp nhận bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm ủy quyền của Hyundai. Bức xúc trước cách giải quyết của đại lý, một số thành viên trong nhóm Hyundai Accent đã rủ nhau dán decal lên thân xe như một cách để phản đối và “tìm công bằng” cho người dùng.
Trước động thái này, trao đổi với báo chí, TC Motor – đơn vị lắp ráp phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam đã lên tiếng thừa nhận có hiện tượng kêu nhỏ ở hệ thống lái trên một vài xe Accent của khách hàng. Âm thanh này phát ra từ cơ cấu trục vít, bánh răng trong cụm hệ thống lái. Bên cạnh đó, TC Motor cũng đưa ra chính sách bảo hành, sửa chữa phù hợp cho các xe Accent bị lỗi.
© thitruongbiz.vn