Đó là khuyến cáo của Bộ Y tế về tăng cường tiêm vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, người từng mắc Covid-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Về hiệu quả của liều tiêm nhắc lại, PGS.TS Hồng cho biết, tiêm mũi nhắc vaccine Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
Tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 để duy trì bền vững hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội |
Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vaccine phòng Covid-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 được triển khai rộng khắp hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng. Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vaccine Covid-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc xin đến gần với người dân.
Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vaccine ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng Covid-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học.
Đồng thời, ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế. Phản ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... tương tự như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm.
Tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội |
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lí chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương. “Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc”, ông Lân chia sẻ.
TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lí khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, tại Việt Nam, Hệ thống quản lí điều trị Covid-19 ghi nhận trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Để bảo vệ sức khoẻ của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng Covid-19.
URL: https://thitruongbiz.vn/tac-dung-cua-mui-tiem-nhac-lai-vaccine-phong-covid-19-mui-3-mui-4-d6739.html
© thitruongbiz.vn