Sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị đúng, kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng….Đáng sợ nhất của sốt xuất huyết là những biến chứng liên quan đến chảy máu. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là có một số loại thuốc lại làm tăng nguy cơ chảy máu, có thể làm trầm trọng thêm những biến chứng nguy hiểm này.
Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Bệnh có thể tiến triển thành bệnh sốt xuất huyết nặng, đặc trưng bởi sốc, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng và / hoặc suy giảm nội tạng nghiêm trọng.
Chẩn đoán sốt xuất huyết có thể khó khăn vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Cần nghi ngờ mắc sốt xuất huyết khi sốt cao kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau: Nhức đầu dữ dội; Đau sau mắt; đau cơ và khớp; Buồn nôn; nôn; Sưng hạch hoặc phát ban.
Các triệu chứng thường kéo dài từ 2-7 ngày, sau thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt.
Sốt xuất huyết nặng là một biến chứng có thể gây chết người. Hiện, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết / sốt xuất huyết nặng, nhưng việc phát hiện sớm và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp giúp giảm tỷ lệ tử vong.
Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.
Đặc biệt, các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với COVID-19, cộng với tâm lý lo ngại đi bệnh viện của nhiều người dân, nên nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. |
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh thành 2 loại chính, bao gồm: Sốt xuất huyết (có/không có dấu hiệu cảnh báo) và sốt xuất huyết thể nặng.
Đa phần các trường hợp sốt xuất huyết đều có khả năng tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có nguy cơ tiến triển thành thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Việc chia nhóm bệnh có và không có dấu hiệu cảnh báo giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh nhân nhập viện, đảm bảo theo dõi chặt chẽ và giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn.
Một trong những đặc điểm thường thấy của bệnh sốt xuất huyết là số lượng tiểu cầu trong máu giảm mạnh. Tiểu cầu là tế bào trong máu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Số lượng tiểu cầu giảm đồng nghĩa với khả năng xuất huyết cao hơn.
Có một số loại thuốc thông thường cần phải rất thận trọng hoặc tránh dùng khi bị sốt xuất huyết.
Aspirin: Aspirin hoạt động như một chất chống viêm giúp giảm sưng. Thuốc chống viêm được dùng làm thuốc giảm đau và cũng thường được dùng để trị đau đầu và sốt. Nếu dùng aspirin cho người bị sốt xuất huyết, nó có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu.
Aspirin có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu. |
Các thuốc giảm đau kháng viêm NSAID khác: Giống như aspirin, diclofenac và ibuprofen cũng thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này thường có cơ chế hoạt động tương tự như aspirin, nhờ đó làm giảm viêm trong cơ thể sau nhiễm trùng hoặc chấn thương. Chúng cũng là những loại thuốc không kê đơn thường được sử dụng.
Khi dùng diclofenac hoặc ibuprofen cho những người được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết làm gia tăng khả năng mắc các biến chứng liên quan đến chảy máu hơn.
Thuốc chống đông: Một loại thuốc khác được gọi là thuốc chống đông máu hoặc 'thuốc làm loãng máu' cũng có thể có gây tác dụng tương tự đối với người bị sốt xuất huyết.
Thuốc kháng sinh: Không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng sốt xuất huyết không biến chứng. Nhiễm trùng sốt xuất huyết có thể gây giảm bạch cầu đáng kể, về mặt lý thuyết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là ở những bệnh nhân nhập viện. Vì vậy, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.
Thời tiết mưa nhiều hơn dẫn đến sự gia tăng số lượng muỗi ở một số khu vực. Điều này góp phần gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết. |
- Tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Để ý các dấu hiệu cảnh báo.
- Không tự dùng thuốc; không dùng aspirin và các thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDvì có thể gây chảy máu.
- Không dùng thuốc kháng sinh vì bệnh sốt xuất huyết do virus gây ra và thuốc kháng sinh chỉ tấn công vi khuẩn.
Thời tiết mưa nhiều hơn dẫn đến sự gia tăng số lượng muỗi ở một số khu vực. Điều này góp phần gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết. Để hạn chế sự phát triển của quần thể muỗi tốt hơn, người dân không nên để nước đọng trong các vật chứa không có nắp đậy, cống rãnh, đồng thời cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Ngoài ra, phun thuốc diệt muỗi cũng có thể giúp kiểm soát quần thể muỗi.
Dọn dẹp nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, ngăn nắp, không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng. |
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Nên: Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát, mỗi lần ăn một ít. Tăng cường uống nhiều nước, bù điện giải bằng dung dịch oresol hằng ngày.
Không nên: Ăn những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng. Tránh các thức ăn, nước uống có màu đỏ sẫm: Huyết (heo, bò, gà…), củ dền, xá xị, socola… để hạn chế gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Không uống rượu bia, chất kích thích.
Chế độ nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng hay vận động mạnh. Uống thuốc hạ sốt theo đơn, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ. Súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc họng sát khuẩn, không dùng bàn chải đánh răng cho đến khi có hướng dẫn của nhân viên y tế.
Báo cho nhân viên y tế khi có các dấu hiệu cháy máu như: Chảy máu mũi, chân răng, đi cầu phân đen, tri giác lơ mơ… để có hướng xử trí kịp thời.
© thitruongbiz.vn