Shark Bình là ai và chân dung chủ tịch 8x của Tập đoàn NextTech
Shark Bình tên đầy đủ là Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1981, quê gốc ở Hà Nội. Ông là Chủ tịch Tập đoàn NextTech - Một tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tên tuổi như mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng... Shark Bình cũng là một trong những nhà đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam.
Được công chúng biết đến nhiều hơn qua chương trình Shark Tank Việt Nam, ngoài đời Shark Bình có cuộc sống hôn nhân viên mãn, hạnh phúc. Bà xã của ông là một 'nữ tướng' có tiếng trên thương trường. Con trai của Shark Bình dù mới 12 tuổi nhưng đã dành nhiều giải thưởng về công nghệ thông tin cho những phần mềm sáng tạo của mình.
Shark Bình được công chúng biết đến nhiều hơn từ chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3. |
Chân dung chủ tịch 8x của tập đoàn NextTech
Chân dung Shark Nguyễn Hòa Bình - Vị chủ tịch 8x của tập đoàn NextTech. |
Khởi nghiệp thành công từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Nguyễn Hòa Bình là người đam mê với việc tìm hiểu công nghệ kĩ thuật ngay từ nhỏ. Trong cuộc sống hàng ngày ông luôn tìm tòi khám phá máy tính và dần định hướng theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Shark Nguyễn Hòa Bình theo học tại Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng tham gia nhiều chương trình tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể kể đến như: Trí Tuệ Việt Nam, Tài năng trẻ tin học, Tuổi trẻ sáng tạo…
Năm 2001, khi đang là sinh viên năm 2 Đại học, Shark Nguyễn Hòa Bình đã lập Công ty giải pháp phần mềm Peacesoft với hoạt động chính là viết phần mềm cho các cơ quan doanh nghiệp. Start up với số vốn ít ỏi chỉ 2 triệu đồng, ông một mình chèo lái và đảm nhận nhiều vị trí. Những nỗ lực của ông bắt đầu khởi sắc khi Peacesoft gọi vốn thành công từ quỹ IDG Venture. Dự án thương mại điện tử này đã lọt vào mắt xanh của eBay và trở thành đối tác để thâm nhập thị trường Việt Nam của tập đoàn này.
Hoàn thành chương trình cử nhân trong nước, Shark Bình tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ tin học đô thị tại Nhật Bản.
Trong nhiều lần chia sẻ, Shark Bình cũng nói về hành trình khó khăn khi thành lập và phát triển PeaceSoft hay Nexttech sau này. Ông kể rằng gần 3 năm đầu khiến ông mệt mỏi bởi nghề đi 'code dạo' cứ ráo mồ hôi là hết tiền, những khi ốm đau không làm được là đói.
Khi ở Việt Nam bắt đầu phát triển Internet, nhà sáng lập NextTech khi đó đã bắt đầu nghiên cứu và tham khảo mô hình của eBay và Alibaba. Sau đó, ông xây dựng dự án và gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures tại Việt Nam. Nhờ vậy, PeaceSoft nhanh chóng thay đổi chiến lược, mở rộng quy mô, tuyển dụng nhân sự mở sàn thương mại điện tử Chodientu.vn.
Sau thất bại tại thị trường Trung Quốc, Tập đoàn eBay (Mỹ) chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á và PeaceSoft là ứng cử viên sáng giá được chọn làm đối tác kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam. Đây được cho là thời điểm cực thịnh của Peacesoft bởi theo ông Bình eBay xuất hiện ở Việt Nam đúng vào thời điểm dân Việt đang 'khát hàng ngoại'. Ebay.vn đã “chắp cánh” cho người Việt có thể mua sắm khắp thế giới. Nhân cơ hội đó, Peacesoft đã xây dựng thêm Nganluong.vn nhằm hỗ trợ thanh toán cho Chodientu.vn và eBay.vn.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại điện tử kéo đến. Khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam dần phát triển, các tên tuổi lớn như Lazada và Shopee lần lượt nhảy vào. Điều này dường như là một cú giáng trí mạng đối với Peacesoft khi đối tác chiến lược eBay không muốn tiếp tục cuộc chơi đốt tiền nên quyết định rời Việt Nam.
Sau khi ngừng hợp tác với eBay, ông Bình nhận ra, lượng mua sắm qua online chỉ chiếm 2%, còn đến 98% vẫn giữ thói quen mua sắm trong các môi trường truyền thống. Vị 'cá mập' cũng nhận định, trong cuộc chơi thương mại điện tử, PeaceSoft có thể yếu hơn nhiều lần so với các đối thủ đến từ nước ngoài, song, trong môi trường truyền thống, Peacesoft hoàn toàn có đủ khả năng phát triển mạnh mẽ.
'Tại sao không điện tử hóa các giao dịch truyền thống trong đời thực?', Shark Bình đặt câu hỏi. Từ đó, ông Nguyễn Hoà Bình chuyển hướng kinh doanh từ 'thương mại điện tử' sang phát triển 'điện tử hóa thương mại' và tầm nhìn về tập đoàn Nexttech được ra đời từ đó. Theo chia sẻ của ông, 'đứa con tinh thần' này đi theo hướng làm một sản phẩm công nghệ đóng gói thương mại, chứ không bán sức lao động là chính nữa. Shark Bình từng chia sẻ ông đặt kỳ vọng NextTech sẽ có thể phát triển như Alibaba. Shark Bình cho biết doanh nghiệp của anh học hỏi nhiều từ thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... mà Alibaba đã xây dựng.
Cho tới nay, NextTech trở thành một tập đoàn lớn mạnh với hơn 1.000 nhân viên hoạt động trên 7 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Đây là tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ tên tuổi như mPoS, VIMO, Boxme, FastGo, Ngân Lượng...
Theo thống kê năm 2018, sản lượng giao dịch của NextTech lên tới 1,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech cũng từng nằm trong danh sách những người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam giai đoạn 2007 - 2017.
'Cá mập' đồng hành cùng Startup Việt và nhiều phát ngôn 'khó đỡ'
Shark Nguyễn Hoà Bình nhận được đông đảo sự quan tâm khi xuất hiện trong chương trình thực tế Shark Tank Vietnam. Với kinh nghiệm nhiều năm khởi nghiệp, nam doanh nhân mang đến nhiều lời khuyên hữu ích cũng như những cam kết đồng hành cùng giới trẻ.
Ông chủ NextTech dành sự quan tâm đặc biệt cho startup truyền thống biết sử dụng công nghệ, startup công nghệ chuyển đổi số giải được bài toán về thị trường và bán hàng. Tham gia chương trình, nam doanh nhân cho biết ông luôn mang tâm thế trở thành tri kỷ của Startup trẻ cùng nhau phát triển và kiến tạo giá trị.
“Tìm ra “long mạch” và công thức tăng trưởng bền vững cho starup công nghệ, cùng hệ sinh thái rộng lớn tạo đột phá thị trường công nghệ Việt Nam và phát triển ra khu vực Đông Nam Á là những điều các doanh nhân công nghệ Việt tìm thấy tại Next100", Shark Nguyễn Hòa Bình tâm sự.
Tham gia Shark Tank Việt Nam năm 2019, Shark Bình đã để lại ấn tượng đặc biệt với các startup cùng khán giả truyền hình. Chỉ 2 tháng sau khi phát sóng tập đầu tiên của Shark Tank mùa 4, Shark Nguyễn Bình đã hoàn tất thương vụ đầu tư 500.000 USD vào Coolmate.me, nền tảng mua sắm thời trang nam giới trực tuyến. Khoản đầu tư này của Shark Bình nhằm tiếp sức cho startup Việt nhanh chóng phát triển, mở rộng ra khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ tạo nên sức hút mạnh mẽ trong từng tập của chương trình chuyên về khởi nghiệp, shark Bình còn gây ấn tượng bởi nhiều phát ngôn thẳng thắn, được ví như "gáo nước lạnh". Ông được mệnh danh là vị Shark “phũ" nhất chương trình bởi những phát ngôn "khó đỡ" này
Trước các startup lên truyền hình gọi vốn định giá khá "trên trời", shark Bình thường dùng những lời nhận xét gay gắt đáp trả. Có những câu nói của shark Bình sau khi kết thúc đã làm "dậy sóng" mạng xã hội như:
"Em đến đây để đùa Shark à"?
"Dù em có định giá 250 triệu đồng thôi thì anh cũng không đầu tư. Lý do là các em đang làm một thứ vô nghĩa".
"Anh xin em đừng làm mô hình kinh doanh này nữa bởi vì em sẽ mất tiền".
"Bọn em dùng rất nhiều thuật ngữ chém, tự định giá 100 tỷ đồng, có khi không phải người của trái đất này".
"Tụi em giống anh cách đây 20 năm, rất non và xanh".
"Shark Tank là một sân chơi chỉ nói về tiền thôi".
"Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá".
"Sản phẩm của em quá đơn giản, làm cho tôi cảm thấy rất mất thời gian".
Không ít những tranh cãi đã nổ ra xung quanh những phát ngôn của Shark Bình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng vị Shark này có nhận xét rất chuẩn xác, sự lạnh lùng và thẳng thắn cần có ở một doanh nhân.
Shark Bình có nhiều phát ngôn 'khó đỡ' tại Shark Tank Việt Nam. |
Bóng hồng bên cạnh Shark Bình: Nữ chủ tịch xinh đẹp
Doanh nhân Đào Lan Hương - Vợ shark Nguyễn Hòa Bình rất xinh đẹp và tài giỏi trên thương trường nhưng cực kỳ kín tiếng đời tư.
Là một anh cả của các start-up và bước ra từ chương trình Shark Tank, doanh nhân Nguyễn Hoà Bình luôn khiến mọi người ngưỡng mộ bởi khối gia sản "khổng lồ" cùng những quan điểm thú vị về khởi nghiệp của bản thân. Chia sẻ về hành trình chạm đến thành công của mình, Shark Bình luôn đề cao vai trò của vợ - Doanh nhân Đào Lan Hương.
Bà Lan Hương từng là học sinh chuyên Hóa trường Hà Nội Amsterdam. Năm 18 tuổi bà đỗ Kinh tế quốc dân và cùng chồng là Shark Nguyễn Hoà Bình khởi nghiệp khi chỉ vừa bước sang tuổi 19, 20 - Lứa tuổi gần như là mới chập chững bước chân vào đời sinh viên. Sau một quãng thời gian gần 20 năm, bà cùng Shark Bình sáng lập nên tập đoàn công nghệ có giá trị hàng trăm triệu USD.
Được biết cả hai hai đã cùng nhau start-up và tạo nên tên tuổi vững chắc trên thương trường. Có thể nói, bên cạnh cuộc sống hôn nhân, họ chính là "đôi bạn cùng tiến" trên hành trình xây dựng sự nghiệp.
Doanh nhân Đào Lan Hương - Vợ Shark Bình. |
Nữ doanh nhân cho biết bản thân đã phải làm việc vất vả, luôn trong tâm thế sẵn sàng lao vào xử lý mọi tình huống cấp thiết. Nói về khoảng thời gian đầy khó khăn đó, vợ Shark Bình bùi ngùi, bà vẫn chưa thể quên những đêm trường kỳ làm việc, xử lý hợp đồng dự án, sáng hôm sau tới trường như bình thường.
Đồng hành cùng chồng trong suốt chặng đường từ con số 0 cho đến ngày nay, nữ doanh nhân vừa là hậu phương vừa là người xông pha trên thương trường. Mặc dù trải qua không ít những khó khăn, nhưng đối với bà đó chính là một bước ngoặt giúp bản thân trở nên mạnh mẽ hơn; tiếp thêm động lực để bà không ngừng cống hiến và tạo ra nhiều giá trị khác cho cuộc đời.
Sau khi ổn định cơ ngơi cho chồng, nữ doanh nhân quyết định tạo dựng hướng đi riêng đúng với đam mê bản thân. Sau hơn 3 năm nghiên cứu và phát triển, hiện tại học viện sáng tạo dạy lập trình cho trẻ em do vợ Shark Bình sáng lập đã đạt được những thành công nhất định.
Là người phụ nữ "giỏi việc nước, đảm việc nhà", doanh nhân Đào Lan Hương rất kín tiếng trên mạng xã hội. Qua một vài hình ảnh hiếm hoi, cô vẫn giữ được nhan sắc tươi trẻ dù đã có "cá mập con" và bận rộn với công việc. Bên cạnh những giờ làm việc, nữ doanh nhân thường dành thời gian cho thể thao và chăm sóc con cái.
Tuy nhiên, thông tin từ Shark Bình trả lời báo chí mới nhất cho biết: Shark Bình và nữ doanh nhân Đào Lan Hương đã "đường ai nấy đi" được khoảng hơn 2 năm.