Theo đó, lũy kế doanh thu cả năm của chủ thương hiệu bia Sài Gòn đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021, tương ứng trung bình thu gần trăm tỷ đồng mỗi ngày.

Con số này vượt trội so với hai năm trước đó và bằng khoảng 92% mức trước dịch (năm 2019). Doanh thu tăng 33% so với năm 2021, nhưng giá vốn chỉ tăng 29% khiến lợi nhuận gộp của Sabeco tăng mạnh, từ 7.600 tỷ lên trên 10.770 tỷ đồng.

“Công ty đang trải qua quá trình tối ưu hóa chi phí và tái cơ cấu sau khi được mua lại bởi ThaiBev, đã được nhiều kết quả khả quan về lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế”, theo Báo cáo phân tích mới nhất hồi tháng 11/2022 của Chứng khoán Phú Hưng.

Cả năm ngoái, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp nắm giữ 40% thị trường bia tại Việt Nam lãi sau thuế xấp xỉ 5.500 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ khi Sabeco về tay người Thái cuối năm 2017.

Kết quả này cũng giúp Sabeco tiếp tục bỏ xa một ông lớn ngành bia trong nước khác là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với doanh thu trên 8.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 626 tỷ đồng.

Sabeco đạt lợi nhuận cao nhất kể từ khi được chuyển giao cho người Thái vào cuối năm 2017 đến nay. Ảnh minh họa
Sabeco đạt lợi nhuận cao nhất kể từ khi được chuyển giao cho người Thái vào cuối năm 2017 đến nay. Ảnh minh họa

Năm 2022, Sabeco đề ra kế hoạch doanh thu thuần ở mức 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.581 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, công ty đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra trong năm qua.

Tổng tài sản của đại gia ngành bia tính đến hết năm 2022 là 34.465 tỷ đồng, tăng 13%, tương ứng tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 23.482 tỷ đồng, chiếm 68% tổng tài sản. Năm 2022, khoản tiền này đem về cho Sabeco gần 1.024 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Bên cạnh đó, Sabeco còn đầu tư 2.622 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị khác, đa số là các công ty bia. Chỉ số tồn kho của Sabeco cuối quý IV/2022 ở mức 2.193 tỷ đồng, tăng 31%. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn là 897 tỷ đồng, tăng 92% so với đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến cuối năm 2022, chiếm phần lớn 9.874 tỷ đồng nợ phải trả của Sabeco là 2.293 tỷ đồng cổ tức phải trả và 2.766 tỷ đồng nợ phải trả người bán ngắn hạn. Ngoài ra, công ty đang mang khối nợ 1.032 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm 2022.

Tập đoàn Thái Lan ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của Sabeco với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2017. Thapana Sirivadhanabhakdi, Giám đốc điều hành của ThaiBev Group, cho biết: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi, một tài sản quý hiếm trong số tất cả các nhà sản xuất bia trong khu vực”.

Việt Nam là thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, trị giá 26 tỷ USD và đứng thứ ba tại châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản (năm 2021).