TikTok tập trung thu hút phụ nữ Gen Z

Rủi ro tài chính với phụ nữ Gen Z khi ngày càng chi tiêu nhiều hơn trên TikTok
TikTok thúc đẩy phần đông phụ nữ Gen Z chi tiêu cho nhiều sản phẩm khác nhau. (Nguồn: BOF)

Phụ nữ ở độ tuổi 20 thuộc Gen Z đang là động lực chính thúc đẩy xu hướng chi tiêu trên TikTok. Họ dành nhiều thời gian để xem các video ngắn và dễ “mở hầu bao” để chi tiêu mua sắm hơn.

Theo chuyên gia phân tích thương hiệu Ellyn Briggs của Morning Consult, TikTok là một nền tảng tập trung vào phụ nữ thế hệ Gen Z. Các thuật toán của ứng dụng này, từ giai điệu đến nội dung “hot” đều nhắm đến nhóm đối tượng này, nhằm tăng thời gian sử dụng của họ.

Nhiều người có ảnh hưởng, người sáng tạo nội dung trẻ trên TikTok đăng các video “lôi kéo” sự quan tâm của nhóm khán giả nữ trẻ nhằm giới thiệu các sản phẩm từ một số thương hiệu cụ thể.

Nội dung câu chuyện thường xoay quanh việc họ đã mua sản phẩm này và sử dụng như thế nào. Đặc biệt, khi người chia sẻ ở cùng lứa tuổi với người xem, những thông điệp như “tôi mua được, bạn cũng thế” được truyền tải dễ dàng hơn, chỉ đơn giản như những chia sẻ thông thường về thói quen mua sắm, quản lý chi tiêu cá nhân giữa những người cùng trang lứa.

Các chuyên gia cho rằng, khả năng tài chính của những người sáng tạo nội dung này có thể gây hiểu nhầm với người xem, bởi vì họ có nguồn thu từ nền tảng do thu hút được nhiều người theo dõi, đồng thời họ cũng có thể nhận sản phẩm miễn phí khi quảng cáo cho thương hiệu nhất định.

Về bản chất, những nội dung có vẻ rất đời sống thực ra là những video quảng cáo, góp phần tăng nhu cầu chi tiêu của người xem.

“Câu chuyện lớn hơn là mức độ ảnh hưởng của cuộc sống ảo đối với cuộc sống thực của chúng ta. Có thể nói, TikTok đang thúc đẩy tiêu dùng bằng những nội dung rất thực tế”, Briggs phân tích.

TikTok là nền tảng có ảnh hưởng đáng kể đến cách thế hệ trẻ tiêu tiền, với hashtag #TikTokmademebuyit thu được hơn 8 tỷ lượt xem, theo ghi nhận của Morning Consult vào tháng 2.

Một báo cáo riêng của Morning Consult cho thấy tỷ lệ phụ nữ Gen Z sử dụng TikTok là khoảng 75%, cao hơn nhiều so với nam giới Gen Z là 62%.

Rủi ro về tài chính cá nhân

Rủi ro tài chính với phụ nữ Gen Z khi ngày càng chi tiêu nhiều hơn trên TikTok
Phụ nữ Gen Z ngày càng sử dụng TikTok nhiều hơn, chấp nhận nhiều rủi ro tiềm ẩn về tài chính cá nhân. (Shutterstock)

Khi hoạt động trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, thế hệ trẻ, nhất là phụ nữ, rất dễ bị ảnh hưởng bởi hội chứng tâm lý FOMO (tạm hiểu là một nỗi sợ hãi bản thân sẽ bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống mà người khác đã được trải nghiệm điều đó).

Nỗi lo lắng sẽ bỏ lỡ cơ hội nào đó, bất chấp áp lực kinh tế hay chi phí sinh hoạt cao, khiến người tiêu dùng trẻ quyết định bỏ tiền nhiều hơn vào các sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội, thậm chí cả những sản phẩm xa xỉ, đắt tiền.

Theo LendingTree, nợ phi thế chấp của Gen Z tại Mỹ đã tăng 99,3% từ tháng 3/2021 đến quý 1 năm 2023. Nợ của người tiêu dùng trẻ tuổi cộng lại lên tới mức trung bình là 10.797 USD/người. Số dư của nhóm tuổi này tăng vọt đối với các khoản vay cá nhân và số dư thẻ tín dụng, lần lượt tăng 1.292 USD và 1.771 USD. Đơn vị này đã phân tích hơn 150.000 báo cáo tín dụng từ quý 1 năm 2023 và 87.000 báo cáo khác từ tháng 3/2021.

Sophia Bera Daigle, nhà sáng lập Gen Y Planning, cho rằng “điều nên tránh nhất của một người trẻ ở độ tuổi 20 là tránh mắc nợ thẻ tín dụng”. Việc sống với nợ tín dụng khi còn trẻ sẽ dẫn đến “sự lún sâu” hơn đối với nhóm đối tượng này, cản trở họ trong các quyết định tài chính quan trọng hơn về sau này.

Quyết định tài chính thông minh: Tránh “bẫy” chi tiêu “quá tay”

Rủi ro tài chính với phụ nữ Gen Z khi ngày càng chi tiêu nhiều hơn trên TikTok
Quyết định chi tiêu thông minh vào độ tuổi 20 sẽ giúp người trẻ đạt được các mục tiêu tài chính về sau này.

Các chuyên gia tư vấn, phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20 nên cân nhắc hai điều sau khi quan sát những người cùng trang lứa chia sẻ về lối sống xa hoa để đưa ra những quyết định chi tiêu đúng đắn hơn, không bị “dắt mũi” bởi sự lầm tưởng.

1. Sự giàu có gây hiểu nhầm?

Một người nào đó thể hiện sự giàu có của mình qua những gì họ sở hữu hoặc mặc chỉ cho người xem thấy những gì họ đã chi tiêu chứ không phải cách họ đã đầu tư hoặc tiết kiệm.

Shaun Williams, đối tác và cố vấn tài sản tư của Paragon Capital Management, chia sẻ: “Khi bạn nhìn thấy dấu hiệu của sự giàu có, đó không phải là người giàu. Tiền đã chi tiêu đi là không còn nữa”.

Ngoài ra, người xem không có cách nào để biết những nhân vật trực tuyến kia đang nhận về được gì từ những hoạt động đăng tại nội dung trên Internet.

Những người có ảnh hưởng trên TikTok, Instagram và các nền tảng khác có thể được các công ty tư nhân tài trợ để thu hút người khác mua sản phẩm hoặc trải nghiệm.

Williams cho biết “thực tế, họ không phải lúc nào cũng tiêu tiền của mình” vào những mặt hàng mà họ quảng cáo. Bởi vậy, điều đó không thể hiện được gì nhiều về cách họ quản lý tài chính cá nhân như thế nào.

2. Nghĩ đến những kế hoạch dài hạn của bản thân

Phụ nữ có thể gặp khó khăn hơn trong việc phát triển tài chính cá nhân vì nhiều trở ngại, chẳng hạn như khoảng cách về tiền lương.

Theo Hiệp hội Đối tác Quốc gia về Phụ nữ và Gia đình, vào năm 2022, phụ nữ chỉ kiếm được 78 xu so với mỗi đô la đàn ông kiếm được.

Daigle cho biết, mặc dù phương tiện truyền thông xã hội có thể lôi kéo mọi người chi tiêu vượt quá khả năng của họ, nhưng người tiêu dùng cũng có thể sử dụng chúng để nhắc nhở bản thân mình về những cách hiệu quả hơn để sử dụng số tiền đó. Cho dù là đầu tư vào hưu trí, xây dựng khoản tiết kiệm khẩn cấp hay chuẩn bị cho các mục tiêu khác.

“Việc đặt nền móng cho tài chính cá nhân ở độ tuổi 20 là điều tuyệt vời giúp bạn thực sự có thể thúc đẩy các mục tiêu tài chính của mình ở độ tuổi 30”, Daigle nói.