Room tín dụng là gì?

Room tín dụng được chính thức triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn lạm phát rất cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục ở mức rất cao trong nhiều năm. Room tín dụng quy định tăng trưởng tín dụng tối đa của ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu mỗi năm.

Có thể hiểu đơn giản, room tín dụng là giới hạn cho vay của một ngân hàng.

Ví dụ: Ngân hàng HDBank có vốn chủ sở hữu là 4000 tỷ, Room cho vay 1 khách hàng sẽ là 4000*15% = 600 tỷ. Đó là giới hạn cho 1 khách hàng được vay. Như vậy Room đó đã hết, khách hàng đó không thể vay trên 600 tỷ.

Trong trường hợp khách muốn vay 1000 tỷ, HDBank và 1 vài ngân hàng khác sẽ “hợp vốn” để có room nhiều hơn cho 1 khách hàng.

Dựa trên mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào sức khỏe tài chính của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng.

Trước những tranh cãi xung quanh việc “Liệu có nên bỏ room tín dụng” không, ông Phạm Chí Quang (Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước áp dụng việc xét room tín dụng, bình quân tăng trưởng tín dụng lên tới 30%, có năm tăng 53,8%. Mức độ tăng trưởng lớn như vậy vượt rất xa khả năng quản trị của các ngân hàng thương mại, vượt xa khả năng cân đối vốn của các ngân hàng thương mại. Vì vậy dẫn đến hệ lụy lớn là mất khả năng thanh toán”.

Có thể hiểu việc, đặt ra quy định về room tín dụng nhằm mục tiêu kiểm soát từ sớm, từ xa việc tăng trưởng và chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng.

Room tín dụng là gì? NHNN sử dụng cơ sở nào để phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng?

Ngân hàng Nhà nước sử dụng cơ sở nào để phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng?

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Chỉ tiêu tăng trưởng định hướng 14% được Ngân hàng Nhà nước xây dựng trên cơ sở: Tình hình tăng trưởng tín dụng thực tế của năm 2021 (tăng 13,61%, cao hơn mức 12,17% của năm 2020); Mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 34/2021/QH15).

Căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất, theo kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.

Thứ hai, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng

Room tín dụng là gì? NHNN sử dụng cơ sở nào để phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng?
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng những tháng đầu năm 2022 tăng nhanh trước diễn biến phục hồi của nền kinh tế và tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tín dụng đến ngày 30/6/2022 tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 06 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua; trong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).

Đáng chú ý, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến tháng 6/2022 đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%); trong đó tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.

Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).