Trên trang Facebook Nya Chi và nhiều Facebook khác đang rầm rộ quảng cáo về một sản phẩm có tên “nước súc họng NECO - sản phẩm nước súc họng chặn COVID số 1 hiện nay, được Bộ Y tế cấp phép”.
Quảng cáo nước súc họng diệt COVID được quảng cáo rầm rộ trên Facebook. Ảnh chụp màn hình ngày 4/10.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, chủ sở hữu website necovietnam.com và tài khoản Facebook có tên Nya Chi - được cho là CEO của công ty TNHH TM&DV Cstar thường xuyên đăng tải các bài viết, các video quảng cáo sản phẩm xịt họng NECO, Cốt Thiên Ngọc NECO có tác dụng trị bách bệnh về răng miệng như: Hôi miệng, sâu răng, viêm lợi, chảy máu chân răng, nấm miệng. Đáng chú ý nhất là các quảng cáo về “nước súc họng NECO - sản phẩm nước súc họng chặn COVID số 1 hiện nay, được Bộ Y tế cấp phép”.
Ảnh chụp ngày 4/10/2021 trên Facebook Nya Chi.
Tuy quảng cáo rầm rộ như vậy nhưng NECO lại không công bố được giấy phép do Bộ Y tế cấp, mà trên website necovietnam.com đăng tải phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NECO số 8472/20/CBMP-HN do Sở Y tế TP Hà Nội cấp ngày 18/11/2020 được công bố là mỹ phẩm. Vậy tức là sản phẩm mà NECO đang quảng cáo không phải là thuốc chữa bệnh, không có tác dụng trị bệnh.
Mặt khác, đối với sản phẩm “nước súc họng kháng khuẩn NECO” đang được các tài khoản Facebook tung hô, lan truyền trên mạng xã hội chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng công dụng, cũng như công bố chính thức về sản phẩm này có công dụng “chặn COVID” hay không.
Được biết công ty TNHH TM&DV Cstar – chủ sở hữu thương hiệu NECO (có địa chỉ tại 228 Lệ Ninh kéo dài, phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An).
Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển video quảng cáo này cho ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế thì được khẳng định: "Đây là quảng cáo sai sự thật, cần xử lý nghiêm".
Hiện nay Bộ Y tế chưa từng công bố cũng như cấp phép cho sản phẩm nước súc miệng nào có tác dụng tiêu diệt COVID-19. Thế nhưng đánh vào tâm lý người tiêu dùng đang lo lắng vì dịch bệnh, thông tin này vẫn được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa đảo người dùng.
Bộ Y tế hiện đang khuyến cáo, người dân là tuân thủ 5K, tiêm vaccine và ứng dụng công nghệ, đó là những “lá chắn COVID-19” hữu hiệu nhất giúp vượt qua đại dịch trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT - quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm. Theo quy định, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. (Quy định tại điểm 1.6 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). |
© thitruongbiz.vn