Theo lãnh đạo xã Dương Tơ, từ năm 2018 khi Phú Quốc nhiều lần xảy ra các đợt sốt đất thì nhiều tổ chức, cá nhân ở một số tỉnh thành khác đã đổ về khu vực đất rừng trên để san ủi, làm đường bê tông, phân lô cất nhà. Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu những người này lên làm việc nhưng họ phớt lờ không hợp tác, thậm chí một số bỏ đi suốt thời gian dài.

Trong số 79 căn biệt thự xây dựng trái phép trên khu đất, hiện chính quyền đã cưỡng chế phá dỡ 11 căn, nhiều đoạn đường bê tông dẫn vào khu vực cũng bị phá dỡ.

Với những căn nhà còn lại, chính quyền yêu cầu chậm nhất đến ngày 20/9, chủ công trình phải cung cấp hồ sơ liên quan cho UBND xã, sau thời gian này sẽ bị xử lý theo quy định.

Phú Quốc: Phát hiện 79 căn 'biệt thự' xây trái phép
Phá dỡ biệt thự xây trái phép. Ảnh Thanh Niên

Việc xây dựng trái phép bắt đầu từ 4 năm trước khi Phú Quốc bắt đầu những cơn sốt đất. Nhiều công dân từ các tỉnh, thành khác tập trung về khu vực ấp Đường Bào để san ủi cây rừng, làm đường bên tông, phân lô cất nhà trên đất Nhà nước quản lý.

Phú Quốc được ví như “đảo ngọc” hay “thiên đường” du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm qua tình trạng xây dựng trái phép diễn ra tấp nập ở đây.

Để xử lý tình trạng “nhức nhối” trên, UBND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành nhiều đợt kiểm ra, rà soát. Hơn hai tháng qua, tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra, xử lý, thu hồi gần 140 ha đất rừng, đất quy hoạch lâm nghiệp bao chiếm trái phép.

Đến nay, 11 vụ vi phạm đã được chuyển sang cơ quan điều tra về tội huỷ hoại rừng, đã khởi tố 7 vụ án với 11 bị can, ba vụ đang được củng cố hồ sơ. Hạt kiểm lâm TP Phú Quốc từ đầu năm đến nay đã xử phạt vi phạm hành chính 165 vụ, phạt gần 1,5 tỉ đồng, buộc khắc phục trên 50 ha rừng...

Theo lãnh đạo TP. Phú Quốc, từ khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2018, thành phố đã cưỡng chế 646 vụ kể cả xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng.

Tháng 8/2022, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình khách sạn 12 tầng trên đường Trần Hưng Đạo (thuộc địa bàn ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) với tổng số tiền phạt hơn 60 triệu đồng.

Trong đó, 55 triệu đồng xử phạt với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng được duyệt với diện tích 2.746,8m2 và 6,5 triệu đồng đối với hành vi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích 473m2.

UBND TP Phú Quốc chỉ đạo, trong vòng 10 ngày, chủ đầu tư phải tháo dỡ toàn bộ công trình sai phép và trả lại nguyên trạng đất ban đầu. Trong trường hợp không chấp hành, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

Được biết, công trình khách sạn sai phạm này đã bị cơ quan chức năng Phú Quốc thanh tra, làm việc nhiều lần, đã lập biên bản vi phạm nhưng các lần đó chủ đầu tư đều không có mặt.

Phú Quốc: Phát hiện 79 căn 'biệt thự' xây trái phép
Tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà trái phép mọc lên như nấm tại ấp ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc.

Thậm chí, ở một số dự án nghỉ dưỡng quy mô khủng cũng từng phát hiện sai phạm trong xây dựng và quá trình khắc phục cũng kéo dài dai dẳng. Ví dụ điển hình nhất là sai phạm xây vượt tầng tại dự án khách sạn Hương Biển (tên gọi khác là Sea Shell) tọa lạc ở một trong những vị trí đẹp nhất tại “đảo ngọc” Phú Quốc. Được biết, dự án chỉ được xây dựng 7 tầng theo giấy phép xây dựng được cấp nhưng trên thực tế chủ đầu tư đã vượt lên 9 tầng. Sau khi bị phát hiện, dự án phải mất nhiều thời gian để “cắt gọt” hai tầng thừa.

Đáng nói, việc xây dựng 79 công trình "biệt thự" trái phép tại xã Dương Tơ xảy ra trong một thời gian dài, rầm rộ, có những công trình đã chuẩn bị đưa vào hoạt động nhưng dường như chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn những hành vi vi phạm này.

Điển hình như việc xây dựng của 79 "biệt thự" trái phép kể trên phải cần tới điện, nước, nhưng các cơ quan chức năng phụ trách đơn vị điện lực, cung cấp nước tại Phú Quốc đã làm gì khi nhận ra sự bất thường về việc sử dụng điện, nước tại khu vực ấp Đường Bào. Có phải các cơ quan chức năng này đã "tiếp tay" cho những công trình xây dựng trái phép kể trên?

Cần biết rằng, theo quy định tại Điều 4, Nghị định 180/2007/NĐ-CP:

Điều 4. Biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị

Hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:

1. Ngừng thi công xây dựng công trình.

2. Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.

3. Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.

4. Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

6. Ngoài các hình thức xử lý quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này thì đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị còn bị nêu tên trên website của Bộ Xây dựng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chính quyền địa phương đã ở đâu khi để cho các công trình vi phạm có thể xây dựng suốt một thời gian dài mới tiến hành cưỡng chế. Việc để cho các hành vi vi phạm kéo dài dẫn tới việc xử lý công trình vi phạm rất khó khăn, tốn kém chi phí... Đồng hời, tình trạng này còn gây ra những bức xúc cho người dân địa phương.