Đối tượng nào được vay vốn ngân hàng?

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định:

Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.

4. Có khả năng tài chính để trả nợ.

5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Những điều cần biết trước khi có ý định vay vốn ngân hàng, điều thứ 2 là vấn đề ai cũng quan tâm
Người vay vốn phải đáp ứng những điều kiện nhất định

Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:

1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

4. Để mua vàng miếng.

5. Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Vay tiền ngân hàng bắt buộc có tài sản thế chấp không?

Theo Điều 15 Thông tư 39, việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do ngân hàng và khách hàng thoả thuận. Nếu ngân hàng không yêu cầu tài sản thế chấp, họ phải tự chịu trách nhiệm về việc cho vay. Khách hàng phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.

Có thể hiểu về hai loại hình vay vốn phổ biến nhất như sau:

- Vay vốn ngân hàng không cần tài sản đảm bảo (vay tín chấp): là hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp. Ngân hàng dựa trên uy tín và khả năng trả nợ của người đi vay để quyết định duyệt vay và giải ngân. Hạn mức vay đa dạng từ 5 triệu đồng trở lên. Thời gian vay linh hoạt, từ 6 đến 36 tháng. Do đó, khách hàng vay tín chấp rất đa dạng, thường là cán bộ công nhân viên chức, người lao động trong các công ty, xí nghiệp,... hoặc những người cần gấp một số tiền cho tiêu dùng ngắn hạn.

Theo đánh giá chung, điều kiện vay tín chấp khá đơn giản và dễ dàng, hầu hết mọi đối tượng khách hàng đều có thể đáp ứng: Là công dân Việt Nam có độ tuổi từ 23 - 60 tuổi; Phát sinh thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng đối với cán bộ - công nhân - viên chức; Phát sinh thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng đối với thu nhập bằng tiền mặt.

Hồ sơ vay tín chấp thường bao gồm: Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực; Sổ hộ khẩu/Bằng lái xe; Bảng sao kê lương 03 tháng gần nhất có xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc giấy tờ chứng minh thu nhập; Hợp đồng lao động (nếu có); Giấy tờ khác tùy theo gói vay.

Những điều cần biết trước khi có ý định vay vốn ngân hàng, điều thứ 2 là vấn đề ai cũng quan tâm
Các ngân hàng tự quyết định điều kiện, thủ tục vay vốn nên người vay cần phải tìm hiểu kỹ theo nhu cầu vay của mình

- Vay vốn ngân hàng có tài sản đảm bảo (Vay thế chấp): là hình thức sử dụng tài sản cá nhân làm vật đảm bảo cho điều kiện vay vốn ngân hàng. Trong suốt thời gian vay vốn, khách hàng đi vay sẽ vẫn có quyền sử dụng các tài sản đã thế chấp. Ngân hàng chỉ giữ lại các giấy tờ pháp lý của tài sản như: giấy tờ đất, giấy đăng ký sử dụng xe,....Trong trường hợp xấu nhất khách hàng không còn khả năng trả nợ số tiền cần thiết, ngân hàng sẽ thực hiện thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo để tìm lại số tiền đã sử dụng trong công tác giải ngân gói vay.

Vay thế chấp tài sản có thể được giải ngân với số tiền lớn, căn cứ hoàn toàn vào giá trị tài sản mà khách hàng đi vay mang ra đảm bảo. Thời gian vay dao động từ 12-60 tháng, thậm chí lên đến 35 năm. Do đó, vay thế chấp thường được sử dụng cho các trường hợp cần nguồn vốn kinh doanh, mua nhà, đất, ô tô, vay du học,....

Vay thế chấp về cơ bản tương tự như vay tín chấp. Tuy nhiên người vay cần cung cấp thêm tài sản đảm bảo nhằm thỏa mãn điều kiện vay vốn ngân hàng bằng phương thức thế chấp.

Điều kiện vay thế chấp: Là công dân Việt Nam có độ tuổi từ 23 - 60 tuổi; Phát sinh thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng đối với cán bộ - công nhân - viên chức; Có đầy đủ giấy tờ chứng minh tính pháp lý của tài sản đảm bảo; Nguồn vốn giải ngân của gói vay không thấp hơn 70% giá trị tài sản đảm bảo (con số này có thể chênh lệch tùy theo gói vay).

Hồ sơ vay thế chấp thường bao gồm: Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực; Sổ hộ khẩu/Bằng lái xe; Bảng sao kê lương 03 tháng gần nhất có xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc giấy tờ chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động (nếu có); Các giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo: giấy tờ đất, giấy đăng ký xe, các loại giấy tờ có giá (cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi,...);

Lãi suất vay ngân hàng

Lãi suất vay ngân hàng là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng tính cho một khoản vay. Dựa vào đó các ngân hàng tính được tổng số tiền mà khách hàng vay cần trả hàng tháng.

Nhà nước cho phép ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa lĩnh vực phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Nhìn chung, lãi suất vay ngân hàng được chia thành 3 loại gồm lãi suất cố định, thả nổi và hỗn hợp. Mỗi sản phẩm tín dụng sẽ áp dụng một loại lãi suất khác nhau.

- Lãi suất cố định là mức lãi được giữ nguyên cho đến khi kết thúc thời gian vay vốn. Loại lãi này thường áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn.

- Lãi suất thả nổi được hiểu là loại lãi bị điều chỉnh, thay đổi theo thời gian, áp dụng cho tất cả các khoản vay. Thông thường, lãi suất thả nổi được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ lãi suất

- Lãi suất hỗn hợp là loại lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi, được áp dụng cho các khoản vay trung hoặc dài hạn theo gói ưu đãi của mỗi ngân hàng.

Những điều cần biết trước khi có ý định vay vốn ngân hàng, điều thứ 2 là vấn đề ai cũng quan tâm
Khách hàng thường quan tâm đến lãi suất thấp nhất

Bên cạnh đó, vay tín chấp (vay vốn không cần tài sản đảm bảo) và vay thế chấp (vay vốn có tài sản đảm bảo) là hai hình thức vay phổ biến hiện nay. Mỗi hình thức sẽ có lãi suất và cách tính lãi khác nhau. Lãi suất vay ngân hàng được cập nhật liên tục với đa dạng sản phẩm của các ngân hàng cho vay trên toàn quốc. Hiện nay, lãi suất vay tại các ngân hàng thường dao động từ 6 - 25%/năm, nhưng mức lãi suất vay này phụ thuộc vào từng ngân hàng, hình thức vay, ưu đãi, hoặc cách tính lãi suất. Thông thường, đối với vay tín chấp, mức lãi suất dao động từ 16 - 25%/năm, còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 12%/năm.

Do đó, trước khi vay vốn, khách hàng thường quan tâm đến lãi suất vay ngân hàng nào thấp nhất để phục vụ mục đích vay vốn của mình.

Đơn cử lãi suất vay của một số ngân hàng trong tháng 04/2022:

- Lãi suất vay tín chấp: Vietcombank (10,8-14,4%/năm), Vietinbank (9,6%/năm), VIB (17%/năm), VPBank (20%/năm), ACB (27%/năm), Sacombank (9,5%/năm), BIDV (11,9%/năm), TP Bank (17%/năm), Maritime Bank (23,2%/năm), OCB (20%/năm)

- Lãi suất vay thế chấp: Vietcombank (7,5%/năm), Vietinbank (7,7%/năm), VIB (8,8%/năm), VPBank (6,9-8,6%/năm), ACB (7,5-9.0%/năm), Sacombank (7,5-8,5%/năm), BIDV (6,6-7,8%/năm), TP Bank (6,9-9,9%/năm), Maritime Bank (6,99%/năm), OCB (5,99-7,2%/năm).

Mỗi ngân hàng tự quyết định thủ tục cho vay

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (ngân hàng) thì tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cho vay của ngân hàng.

Như vậy, thủ tục vay vốn cụ thể phụ thuộc vào từng ngân hàng và mục đích khoản vay. Tuy nhiên, hầu hết quy trình cho vay tại các ngân hàng đều có những bước chung như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và thẩm định cho vay

Bước 3: Phê duyệt khoản vay

Bước 4: Giải ngân

Bốn vấn đề ngân hàng quan tâm nhất trong hồ sơ vay vốn

Những điều cần biết trước khi có ý định vay vốn ngân hàng, điều thứ 2 là vấn đề ai cũng quan tâm
Ngoài các thông tin cơ bản, khách hàng cần tham khảo cụ thể với nhân viên ngân hàng tư vấn về khoản vay của mình

Đầu tiên là Phương án vay vốn hay còn gọi là mục đích sử dụng vốn vay. Có rất nhiều mục đích vay vốn khác nhau, miễn là nó nằm trong danh mục chấp thuận của ngân hàng là bạn sẽ được cho vay. Ngân hàng sẽ từ chối cho vay đối với các khoản vay để cờ bạc hoặc trả nợ cờ bạc. Nói chung là các khoản vay phục vụ cho mục đích bất hợp pháp.

Hai là Giá trị tài sản đảm bảo đối với các khoản vay có thế chấp bằng tài sản đảm bảo thì giá trị tài sản đó phải cao hơn giá trị khoản vay. Thông thường khách hàng sẽ được ngân hàng cho vay với 70% giá trị tài sản đó, có thể trình đặc cách lên đến 95% tùy đối tượng. Hàng hóa của doanh nghiệp cũng có thể thế chấp để vay vốn. Tuy nhiên, rất ít ngân hàng nhận thế chấp loại tài sản này do còn nhiều rủi ro.

Ba là Nguồn thu nhập để trả nợ - thông tin này nhằm đảm bảo khách hàng làm ăn tốt, trả nợ đúng hạn, đó là trường hợp tốt nhất cho cả hai bên vay và bên cho vay đều có lợi. Bất đắc dĩ lắm ngân hàng mới tịch thu tài sản của khách hàng, phát mãi tài sản. Những thủ tục này thường phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn để xử lý.

Cuối cùng là Lịch sử tín dụng của đối tượng đi vay. Nếu trong quá khứ bạn có nợ xấu mặc dù khoản nợ đó đã giải quyết xong nhưng nó vẫn còn lưu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (hay còn lại là CIC) thì ngân hàng vẫn có thể từ chối cho vay. Tùy vào mức độ nợ xấu của bạn thế nào mà ngân hàng sẽ đưa ra phương án khác nhau. Nhưng thông thường là nợ xấu thì phần lớn ngân hàng lập tức từ chối cho vay.

Các lưu ý khi nhận tư vấn tại các ngân hàng

Trên đây là một số thông tin bản về vay vốn ngân hàng. Để biết cụ thể điều kiện, thủ tục vay vốn ngân hàng, người vay cần liên hệ trực tiếp tới ngân hàng để được tư vấn. Tuy nhiên, khách hàng không nên phụ thuộc vào nhân viên tư vấn mà cần tìm hiểu trước để đảm bảo không tự kí vào những điều kiện bất lợi khi vay vốn.

Ví dụ, nhiều nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ như một điều kiện bắt buộc để hoàn thành thủ tục vay vốn. Theo pháp luật hiện hành, không có quy định nào yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm mới được vay vốn. Do đó, việc tìm hiểu trước những quy định hiện hành liên quan đến vay vốn ngân hàng rất quan trọng đối với người vay.

Trong quá trình nhận tư vấn từ các ngân hàng, người vay cũng cần phải lưu ý những vấn đề cơ bản sau: tìm hiểu về mức lãi suất, hạn mức vay, thời gian vay; kiểm tra lại thông tin trên hợp đồng vay, điều khoản điều kiện; kiểm tra lại số tiền được giải ngân theo đúng như đã thỏa thuận; yêu cầu nhận lại các hồ sơ từ phía ngân hàng; và luôn giữ liên lạc với ngân hàng để xử lý ngay những vấn đề phát sinh.