Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần (8-14/01/2024): Diễn biến thận trọng
Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần tới: Thận trọng chờ đợi thông tin. (Ảnh minh họa)

Chứng khoán Mỹ đứt chuỗi tăng điểm dài 9 tuần

Cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 10 tuần, với Nasdaq Composite chịu mức giảm mạnh nhất 3.25%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2023. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 1.52% và 0.59%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, chỉ số S&P 500 tiến 0.18% lên 4,697.24 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.09% lên 14,524.07 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 25.77 điểm (tương đương 0.07%) lên 37,466.11 điểm.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần (8-14/01/2024): Diễn biến thận trọng
Chứng khoán Mỹ đứt chuỗi tăng điểm dài 9 tuần. (Nguồn: vietnambiz.vn)

Chứng khoán Mỹ biến động vào ngày thứ Sáu khi nhà đầu tư đánh giá dữ liệu kinh tế sắp tới để xác định xem liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có bắt đầu giảm lãi suất hay không và khi nào.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 12/2023, tăng 216,000 việc làm, cao hơn so với dự báo tăng 170,000 việc làm trong tháng trước từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3.7%, là một dấu hiệu khác cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.

Báo cáo trên đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức cao 4.103%.

Thị trường lao động mạnh mẽ có nghĩa là Fed có thể trì hoãn đợt hạ lãi suất đầu tiên, điều mà nhà đầu tư đang dự báo. Trước khi dư liệu kinh tế ổn định xuất hiện vào ngày thứ Sáu, nhà đầu tư đang hy vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024 và hạ lãi suất 6 lần vào năm 2024. Những kỳ vọng đó sẽ cần phải được điều chỉnh lại.

Mặc dù chỉ số dịch vụ ISM tháng 12/2023 cho thấy hoạt động kinh doanh nhìn chung vẫn đang tăng trưởng, nhưng con số 50.6% thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với dự báo của Dow Jones là 52.5% và mức 52.7% của tháng 11/2023. Chỉ số này trên 50% đánh dấu ngưỡng tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt đến cuối năm 2023 khi nhà đầu tư dự báo Fed sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Chuỗi tăng theo tuần của S&P 500 đến cuối năm là chuỗi leo dốc dài nhất trong gần 2 thập kỳ và góp phần nâng tổng mức tăng trong năm của chỉ số này lên 24%.

Một yếu tố khác gây sức ép lên thị trường trong năm mới là sự hạ nhiệt của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Apple, đã bị hạ bậc tín nhiệm bởi 2 đơn vị nghiên cứu trong tuần này. Cổ phiếu Apple sụt 5.9% từ đầu tuần đến nay.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán giảm mạnh sau dữ liệu cho thấy lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao trở lại trong tháng 12/2023. Điều này đã đặt ra câu hỏi về thời điểm cắt giảm lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,4% xuống 7.689,61 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,4% xuống 7.420,69 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,1% xuống 16.594,21 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,2% xuống 4.463,51 điểm.

Trước đó, phiên ngày 4/1, chứng khoán châu Âu phục hồi sau khi để mất điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của năm, trong khi viễn cảnh ở Mỹ lại trái chiều khi sự nhiệt tình của nhà đầu tư với cổ phiếu của những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ tiếp tục giảm.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần 8-14/1/2024

Đồng USD

Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 102,43 điểm – tăng 0,01% so với giao dịch ngày 5/1.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần (8-14/01/2024): Diễn biến thận trọng
Diễn biến tỷ giá USD (DXY) những ngày vừa qua (Nguồn: Investing)

Đồng Đô la Mỹ chốt phiên tuần ở mức tăng nhẹ, hướng tới tuần mạnh nhất kể từ tháng 7. Chỉ số Dollar Index, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ khác, giao dịch cao hơn 0,01% ở mức 102,43, thiết lập mức tăng hàng tuần khoảng 1,3%.

Đồng Đô la đã phục hồi mạnh mẽ trong tuần này do khả năng phục hồi kinh tế đã khiến các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào quý đầu tiên của năm 2024.

Dữ liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy các nhà tuyển dụng tư nhân ở Hoa Kỳ đã bổ sung nhiều vai trò hơn dự kiến trong tháng 12, với bảng lương tư nhân ADP đạt 164.000 vào tháng trước, tăng từ mức điều chỉnh giảm 101.000 vào tháng 11.

Hôm thứ Tư, dữ liệu riêng từ Bộ Lao động cho thấy số người bỏ việc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 vào tháng 11, trong khi cơ hội việc làm ở Mỹ cũng giảm xuống mức thấp trong gần ba năm.

Các nhà phân tích tại ING cho biết: “Sự khởi đầu của giao dịch ngoại hối năm 2024 được đặc trưng bởi sự đảo ngược khiêm tốn của một số xu hướng rất lành tính, có rủi ro đã thống trị vào cuối năm ngoái”.

Đồng thời, các nhà phân tích cũng cho rằng, trọng tâm hiện tại là quan điểm đồng thuận về việc Mỹ hạ cánh mềm, trong đó lạm phát trở lại mục tiêu có thể cho phép Fed đưa lãi suất trở lại mức bình thường mà nền kinh tế không cần phải thu hẹp mạnh. Dự báo đồng USD có thể có nhịp giảm nhẹ trong tuần tới

Giá dầu thế giới

Dầu tăng mạnh do căng thẳng ở Trung Đông. Giá dầu tăng vào ngày thứ Sáu (05/01), khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chuẩn bị đến thăm Trung Đông để cố gắng ngăn chặn xung đột Israel – Gaza mở rộng.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần (8-14/01/2024)
Giá Dầu tăng mạnh do căng thẳng ở Trung Đông (Ảnh minh họa)

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 1.42 USD (tương đương 1.83%) lên 79.01 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.78 USD (tương đương 2.47%) lên 73.97 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong năm, gần như đã bù đắp được mức giảm trong ngày 04/01 sau khi dự trữ xăng và nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết vào ngày 04/01 rằng các lực lượng nước này đang lên kế hoạch tiếp cận có mục tiêu hơn ở phía Bắc và tiếp tục truy đuổi các thủ lĩnh Hamas ở phía Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi mối đe doạ xung đột ngày càng mở rộng vẫn tiếp diễn, ông Blinken dự kiến sẽ đến Trung Đông trong 1 tuần để thực hiện hoạt động ngoại giao.

Nhà đầu tư cũng theo dõi dữ liệu kinh tế vĩ mô để biết dấu hiệu khi nào cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu, vì việc lãi suất thấp hơn có thể th úc đẩy tăng trưởng kinh tế và dẫn đến nhu cầu dầu cao hơn. Lạm phát khu vực đồng Euro đã tăng trong tháng 12/2023 và có thể tiếp tục tăng vào đầu năm 2024, điều này sẽ giảm bớt áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu hạ lãi suất. Dự báo giá dầu thế giới có thể tiếp tục tăng trong tuần tới.

Giá vàng thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01, hợp đồng vàng giao ngay nhích 0.1% lên 2,044.21 USD/oz sau khi giảm và sau đó tăng khoảng 1% vào đầu phiên. Giá vàng đã giảm hơn 1% trong tuần qua. Hợp đồng vàng tương lai hầu như không thay đổi ở mức 2,049.80 USD/oz.

Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm nhiều việc làm hơn dự báo trong tháng 12/2023, nhưng dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ đã chậm lại đáng kể trong tháng trước.

David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Đầu tiên, dữ liệu việc làm mạnh hơn dự báo, do đó chúng tôi thấy một số áp lực đè lên vàng… Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nhận được một số dữ liệu ISM yếu hơn kỳ vọng và kết quả là chúng tôi đã thấy xu hướng đảo chiều”.

Cả đồng USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã chạm mức cao nhất trong 3 tuần, hướng đến ghi nhận tuần tăng tốt nhất lần lượt kể từ tháng 7 và tháng 10/2023. Thị trường hiện dự báo khả năng 67% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 3/2024, theo công cụ CME FedWatch.

Nhận định thị trường tài chính thế giới tuần (8-14/01/2024)
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng không đem lại lợi suất. (Ảnh minh họa)

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng không đem lại lợi suất. Dự báo giá vàng thế giới có thể hồi phục trở lại trong tuần tới.

Thị trường chứng khoán thế giới

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần tới sẽ trải qua nhiều thách thức?

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã tăng trưởng 2 con số trong năm qua, nên giới phân tích cho rằng mất điểm đôi chút vào đầu năm là điều bình thường, tuy nhiên liệu đây có là xu hướng cho cả năm giao dịch hay không?

Trên thị trường chứng khoán Mỹ có học thuyết nổi tiếng: as goes January, so goes the year (tháng đầu có xuôi, thì cả năm mới lọt), hiểu theo cách khác, tháng 1 tăng điểm là do giới đầu tư dự cảm 1 năm tốt để bắt đầu mua vào, gieo lợi nhuận cho 1 năm và ngược lại.

Tuy nhiên dự cảm đó cũng có thể có ngoại lệ khi bị tác động bởi các yếu tố ít xuất hiện hoặc có kết quả bất ngờ, như bầu cử tổng thống chẳng hạn.

Theo lịch sử ghi nhận từ năm 1928 tới nay, có tổng cộng 24 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ số S&P 500 tăng điểm ở 20 cuộc, tương đương xác suất 80%. 2/4 cuộc mất điểm gần nhất là năm 2000 và 2008. Năm 2000 là do kết quả bị công bố muộn, còn 2008 là xảy ra suy thoái kinh tế.

Nhận định thị trường chứng khoán quốc tế tuần tới

Ông Oliver Roth, nhà phân tích chứng khoán, Đức, cho biết: "Chỉ số chứng khoán DAX của Đức leo dốc từ mức rất thấp lên mức cao kỷ lục 17.000 điểm. Tháng 1 thường được xem là thước đo tốt hay xấu cho cả một năm của thị trường chứng khoán. Đó là lý do vì sao nhà đầu tư sẽ theo dõi rất chặt những ngày giao dịch tới".

Trong khi đó, ông Hiromi Yamaji, CEO Tập đoàn Chứng khoán Nhật Bản, nhận định: "Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 28% năm 2023, mức cao nhất một thập kỷ. Tôi tin rằng chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong 2024 nhờ dòng vốn vẫn đang dịch chuyển tới Nhật Bản trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, cũng như nhu cầu ngày càng tăng đối với các công ty Nhật Bản có hoạt động kinh doanh và đầu tư vốn mạnh mẽ".

"Vào cuối năm 2024, chỉ số MSCI China Index có thể tăng gần 6% so với mức hiện nay, trong khi các chỉ số CSI 300 và Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng đạt kết quả tích cực lần lượt là 7,6% và 6,2%. Sự khởi sắc này là nhờ chính phủ Trung Quốc đang triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thị trường chứng khoán", bà Laura Wang, chuyên gia kinh tế Morgan Stanley, đánh giá.