Kết thúc phiên giao dịch tuần 7/6/2024, VN-Index neo ở ngưỡng 1.287 điểm, có tuần giao dịch khả quan khi tăng 25,86 điểm (+2,05%). Góp công lớn nhất cho đà tăng của VN-Index trong tuần là SAB, với mức tăng 16,5%. Vị trí thứ 2 là FPT. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng xuất hiện nhiều hơn trong top 10 với các đại diện TCB, VCB, STB, CTG và BID.

Ở chiều ngược lại, MWG tác động lớn nhất nhưng chỉ ảnh hưởng 0,54 điểm đến chỉ số. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.550 tỷ đồng trong tuần trên HoSE, dẫn đầu nhóm bán ròng là MWG, FPT và VHM với giá trị bán ra lần lượt 477 tỷ đồng, 313 tỷ đồng và 284 tỷ đồng. Chiều mua ròng, MSN được khối ngoại mua vào nhiều nhất với giá trị 276 tỷ đồng.

Theo CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định: Tổng kết lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6 thì xu hướng tích cực vẫn đang chiếm ưu thế với thân nến tuần tăng giá được hỗ trợ bởi khối lượng khớp lệnh ở mức cao, tương đương với mốc trung bình 20 tuần.

VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh của năm 2024 và có xu hướng Sideway trong 4 phiên gần đây mà chưa có sự bùng nổ vượt mức đỉnh của tháng 3. Dù vậy, sắc xanh vẫn áp đảo với 19/21 nhóm tăng điểm với nhiều nhóm tăng mạnh như: Hàng không (+8,66%), Hàng tiêu dùng (+7,29%), Công nghệ viễn thông (+6,08%) …

Ở thời điểm hiện tại, xu hướng tích lũy đã tiếp diễn được 4 phiên ở vùng tiệm cận mức đỉnh của năm 2024. Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy một tín hiệu đảo chiều nào xác nhận, nên xác suất cao nhịp tích lũy này là để VN-Index bùng nổ vượt qua mức đỉnh trong tháng 3 vừa qua.

Vì vậy, chúng tôi duy trì quan điểm nắm giữ danh mục, thậm chí tăng thêm tỷ trọng nắm giữ ở những mã cổ phiếu trong danh mục đang có lợi nhuận khi VN-Index rung lắc về ngưỡng hỗ trợ 1.270-1.275 điểm trong tuần tới.

Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng lạc quan và hướng tới mốc kháng cự 1.317-1.327 trong các tuần tới.

Nhận định thị trường chứng khoán tuần (10/6-14/6): Hạn chế mua đuổi, ưu tiên các cổ phiếu khởi sắc

Còn theo CTCK Asean: Thị trường tiếp tục trải qua phiên cuối tuần trước tăng điểm với diễn biến phân hóa mạnh. Đến gần cuối phiên chiều áp lực bán chủ động một lần nữa xuất hiện nhưng xung lực bán không đáng kể và đa số được hấp thụ nhanh chóng, dù lực cầu mua lên cũng không thực sự rõ ràng.

Bên cạnh đó, động lượng thanh khoản tiếp tục thấp nên nhiều khả năng thị trường sẽ cần tích lũy thêm. Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng vẫn sẽ tích lũy quanh biên độ 1.260-1.280 điểm.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng: VN-Index tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần nhưng vẫn ghi nhận nằm trong vùng biên độ tích lũy vùng đỉnh. Đà tăng vẫn duy trì trong phần lớn thời gian và vẫn ghi nhận suy yếu về cuối phiên do áp lực bán vùng giá cao.

VN-Index kết phiên với cây nến dạng Doji với giá đóng cửa ở vùng bình quân phiên giao dịch đi kèm thanh khoản thấp, cho thấy tín hiệu cân bằng sau chuỗi các phiên đi ngang tích lũy vùng giá cao tuần vừa qua.

Chỉ số vẫn ghi nhận gặp khó khăn tại vùng kháng cự đỉnh của năm 2024 và kỳ vọng sẽ sớm bứt phá vùng giá trị này khi đã có 3 tuần biến động quanh đây. Về khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn kết lại một tuần tăng điểm tích cực với giá đóng cửa tuần ở vùng gần cao nhất và thanh khoản duy trì ngang mức bình quân 1 năm.

Trong các phiên giao dịch đầu tuần mới, xu hướng tích lũy đi ngang như hiện tại dự báo vẫn sẽ tiếp diễn nhưng kỳ vọng chỉ số sẽ bứt phá về cuối tuần. Xu hướng ngắn hạn hiện tại của VN-Index đang duy trì vùng đi ngang tích lũy tại mức giá cao. Thị trường kỳ vọng sớm vượt kháng cự và tiếp diễn đà tăng giá.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị: Thị trường tiếp tục trạng thái thận trọng khi tiến đến sát đỉnh cũ 1.293 điểm nhưng khác với các phiên trước, thị trường có nỗ lực bước qua ngưỡng 1.285 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, cho thấy trạng thái lưỡng lực tạm thời của cả cung và cầu. Tín hiệu này tiếp tục cho thị trường thêm cơ hội kiểm tra lại nguồn cung tại vùng đỉnh cũ 1.293 điểm hoặc cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tạm thời vẫn cần cân nhắc khả năng nguồn cung sẽ hoạt động mạnh khi thị trường tăng điểm. Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường. Tạm thời vẫn nên hạn chế mua đuổi và tránh rơi vào trạng thái quá mua, đồng thời nên ưu tiên các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc trong thời gian gần đây.