NHNN TP HCM đã đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Theo NHNN TP HCM, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại những kết quả tích cực, quan trọng đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Song nhìn lại, sau hơn 10 năm thực hiện, nghị định đã và đang xuất hiện những tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc như chênh lệch ngày càng cao giữa giá vàng thế giới và trong nước, gây ảnh hưởng tâm lý nhất định đến thị trường, người dân và nhà đầu tư, đặc biệt mỗi khi thị trường vàng biến động mạnh.

Những phát sinh tồn tại hạn chế từ thị trường đòi hỏi tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý về thị trường, giá vàng, nguyên liệu đầu vào, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông…. Đây đồng thời cũng là sự cần thiết phải chỉnh sửa bổ sung lại Nghị định 24.

Thời gian qua, NHNN TP HCM thường xuyên thực hiện công tác tham mưu cho NHNN Việt Nam các vấn đề liên quan đến công tác quản lý thị trường vàng trên địa bàn thông qua các báo cáo định kỳ tháng, 6 tháng, năm và đột xuất.

Ngân hàng Nhà nước TP HCM kiến nghị hạn chế mua bán vàng miếng bằng tiền mặt

Tại các báo cáo trên, NHNN TP HCM đã có các kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan đến việc quản lý thị trường vàng và chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Việc chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 24, song vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu quan trọng của Nghị định 24 trong suốt hơn 10 năm qua, đó là không để thị trường vàng tác động ảnh hưởng đến tỷ giá, đến thị trường ngoại hối và mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa.

NHNN TP HCM cũng kiến nghị NHNN Việt Nam chỉnh sửa, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý thị trường vàng, trong đó xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả, tránh tạo ra độc quyền và lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.

Đồng thời, kiến nghị, xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt nhằm phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh vàng miếng của các đơn vị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và phòng chống hoạt động rửa tiền.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường cũng như kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm.

Theo NHNN TP HCM, các giải pháp này không chỉ phát hiện ngăn ngừa và hạn chế sai phạm phát sinh mà còn làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung các quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động này, trước hết là tổng kết Nghị định 24 của Chính phủ để đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng pháp luật về quản lý thị trường vàng.

Theo ghi nhận, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, thị trường vàng trong nước đảo chiều tăng sát mốc 82 triệu đồng/lượng.

Cụ thể: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 79,7 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng ở mức 79,5- 81,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng trong nước phiên hôm nay tăng cùng với giá vàng thế giới. Cụ thể, trong phiên giao dịch 13/3, giá vàng thế giới tăng khi các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 bất chấp lạm phát ở Mỹ tăng. Căng thẳng địa chính trị leo thang cũng duy trì nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản.