Ngân hàng First Citizens (FCB) đã đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Hôm qua (27/3) Ủy ban Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) ra thông báo cho biết Ngân hàng First Citizens (FCB) đã đạt được thỏa thuận mua lại tất cả các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Silicon Valley (SVB).
Thông báo nêu rõ First Citizens Bank & Trust Co, công ty chủ quản của FCB đã nhất trí các điều khoản với FDIC, cơ quan đang tạm thời tiếp quản SVB sau khi ngân hàng công nghệ hàng đầu này tuyên bố phá sản hồi tuần trước, để mua lại SVB.
Theo thỏa thuận trên, 17 chi nhánh cũ của ngân hàng SVB sẽ mở cửa ngay ngày 27/3 (theo giờ Mỹ) dưới danh nghĩa ngân hàng FCB và tài khoản tiền gửi của tất cả khách hàng SVB sẽ tự động được đổi sang thành tài khoản của First Citizens Bank.
FDIC cho biết thêm tổng tài sản của SVB tính tới ngày 10/3/2023 vào khoảng 167 tỷ USD và 119 tỷ USD tiền gửi. Thỏa thuận giữa hai bên cho phép First Citizens Bank mua 72 tỷ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD.
FDIC vẫn còn kiểm soát khoảng 90 tỷ USD trái phiếu và các tài sản khác của SVB. Ngoài ra, thỏa thuận cũng giúp FDIC có thêm quyền tăng vốn chủ sở hữu trong First Citizens Bank.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết First Citizens Bank (FCB), trụ sở chính tại Bắc Carolina, là ngân hàng thương mại lớn thứ 30 tại Mỹ với giá trị tài sản ròng khoảng 110 tỷ USD tính tới tháng 12/2022.
Việc FCB tiếp quản và mua lại lượng lớn tài sản của SVB là tín hiệu khả quan đối với ngành ngân hàng Mỹ, đồng thời cho thấy hướng đi của Fed và FDIC trong việc xử lý vụ phá sản lớn này đang đi đúng hướng.
Theo FDIC, khách hàng của SVBB, Hiệp hội Quốc gia sẽ tiếp tục sử dụng chi nhánh hiện tại cho đến khi nhận được thông báo chuyển đổi hệ thống hoàn tất từ First-Citizens Bank & Trust Company.
Ngân hàng First Citizens và FDIC cũng tham gia vào một "giao dịch chia sẻ tổn thất", trong đó FDIC sẽ chịu một phần lỗ đối với một nhóm tài sản cụ thể như các khoản vay thương mại được mua từ SVBB.
"Giao dịch chia sẻ tổn thất sẽ tối đa hóa khả năng thu hồi tài sản bằng cách giữ chúng trong khu vực tư nhân. Giao dịch này cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu sự gián đoạn đối với các khách hàng ", FDIC lý giải.
Cơ quan quản lý cho biết thêm, chi phí ước tính mà SVB không thể trả được Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) rơi vào khoảng 20 tỷ USD. Chi phí chính xác sẽ được xác định sau khi chấm dứt quyền tiếp nhận.
Thương vụ First Citizens Bank mua lại SVB đã thúc đẩy chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên giao dịch ngày 27/3. Trong đó, dẫn đầu đà tăng này là nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau khi bị chao đảo hồi tuần trước do những lo ngại rằng sự bất ổn trong lĩnh vực này có thể lan sang các thể chế tài chính lớn khác, như “gã khổng lồ” Deutsche Bank của Đức.
Đà khởi sắc này tiếp tục tiếp sức cho thị trường châu Á. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 19.800,03 điểm. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo tăng nhẹ 0,2% lên 27.518,25 điểm. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Singapore và Seoul.
Đi ngược lại xu hướng chung trong khu vực, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.245,38 điểm.
Ông Ray Attrill, người đứng đầu bộ phận chiến lược ngoại hối của ngân hàng National Australia Bank, ngày 28/3 nhận định thương vụ thâu tóm SVB của First Citizens đã giúp đem lại không khí tích cực cho các thị trường toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Danni Hewson, người đứng đầu bộ phận phân tích tài chính của công ty cung cấp các nền tảng đầu tư trực tuyến và dịch vụ môi giới chứng khoán AJ Bell, cho biết cuối tuần vừa qua, lĩnh vực ngân hàng đã “nín thở” chờ xem liệu tuần mới có bắt đầu với một cái tên ngân hàng khác cần giải cứu hay không. Và giờ đây, ông Hewson cho biết thương vụ First Citizens mua lại SVB đã phần nào trấn an thị trường.
© thitruongbiz.vn