Lãi sau thuế lũy kế 5 tháng đạt 2.202 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận năm. Biên lãi ròng lũy kế đạt 3,7%, thấp hơn so với con số 4,2% của 5 tháng đầu 2021.

MWG cho biết biên lãi ròng giảm là do ảnh hưởng của lạm phát đã làm tăng chi phí hàng hóa đầu vào và chi phí vận hành. Đơn vị này cũng chủ động triển khai chiến lược giá bán cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng. Ngoài ra các chi phí như Bách Hóa Xanh (BHX) thay đổi layout, xử lý cửa hàng hoạt động kém hiệu quả cùng các chuỗi thanh lý hàng bán chậm để đảm bảo tồn kho lành mạnh cũng gây ra tác động trong ngắn hạn.

MWG: Biên lãi ròng giảm sâu so với cùng kỳ

Xét về cơ cấu doanh thu lũy kế 5 tháng, chuỗi TGDĐ và ĐMX đóng góp 48.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81,1%. BHX mang về 10.500 tỷ, chiếm 17,7%. Còn lại 1,2% đến từ các mảng kinh doanh khác như nhà thuốc An Khang, cửa hàng quần áo AVAKids, …

Riêng trong tháng 5, doanh thu thuần 11.416 tỷ đồng, tương đương với tháng liền trước và tháng 5/2021. Lợi nhuận sau thuế 383 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng 4 nhưng giảm 20,5% so với tháng 5 năm ngoái.

Xét tình hình kinh doanh trong vài năm vừa qua, có thể thấy rằng doanh thu của Thế Giới Di Động liên tục tăng trưởng mạnh. Trong năm 2018, doanh thu MWG đạt 87,7 nghìn tỷ đồng, tăng lên 103,5 nghìn tỷ đồng vào năm 2019. Mức doanh thu này tiếp tục tăng lên 109,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 và đặc biệt tăng lên tới 124,1 nghìn tỷ trong năm 2021. Như vậy, có thể thấy rằng bất chấp dịch bệnh, doanh thu của MWG vẫn liên tục tăng trưởng.

Lợi nhuận sau thuế của MWG cũng có tăng nhưng mức tăng chưa thực sự tương xứng với quy mô doanh thu. Trong năm 2018, lợi nhuận MWG tăng từ 2,8 nghìn tỷ đồng lên mức 3,8 nghìn tỷ đồng năm 2019. Trong năm 2020, lợi nhuận của MWG đi ngang, đạt 3,9 nghìn tỷ đồng và tăng lên 4,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Cũng trong năm 2021 này, tổng tài sản của MWG chứng kiến sự tăng trưởng mạnh từ 46 nghìn tỷ đồng lên 62 nghìn tỷ đồng.

Lượng tăng này đến chủ yếu từ việc gia tăng tổng nợ ngắn hạn từ 29,4 nghìn tỷ đồng lên 42 ,5 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng trong giai đoạn 2020-2021 nhưng quy mô không bằng nợ.

MWG: Biên lãi ròng giảm sâu so với cùng kỳ
Ảnh minh họa

Mới đây, MWG vừa thông báo đã đạt mốc 50 cửa hàng TopZone - chuỗi bán lẻ chuyên dòng sản phẩm Apple. Đại diện MWG cũng tự tin cho biết: "Tại thị trường Việt Nam, TopZone là chuỗi uỷ quyền có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khi sở hữu 50 cửa hàng Mono-brand chỉ sau chưa đầy 8 tháng. Cột mốc 50 cửa hàng chỉ là khởi đầu cho hành trình mở rộng 200 cửa hàng vào cuối 2022, hướng đến doanh thu 1 tỷ USD cuối 2023 và tham vọng nâng cấp thị trường bán lẻ hệ sinh thái Apple tại Việt Nam ngang tầm Singapore, Thái Lan".

Nhảy vào thị trường Apple từ cuối năm 2021, MWG không giấu tham vọng thống lĩnh thị trường này dù là kẻ đi sau. Bởi, đây là thị trường giá trị lớn và quy mô ngày càng mở rộng khi Apple cũng xem Việt Nam như thị trường trọng điểm để đẩy mạnh, từ việc mở rộng hợp tác với đơn vị địa phương đến rút ngắn thời gian vận chuyển... "Đã là Apple Fan thì người ta phải đổi thôi", đại diện là ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nói.

Ghi nhận 2 năm trở lại đây, sản phẩm iPhone rất "hot" tại Việt Nam, và riêng năm 2021 thì tình hình xách tay iPhone giảm mạnh xuống mức rất thấp. Đây là cơ hội để các nhà bán hàng chính ngạch và MWG gia tăng số lượng. Việc tăng thị phần tích cực của Apple đã được hỗ trợ bởi (i) nỗ lực giành thị phần tại Việt Nam khi từ tháng 7/2020 Apple đã ký kết hợp tác với DGW, PET, FPT Synnex và Viettel để phân phối các sản phẩm được ủy quyền của mình tại Việt Nam; (ii) rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mới giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thu hẹp khoảng cách về giá giữa các sản phẩm chính hãng với xách tay.