Năm 2022, nhiều ngân hàng TMCP có vốn nhà nước và vốn tư nhân đã triển khai tăng vốn điều lệ; có những ngân đã thực hiện xong việc chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu.

Ước tính theo kế hoạch các nhà băng công bố, hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung khoảng 120.000 tỷ đồng vốn điều lệ năm nay. Mức vốn điều lệ này sẽ giúp ngành ngân hàng mở rộng đáng kể dư nợ tín dụng trong nền kinh tế. Tương ứng là lượng cung cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tăng lên đáng kể để thị trường chứng khoán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ sẽ là động lực để các ngân hàng tiếp tục dành lại thị phần trong thời gian tới. Đồng thời góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN. “Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

MB Bank, SeAbank, SHB và hàng loạt ngân hàng tăng vốn điều lệ trong 8 tháng đầu năm 2022
Top 10 ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hiện nay

MBBank

Trong thông báo mới nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông MBBank vào ngày 23/8 để ngân hàng này trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021 cho cổ đông.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Với hơn 3,77 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, MBBank dự kiến phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn điều lệ từ hơn 37.700 tỷ đồng hiện tại lên trên 45.339 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ kể trên, MBBank sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 4 sau BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Trước đó, phương án tăng vốn điều lệ của MBBank đã được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 hồi tháng 4, tổng mức tăng dự kiến trong năm nay sẽ đưa vốn ngân hàng lên trên 46.882 tỷ đồng.

SHB

SHB cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của ngân hàng lên 26.674 tỷ đồng. Trước đó, nhà băng này đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn theo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán, tương ứng với số cổ phiếu đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết bổ sung và đưa vào giao dịch trên thị trường.

Lãnh đạo SHB cho biết theo kế hoạch đặt ra, ngân hàng sẽ tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.

Hiện ngân hàng đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn, bao gồm 3 cấu phần là chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu; chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 100:20, giá chào bán 12.500 đồng/cổ phiếu; và chào bán 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

HDBank

Cũng trong nửa đầu tháng 8, cơ quan quản lý tiền tệ đã chấp thuận để HDBank tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm dự kiến được lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2021 thông qua trả cổ tức tỷ lệ 25% và một phần cổ phiếu phát sinh từ giao dịch chi trả ESOP cho nhân viên.

Với trên 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, HDBank dự kiến dùng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.

NamABank

NamABank cũng cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.230 tỷ đồng vốn tăng thêm được thực hiện qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 370 tỷ đồng tăng thêm thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua, các cổ đông Nam A Bank đã đồng thuận thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ đồng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên mức 6.564.405.040.000 đồng. Như vậy, phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 của Nam A Bank sẽ từ mức hơn 6.500 tỷ đồng lên hơn 10.500 tỷ đồng.

KienlongBank

Theo Công văn số 5360/NHNN-TTGSNH, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho KienlongBank được tăng vốn điều lệ thêm 578,4 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, cổ đông sở hữu cổ phiếu KLB sẽ được hưởng 16% cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu.

Theo văn bản này, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc KienlongBank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 578.371.000.000 đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán sau khi trích lập các quỹ theo quy định pháp luật tại phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông KienlongBank phiên họp thường niên năm 2022 thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/4/2022 và Hội đồng quản trị KienlongBank thông qua tại Nghị quyết số 33/NQ-HĐQT ngày 5/7/2022.

Như vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn theo quy định của pháp luật, mức vốn điều lệ của KienlongBank từ 3.652,8 tỷ đồng sẽ tăng lên 4.231,2 tỷ đồng theo đúng Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ tháng 4/2022.

SeABank

Ngày 20/04/2022, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đại hội đồng Cổ đông SeABank 2022 cũng vừa thông qua phương án tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng trong năm 2022 để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-NHNN ngày 20/4/2022 về việc chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SeABank trên Giấy phép hoạt động của SeABank từ 14.785 tỷ đồng lên 16.598 tỷ đồng sau đợt chào bán thành công 181.311.631 cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, trong năm 2021, SeABank đã 2 lần tăng vốn điều lệ với tổng cộng tiền 2.698 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) và chào bán ra công chúng.

Techcombank

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Techcombank tăng vốn điều lệ tối đa thêm 63,2 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua tại Nghị quyết ngày 23/4/2022.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ngân hàng đã thông qua phương án phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương hơn 0,18% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, 5,3 triệu cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam và 967.367 cổ phần phát hành cho người lao động nước ngoài.

ACB

Ngày 4/5/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 2951/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Theo đó, NHNN chấp thuận việc ACB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.754.870.190.000 đồng (Sáu nghìn bảy trăm năm mươi tư tý tám trăm bảy mươi triệu một trăm chín mươi nghìn đồng) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông ACB thông qua tại Nghị quyết số 1513/TCQĐ-ĐHĐCĐ.22 ngày 7/4/2022 và Hội đồng quản trị ACB thống nhất triển khai tại Quyết định số 1552/TCQĐ-HĐQT.22 ngày 12/4/2022.

Trước đó, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, theo tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới).

Viet Capital Bank

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, mã chứng khoán: BVB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.618 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 5.289 tỷ đồng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Bản Việt tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng dưới ba hình thức: phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu tối đa 550,6 tỷ đồng; phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 917,7 tỷ đồng và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động, tối đa 150 tỷ đồng, đã được Đại hội đồng cổ đông Bản Việt thông qua vào ngày 8/4/2022. Như vậy sau khi hoàn tất việc phát hành này, tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng Bản Việt sẽ là 5.289 tỷ đồng.

OCB

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận việc OCB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 58,8 tỷ đồng; trong đó tăng vốn điều lệ thêm tối đa 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động OCB và thêm tối đa 8,8 tỷ đồng thông qua (Ngân hàng Aozora) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông OCB thông qua.

Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận việc Ngân hàng Aozora - cổ đông lớn của OCB được mua cổ phần của OCB theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông OCB thông qua. Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng...